Viêm họng do liên cầu khuẩn: Dùng thuốc thế nào? - Ảnh 1.

Người bệnh cần đi khám để được điều trị thích hợp.

Vậy việc dùng thuốc điều trị trong trường hợp này như thế nào?

Những biến chứng nguy hiểm

Bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn thường có triệu chứng nặng hơn so với các nguyên nhân khác. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn tới các biến chứng nhiễm trùng ở amidan, ở tai, máu, viêm thận và sốt thấp khớp.

Sốt thấp khớp có thể dẫn tới đau khớp và viêm, phát ban thậm chí làm tổn hại cho van tim. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng tỷ lệ thường gặp nhất là trẻ em từ 5 - 15 tuổi.

Người bệnh sẽ có các triệu chứng như: họng đỏ, xuất hiện các mảng trắng ở amidan, sốt hoặc đau đầu, thỉnh thoảng có nổi ban, có thể kèm theo sưng nề hạch bạch huyết...

Dùng thuốc như thế nào?

Khi có các dấu hiệu trên người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc kháng sinh và các thuốc điều trị hỗ trợ khác.

Dùng thuốc kháng sinh: Trước kia khi chưa có kháng sinh, liên cầu khuẩn là một tai họa lớn, gây nhiều tử vong trong các thể bệnh nặng cấp tính như nhiễm trùng huyết, áp-xe phổi, áp-xe sau thành họng, hội chứng nhiễm độc nhiễm trùng...

Và để lại nhiều di chứng rất nặng sau viêm họng như thấp tim, viêm cầu thận cấp… Tuy nhiên, việc ra đời và không ngừng được cải tiến hiệu quả của các nhóm thuốc kháng sinh đã làm giảm tần suất tử vong cũng như biến chứng của các thể cấp tính của bệnh.

Đối với việc điều trị liên cầu nhóm A, có thể sử dụng các nhóm kháng sinh như penicillin, cephalosporin hoặc macrolid, trong đó, kháng sinh nhóm penicillin vẫn là thuốc được lựa chọn đầu tiên trong điều trị viêm họng do liên cầu.

Vì đây là thuốc dễ sử dụng, rẻ tiền và có hiệu quả cao.

Trong trường hợp người bệnh có tiền sử hoặc dị ứng với nhóm thuốc penicillin, có thể sử dụng thay đổi sang các nhóm thuốc khác như cephalosporin (cefadroxil, cefuroxim, cefexim...) và macrolid (nhưng cần làm kháng sinh đồ vì đã có những báo cáo của các nhà nghiên cứu về việc liên cầu nhóm A đã kháng một số thuốc trong những nhóm kháng sinh này).

Khi được bác sĩ kê đơn dùng thuốc kháng sinh, người bệnh cần tuân thủ liều dùng, số lần dùng trong ngày, thời gian dùng cho một đợt điều trị và tái khám đúng hẹn.

Nếu xảy ra những triệu chứng bất thường trong quá trình sử dụng thuốc như buồn nôn, phát ban… cần thông báo kịp thời cho bác sĩ biết, vì đó có thể là những tác dụng không mong muốn của thuốc.

Các thuốc hỗ trợ khác: Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh để tiêu diệt liên cầu nhóm A, cần kết hợp sử dụng thêm các nhóm thuốc hỗ trợ đi kèm để hạ sốt như paracetamol (khi sốt cao trên 38,50C).

Cần dùng đúng liều theo chỉ định của bác sĩ (hoặc trong hướng dẫn sử dụng thuốc). Khi uống thuốc sốt chưa hạ hoặc hạ ít cần dùng biện pháp hạ sốt khác như chườm (bằng nước ấm) cơ thể… để hỗ trợ hạ sốt. Không được tăng liều thuốc sẽ gây hại (tổn thương gan) cho người sử dụng.

Nhóm kháng viêm, chống phù nề như alphachymotripsin cũng thường được sử dụng cho những người bệnh này. Ngoài ra, người bệnh nên tăng cường ăn hoa quả (hoặc uống vitamin C) để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Để điều trị bệnh hiệu quả, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần được nghỉ ngơi, uống nhiều nước, ăn các thức ăn nhẹ nhàng như cháo, súp… súc miệng bằng nước muối sinh lý hàng ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh tiếp xúc, tụ tập nơi đông người…