Theo báo cáo đăng trên tạp chí The Lancet Oncology, trong số 12,7 triệu bệnh nhân ung thư mới mỗi năm, gần 1/6 là do viêm.
Lý do là bởi khi cơ thể có chỗ bị viêm, các tế bào bị tổn thương sẽ liên tục được sửa chữa, tái tạo. Khi tế bào được phân chia số lượng lớn, tất yếu dẫn đến sai sót trong quá trình sao chép DNA. Cuối cùng, tạo điều kiện để hình thành các khối u ác tính.
Ngoài ung thư, tình trạng viêm không được điều trị còn có thể dẫn đến nhiều loại bệnh khác, ví dụ như: gây hại cho hệ thần kinh, làm tổn thương tim mạch, làm tăng nguy cơ trầm cảm...
Như vậy có thể thấy, viêm là tình trạng rất nguy hiểm và cần được điều trị dứt điểm. Những ai đang bị viêm ở 5 cơ quan này thì cần phải can thiệp càng sớm càng tốt.
Nếu bạn mắc phải 5 loại viêm này hãy điều trị càng sớm càng tốt
1. Viêm dạ dày mãn tính
Những người bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, chỉ trong vài tuần sẽ hình thành viêm dạ dày mãn tính. Tình trạng này nếu trì hoãn và không điều trị dứt điểm thì có khả năng cao phát triển thành ung thư dạ dày. Tuy nhiên, hầu hết bệnh nhân nhiễm Helicobacter pylori có thể được chữa khỏi bằng thuốc nên mọi người không cần quá lo lắng.
2. Viêm tụy
Theo số liệu tại Trung Quốc, 80% bệnh nhân ung thư tuyến tụy có tiền sử viêm tụy. Nếu viêm tụy liên tục tái phát sẽ chuyển thành mãn tính, bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất sẽ phát triển thành ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối.
3. Viêm gan
Yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư gan là nhiễm vi rút viêm gan B (HBV) hoặc vi rút viêm gan C (HCV) mãn tính. Những bệnh nhiễm trùng này dẫn đến xơ gan và là nguyên nhân làm cho ung thư gan trở thành bệnh ung thư phổ biến nhất ở nhiều nơi trên thế giới.
Nếu bệnh viêm gan cấp tính phát triển và không được khắc phục kịp thời có thể trở thành viêm gan mãn tính, sau đó là xơ gan, ung thư gan.
4. Viêm cổ tử cung
Yu Zhuo, bác sĩ huyết học và ung thư tại Trung Quốc cho biết: Viêm cổ tử cung mãn tính bao gồm phì đại cổ tử cung, polyp cổ tử cung, u nang lộ tuyến cổ tử cung và viêm lộ tuyến cổ tử cung... Nếu bạn bị nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV), đặc biệt là chủng HPV16 và HPV18 thì tình trạng viêm cổ tử cung mãn tính có thể dễ dàng trở thành ung thư cổ tử cung.
Vì vậy, phụ nữ bị viêm cổ tử cung mãn tính nên đến bệnh viện để xét nghiệm HPV và TCT (tế bào học dạng lỏng). Bên cạnh đó cần tiến hành tiêm vắc xin ngừa HPV và đi khám phụ khoa đều đặn 6 tháng/lần.
5. Viêm ruột
Trong số các loại viêm ruột, viêm loét đại tràng mãn tính là loại có khả năng gây ung thư cao nhất. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, 15 năm sau khi phát bệnh thì nguy cơ ung thư là 5% và 25 năm nữa là 10%. Nếu thanh thiếu niên mắc bệnh này, họ có nhiều khả năng bị ung thư ở tuổi trung niên.
Thường xuyên ăn 3 loại thực phẩm này sẽ đẩy tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn
Tạp chí của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ từng công bố dữ liệu so sánh giữa những người thường xuyên ăn thực phẩm gây viêm và những người ăn thực phẩm chống viêm. Kết quả cho thấy, nhóm ăn thực phẩm chống viêm có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ thấp hơn lần lượt là 38%, 28%.
3 loại thực phẩm gây viêm chủ yếu bao gồm:
- Thực phẩm nấu với nhiều muối, nhiều dầu, nhiều đường có xu hướng làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa và gây viêm nhiễm.
- Một số sản phẩm thịt chế biến sẵn như giăm bông, thịt xông khói, cá muối và nội tạng động vật có thể làm quá tải các đảo tụy. Tiêu thụ lâu dài những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy.
- Rượu bia - đây là thứ gây ung thư nhóm 1 được WHO khuyến cáo.
Bên cạnh đó cũng có những "thực phẩm chống viêm" bao gồm: cá thu, cá hồi, hạt dẻ, sô cô la đen, bánh mì nguyên hạt, cà rốt, hồ đào, rau bina, mận, cà chua, sữa đậu nành và dầu ô liu nguyên chất.
Để phòng tránh tình trạng viêm trong cơ thể, ngoài việc kiểm soát chế độ ăn uống, bạn nên duy trì thói quen tập thể dục ít nhất 150 phút/tuần. Điều này có thể thúc đẩy cơ bắp tiết ra hoạt chất giúp loại bỏ chứng viêm, đồng thời giúp giữ dáng.
Tốt nhất nên tiến hành khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trên cơ thể. Từ đó chủ động điều trị các bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp.