Viêm phổi thùy ở trẻ em: Gia tăng ca bệnh, biến chứng khó lường - Ảnh 1.

Hình minh họa.

Đây là một bệnh phổ biến có thể xảy ra ở bất kể thời điểm nào trong năm và có khả năng gây biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Việc nhận biết sớm các triệu chứng sẽ giúp điều trị kịp thời, tăng hiệu quả trị bệnh.

Bệnh viêm phổi thùy ở trẻ em là gì?

Là một dạng của viêm phổi. Đây là hiện tượng tổn thương viêm nhiễm nhu mô phổi. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là vi khuẩn đặc biệt là phế cầu khuẩn, virus. Ngoài ra, một số loại nấm hay ký sinh trùng cũng có thể gây viêm phổi thùy.

Bệnh thường xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa Đông Xuân - thời điểm có tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cao nhất trong năm. Trẻ em thường có cơ địa yếu nên là đối tượng dễ mắc phải bệnh này. Đặc biệt, viêm phổi thùy có thể bùng phát thành dịch ở nhà trẻ, trường học, các khu dân cư…

Dấu hiệu nhận biết bệnh ở trẻ

Viêm phổi thùy ở trẻ được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát: Ở giai đoạn này, trẻ thường có dấu hiệu bệnh rất mờ nhạt và ít triệu chứng. Tuy nhiên cũng có một số biểu hiện thường gặp như sốt cao đột ngột, đau tức ngực, rét run, ho khan, khó thở.

Giai đoạn toàn phát: Sau 3 ngày từ ngày có các triệu chứng khởi phát, nếu không được phát hiện sớm sẽ xuất hiện các triệu chứng nặng hơn như sốt cao liên tục 39 - 40 độ C, trẻ biếng ăn, quấy khóc, nôn mửa, đau bụng, đờm đặc hoặc đờm có màu gỉ sắt, nước tiểu ít, sẫm màu. Trong giai đoạn này, nếu không điều trị đúng cách, bệnh có thể có những biến chứng nặng như áp xe phổi, viêm phổi hoại tử, xẹp phổi, tràn dịch, tràn mủ màng phổi hay màng tim và có thể gây nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng não…

Điều trị viêm phổi thùy ở trẻ em như thế nào?

Ở những trẻ có sức đề kháng tốt, bệnh đang ở giai đoạn khởi phát thì chỉ cần điều trị hỗ trợ, nghỉ ngơi cùng chế độ ăn uống dễ tiêu hóa, đủ chất và bổ sung thêm các loại vitamin nhóm B, C. Ngoài ra cần bù nước và điện giải. Nếu điều trị sớm và đúng phương pháp thì bệnh có thể giảm và khỏi sau 7 - 10 ngày.

Đối với những trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn, bố mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Ở trẻ bị viêm phổi thùy, cần được điều trị kịp thời, đúng phương pháp, tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Để phòng ngừa bệnh, cần xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho trẻ, cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ vào mùa lạnh, vệ sinh thông thoáng cho trẻ vào mùa hè. Tạo môi trường sống sạch sẽ, tránh tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, những khu vực ô nhiễm. Thường xuyên cho bé đi khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện bệnh để có hướng điều trị nhanh, đúng và phù hợp nhất.