Bệnh do thiếu kinh nghiệm

Viêm tuyến vú sau sinh là bệnh thường gặp ở sản phụ, nhất là ở các sản phụ sinh con lần đầu. Bệnh xuất hiện vào khoảng 3-4 tuần đầu sau khi sinhcho con bú. Nhưng nhiều phụ nữ không biết mình bị viêm tuyến sữa nên dẫn đến bệnh càng nghiêm trọng.

Chị Tuyền 30 tuổi (Hai Bà Trưng – Hà Nội) sinh con lần đầu khi mới 20 tuổi nên chưa có nhiều kinh nghiệm. Sau khi sinh con được 2 tuần một bên vú của chị xuất hiện một cục nhỏ sờ vào hơi đau, càng ngày cục đó càng to, người chị có dấu hiệu sốt. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên khi nghe mọi người nói đắp lá sẽ làm cho sữa lưu thông và hết viêm, chị đã làm theo. Đắp lá được hơn một tuần, chỗ bị viêm đó trở nên lở loét nghiêm trọng. Tới lúc này quá lo sợ chồng chị vội đưa đi khám bác sĩ thì được biết chị viêm tuyến sữa dẫn đến áp xe vú, may vết lỡ loét chưa bị nhiễm trùng. Bác sĩ chỉ định chị phải chích vú ngay không sẽ gặp nguy hiểm.

Cũng như chị Tuyền, chị Hải  (Ngọc Hồi- Thanh Trì) sinh con lần đầu nên  cũng vấp phải viêm tuyến vú.  Chị chia sẻ mặc dù chị thường xuyên lau rửa đầu ti sạch sẽ nhưng do một bên đầu vú của chị nhỏ nên mỗi lần em bé bú rất khó khăn, mặc dù chị rất tích cực cho bú nhưng bé nhà chị chỉ cắn mút và tỏ ra không thích ti mẹ. Sau một thời dài bé bỏ hẳn bú bên này khiến tuyến sữa bị tắc nghiêm trọng, dẫn đến ngực đau, căng tức, sốt cao. Chị lo sợ mình bị áp xe vú, phải đến viện để chích như chị cùng công ty nên đã nhanh chóng đi khám ngay. 

Cũng nhờ đi khám kịp thời nên bác sĩ cho chị uống thuốc và khuyên chị nên cho bé bú lại và bú triệt để một bên mới chuyển sang vú khác hoặc dùng máy vắt sữa thường xuyên để sữa được lưu thông sẽ tránh tình trạng viêm tuyến vú dẫn đến viêm tắc tuyến sữa tái phát.

Viêm tuyến vú sau sinh: bệnh chị em cần biết để tránh 1
Vi khuẩn gây bệnh viêm tuyến vú sau sinh đa số là tụ cầu vàng và liên cầu. Ảnh minh họa

Theo bác sĩ khoa sản Nguyễn Văn Hùng, BV Đống Đa, cho biết: dấu hiệu bệnh viêm tuyến vú sau sinh thường bao gồm: bệnh nhân cảm thấy ớn lạnh, người nóng ran, bầu vú cứng lại, nổi lên từng cục hồng và gây đau đớn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, đau đớn cục bộ, ấn nhẹ vào cũng đau giãy lên, sốt cao không hạ, dẫn tới ung mủ cục bộ, thậm chí dẫn tới chứng bại huyệt. 

Vi khuẩn gây bệnh viêm tuyến vú sau sinh đa số là tụ cầu vàng và liên cầu. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là sữa tươi ngưng tụ, tiết sữa không thông. Những sản phụ khi sinh con lần đầu núm vú còn non nớt, lại thêm cho con bú lần đầu thường không đúng cách, khiến bé gây tổn thương da đầu núm vú, hình thành những vết mứt.

Đặc biệt ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương. Khi đầu vú đã nứt thì càng bú càng đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa, khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.

Một số cách phòng bệnh viêm tuyến vú

BS. Hùng lưu ý bệnh viêm tuyến vú sau sinh cần điều trị càng sớm càng tốt, ngay từ khi mới cảm thấy có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Khi cho con bú mà cảm thấy đau đầu vú, sau khi con bú hãy bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ, dầu gan cá. Nếu đầu vú đã nứt, có thể tạm dừng cho bé bú trược tiếp mà hãy dùng dụng cụ hút sữa, hút sữa ra cho bé bú, hoặc dùng núm trợ ti bằng silicon hoặc cao su có bán rất nhiều trên thị trường. Nếu đã viêm tuyến sữa cấp tính thì phải uống thuốc theo đơn bác sĩ. Nếu đã mưng mủ thì bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để rạch lấy hết mủ ra.

Viêm tuyến vú sau sinh: bệnh chị em cần biết để tránh 2
Cho con bú đúng cách để phòng viêm tuyến vú sau sinh. Ảnh minh họa

Để phòng ngừa viêm tuyến sữa sau sinh, quan trọng nhất là phòng nứt đầu vú. Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì  chị em cần phải vê kéo dần ra ngoài hằng ngày nhất là từ khi mang thai ở tháng thứ 5, nên rửa sạch, sau đó bôi lên chút dầu ăn, khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn, sau sinh nở và cho con bú sẽ không bị nứt nữa. 

Tiếp đến, cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 – 15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì vắt ra ngoài. Lần kế tiếp cho bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch thì mới đổi sang bên này. Thay đổi kế tiếp như vậy để tránh việc sữa không được bú hết sẽ tích tụ lại.

Mỗi lần cho bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô. Nếu khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông sữa khi cho bú, hoặc là phải dùng mày vắt sữa thường xuyên như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.

Tuy nhiên khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú, sản phụ cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp tránh được hậu quả như chị Tuyền.