Theo báo cáo do Viện Lowy công bố ngày 27-1, New Zealand, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu trong bảng đánh giá chỉ số hiệu suất Covid-19 của gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dữ liệu thu thập bao gồm số ca mắc Covid-19 ở mỗi nước và vùng lãnh thổ, tỉ lệ tử vong và số ca xét nghiệm được xác nhận. Viện Lowy cho biết chỉ số của họ được công bố hôm 27-1 không bao gồm Trung Quốc, nơi các ca bệnh đầu tiên được xác định vào tháng 12-2019, do thiếu dữ liệu công khai.
Viện Lowy xếp hạng New Zealand và Việt Nam là 2 quốc gia xử lý đại dịch COVID-19 hiệu quả nhất thế giới. Ảnh: AP
Các quốc gia khác trong tốp 10 bao gồm Thái Lan, Cộng hòa Síp (Cyprus), Rwanda, Iceland, Úc, Latvia và Sri Lanka - những quốc gia có ít ca bệnh và ca tử vong được ghi nhận.
Một số quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp và các quốc gia có dân số lớn như Indonesia và Ấn Độ… có thành tích chống dịch bệnh khá thấp. Mỹ đứng ở vị trí thứ 94 - gần cuối bảng xếp hạng, trong khi Indonesia và Ấn Độ lần lượt đứng ở vị trí thứ 85 và 86. Nước Anh với số người chết cao nhất ở châu Âu đứng ở vị trí thứ 66.
Bảng đánh giá cho thấy các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương thành công nhất trong việc ngăn chặn đại dịch, trong khi châu Âu và Mỹ "nhanh chóng bị choáng ngợp" bởi sự lây lan của Covid-19.
Báo cáo của Viện Lowy được đưa ra khi thế giới vượt 100 triệu ca Covid-19 và số người chết vượt quá 2 triệu. Ảnh: Reuters
Nhà nghiên cứu Herve Lemahieu của Viện Lowy cho biết báo cáo đánh giá phản ứng của các nước đối với dịch Covid-19 cho thấy các nước nhỏ thường có phản ứng đối với dịch bệnh hiệu quả hơn các nước lớn. Ông dẫn chứng một số quốc gia như Rwanda, Iceland, Latvia đều lọt vào tốp 10 quốc gia hàng đầu trong bảng xếp hạng. Ông nói với đài ABC: "Các quốc gia có dân số dưới 10 triệu người tỏ ra phản ứng nhanh hơn phần lớn các nước lớn hơn trong việc xử lý tình huống khẩn cấp về sức khỏe".
Ông Lemahieu cũng cho biết các nước đứng đầu danh sách có các chế độ quản trị và mức độ phát triển kinh tế khác nhau nhưng tất cả người dân đều được hưởng lợi ích từ hệ thống thể chế hiệu quả. Điều đó cho thấy các quốc gia này có sự gắn kết xã hội và hệ thống thể chế năng lực cao, giúp cho các chương trình hành động được thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả hơn so với hầu hết phần còn lại của thế giới.
Về vắc-xin Covid-19, ông Lemahieu nói rằng các nước nghèo hơn sẽ gặp khó khi phải vật lộn để có được vắc-xin cho người dân. "Với việc phân phối và tích trữ vắc-xin không đồng đều, chúng ta có thể thấy các nước giàu có ưu thế quyết định trong nỗ lực khắc phục khủng hoảng" - ông Lemahieu khẳng định.
Báo cáo của Viện Lowy được đưa ra khi thế giới chính thức vượt 100 triệu ca Covid-19 và số người tử vong vượt quá 2 triệu, dấu mốc đáng buồn giữa cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.