Đây là thông điệp về việc không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình nước rút của Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu, bao gồm đảm bảo tiếp cận với dịch vụ y tế cho tất cả mọi người dân. Tại Việt Nam, chủ đề của Ngày Thế giới phòng chống lao năm 2021 là "Việt Nam chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao".
Không còn nhiều thời gian cho chấm dứt bệnh lao
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân mắc mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu mỗi năm, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.
Trong Chiến lược chấm dứt bệnh lao, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015; đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm mới mắc cần tăng lên từ 4 - 5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.
Tuy nhiên, vào cuối năm 2019, nhiều quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao đã không đạt được các mục tiêu quan trọng năm 2020 của Chiến lược chấm dứt bệnh lao. Trên toàn cầu, tỷ lệ mắc mới bệnh lao đang giảm nhưng không đủ để đạt mục tiêu là giảm 20% từ năm 2015 - 2020. Từ năm 2015 đến năm 2019 giảm tổng cộng là 9%. Số ca tử vong do lao hàng năm đang giảm trên toàn cầu nhưng không đủ mạnh để đạt mục tiêu là đến năm 2020 giảm 35% (2015- 2020). Mức giảm từ năm 2015 đến năm 2019 là 14%, chưa đến một nửa so với mục tiêu đề ra.
Từ khi COVID-19 được Tổ chức Y tế thế giới công bố là "Đại dịch toàn cầu" vào cuối tháng 1/2020, tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%. Ở 3 nước có gánh nặng bệnh lao cao gồm Ấn độ, Indonesia và Philippines, số bệnh nhân lao phát hiện giảm khoảng 25 - 30% so với năm 2019. Tại Việt Nam, tỷ lệ này giảm 3,1%.
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Số ca tử vong do lao trên toàn cầu tăng khoảng 0,2 - 0,4 triệu người chỉ trong năm 2020, nếu các dịch vụ y tế bị gián đoạn, số người mắc lao được phát hiện và điều trị giảm 25 - 50% trong thời gian 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca trong năm 2020.
Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam mỗi năm có 170.000 ca mắc mới (báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới năm 2020). Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình họ đối mặt với những chi phí thảm họa - nghĩa là chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
“Năm 2020, Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi COVID-19, mặc dù ảnh hưởng đó là nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới, phát hiện bệnh lao cũng giảm đi 3,1%. Tuy nhiên, người dân dã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có sự tương đồng giữa lao và COVID-19. Đồng thời, hệ thống chính trị cũng có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế - xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung cho biết.
Vì vậy, năm 2020, chủ đề Ngày Thế giới phòng chống lao mà Chương trình đưa ra là “Biến hiểm hoạ COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao”. Tiếp nối mạch này, chủ đề năm nay sẽ là “Việt Nam chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao”.
“Với chủ đề này, chúng tôi muốn kêu gọi, từ cuộc chiến chống dịch COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lùi được dịch COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030”, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia tin tưởng.
Cơ chế lây nhiễm của lao nguy hiểm hơn COVID-19
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, con số tử vong vì lao còn cao hơn nhiều số tử vong do mắc COVID-19 hay do tai nạn giao thông. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. So với COVID-19, cơ chế lây nhiễm của bệnh lao nguy hiểm hơn nhiều vì vi khuẩn lao có thể lây truyền qua không khí với các hạt mịn có kích thước từ dưới 5 micro mét, lại có khả năng đối phó, thích nghi với những điều kiện khắc nghiệt của môi trường trong thời gian dài. Trong khi đó, COVID-19 chỉ lây khi tiếp xúc với giọt bắn trực tiếp từ người bệnh hoặc bề mặt các đồ vật qua tay tiếp xúc trực tiếp rồi đưa lên miệng mắt mũi.
Bệnh lao là “kẻ giết người thầm lặng”, không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Đối với dịch COVID-19 tại Việt Nam, từ tháng 1/2020 cho tới ngày 23/3/2021, số người mắc là 2.448 người, 1.876 ca khỏi bệnh, 35 ca tử vong. Còn bệnh lao tại Việt Nam, riêng năm 2020, mỗi năm ước tính có 170.000 ca mắc lao mới và ước tính tử vong khoảng 11.400 ca (trong đó 9.400 ca tử vong ở bệnh nhân lao không nhiễm HIV, 2.000 ca tử vong ở bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV), phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện và điều trị. Hơn thế nữa, bệnh lao tại Việt Nam không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc…, mà tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị trên 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Để có thể phát hiện được nhiều ca mắc lao, Dự án USAID SHIFT và Chương trình Chống lao quốc gia đã triển khai chiến lược “2X” (Xquang-Xpert) vào phát hiện chủ động đạt hiệu quả cao gấp 7 lần so với phát hiện thụ động hiện nay. Không chỉ có giá trị trong phát hiện các ca mắc lao, máy Gene Xpert còn có tác dụng hiệu quả trong xét nghiệm SARS-CoV-2. Gene Xpert bản chất là xét nghiệm Real-Time PCR, có nhiều ưu điểm như là hệ thống hoạt động hoàn toàn tự động từ khâu tách chiết, trộn, đến phân tích, thời gian rút ngắn chỉ còn trong vòng 45 phút. Với phương pháp này, con người chỉ can thiệp chủ yếu là khâu lấy và vận chuyển mẫu. Hệ thống xét nghiệm Gene Xpert gồm 218 máy đặt tại các địa phương của Chương trình phòng chống lao sẵn sàng tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2 khi có yêu cầu. Đây sẽ là một phương pháp mới nhanh chóng, hiệu quả, phát hiện sớm người mắc COVID-19.