Ca tử vong đầu tiên liên quan đến Covid-19 - cơn bão hủy diệt đã “đổ bộ” vào chúng ta

Bệnh nhân 428 tử vong vì nhồi máu cơ tim trên nền bệnh lý nặng và mắc Covid-19

Một dòng tin lạnh ngắt. Một cú choáng váng với tất cả chúng ta. Điều mà không ai mong muốn phải đón nhận ấy đã đến. Đó là một bệnh nhân 70 tuổi đang điều trị rất nhiều bệnh nền mãn tính, và Covid-19 như "cú đấm cuối cùng" hạ gục hệ miễn dịch đã tổn thương của ông. Đó là ca bệnh đầu tiên tử vong có liên quan đến Covid-19 của Việt Nam, sau những ngày dài chiến đấu của đội ngũ y bác sĩ và nỗ lực của cả xã hội.

Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam tử vong vì Covid-19: Gạt nước mắt, đeo khẩu trang lên, rửa tay chăm chỉ và kiên cường chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh thôi! - Ảnh 1.

Trước đó, cả nước đã từng hồi hộp khi theo dõi hành trình chiến đấu với tử thần của bệnh nhân số 91. Phi công người Anh 42 tuổi với một số bệnh lý nền đã từng khiến các bác sĩ điều trị đau đầu tìm phác đồ. Anh đã trải qua 68 ngày sống nhờ máy trợ thở, phần lớn thời gian cần đến sự can thiệp của ECMO, có thời điểm phổi đông đặc, khả năng phổi giảm xuống 10%, suy đa tạng, giảm 30kg khi đang hôn mê. Nhưng trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy, anh vẫn vượt qua và sống sót.

Hoặc như bệnh nhân số 19 (bác gái của bệnh nhân 17 – ca bệnh đầu tiên tại Hà Nội), dù đã có nhiều lúc rơi vào nguy kịch, 3 lần ngưng tim, có lần ngưng tim tới 40 phút, các bác sĩ phải nỗ lực ép tim liên tục để bệnh nhân có tim đập trở lại. Nhờ vào sự giám sát theo dõi tuyệt vời về chỉ số sinh tồn của người bệnh, các bác sĩ đã cấp cứu kịp thời đưa bệnh nhân thoát khỏi cửa tử. Để sau đó, bà phục hồi sức khỏe dần dần, quay lại được với thế giới của chúng ta.

May mắn - tiếc thay đã không chạm đến với bệnh nhân 428. May - rủi trong cuộc đời cũng như may - rủi trong y khoa là điều rất khó nói. Chúng ta sốc và buồn, chúng ta chia sẻ với mất mát không bao giờ bù đắp nổi của gia đình người đã khuất. Chúng ta tiếc cho bệnh nhân ấy, chúng ta chép miệng bảo nhau, nếu như không nhiễm virus quái ác này, với sự nỗ lực cứu chữa của các bác sĩ, ông có thể vượt qua, có thể vui vầy với con cháu thêm một thời gian nữa, 1 năm, 5 năm hay lâu hơn thế, cho đến ngày duyên trần đứt đoạn.

Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam tử vong vì Covid-19: Gạt nước mắt, đeo khẩu trang lên, rửa tay chăm chỉ và kiên cường chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh thôi! - Ảnh 2.

Nhưng “nếu như” biết trước mọi điều, thì đâu còn gì là sự vô thường của cuộc sống nữa. 

Nếu như biết trước có thể có hậu quả nghiêm trọng, thì những kẻ đưa người nhập lậu từ bên kia biên giới có khi nào sẽ ngưng lại cái lợi trước mắt để lo cho đồng bào? 

Nếu như biết ai là F0, chúng ta sẽ tránh xa ngay và đưa người đó vào viện, để tránh lây nhiễm trong cộng đồng. 

Nếu như…

Sự thật là, một bệnh nhân qua đời có liên quan đến Covid-19 là một thiệt hại đau lòng, một cú sốc với tất cả; nhưng cũng là một dấu mốc mà chúng ta đã tìm cách chạy đi thật xa, mà cuối cùng cũng không tránh khỏi. Cơn bão hủy diệt của virus SARS-CoV-2 đã phủ màu đen tối của nó lên hầu khắp thế giới, trong đó có đất nước xinh đẹp và hiền hòa của chúng ta. 

Tính tới sáng 31/7, Covid-19 đã càn quét tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 17,4 triệu người nhiễm, già trẻ gái trai có đủ, không chừa một đối tượng nào và đã phủ khăn tang lên hơn 675.000 người. 

Con virus quái ác này đặc biệt nhắm đến và tấn công những người già yếu, có bệnh lý nền, sức để kháng suy giảm. Đó là lý do khi những bệnh viện trở thành ổ dịch, các y bác sĩ lại lo lắng gấp bội. Không phải bởi họ lo cho an nguy của riêng mình, mà bởi trong đó còn biết bao bệnh nhân đang được chữa trị những bệnh lý khác. Những bệnh nhân ở các khoa bệnh nặng là những “mắt xích” yếu nhất, khi người ta không tự phòng thủ được trước virus, dễ dàng trở thành con mồi của Covid-19. Và đợt dịch này, bệnh nhân 428 chỉ là 1 trong 15 ca bệnh nặng và tiên lượng rất nặng đang được điều trị. 

Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam tử vong vì Covid-19: Gạt nước mắt, đeo khẩu trang lên, rửa tay chăm chỉ và kiên cường chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh thôi! - Ảnh 3.

Hôm nay, 1 người đồng bào của chúng ta nằm xuống trong cơn bão. Ai mà không xót, không đau. Nhưng đó là một điều đã được lường trước, như một sự tất yếu trong hành trình chống chọi với virus. Bởi vì đã mắc các bệnh mạn tính, đồng nghĩa với tình trạng bệnh nhân đã suy giảm miễn dịch.

Nhưng không phải ai mắc virus cũng tử vong. Không phải ai có bệnh nền cũng đến cùng một kết cục. Hãy nhìn vào sự hồi phục thần kỳ của bệnh nhân 19 và 91, nhìn vào hơn 10,9 triệu người trên thế giới đã nhiễm bệnh và vượt qua, để hiểu rằng, một bông hoa tàn héo không có nghĩa là cả cánh rừng sẽ chết rụi.

Gạt nước mắt đi rồi, mang khẩu trang lên thôi

Người nằm xuống không thể sống lại, nhưng người còn lại thì vẫn cần sống tiếp. Việc của chúng ta hiện tại, sau khi khóc thương cho một đồng bào mình, đó là biến xót xa thành sức mạnh để hành động giảm thiểu thiệt hại, để đoàn kết hơn, ý thức hơn, đồng lòng hơn trong trận chiến này.

Vẫn còn những người bệnh khác đang cần được chữa. Vẫn còn những nguy cơ rình rập chúng ta. Nhìn vào những ca bệnh liên tục phát hiện, có thể nhiều người hoang mang, lo lắng về một nguy cơ vỡ trận. Nhưng nếu quan sát cách ứng phó với dịch lần này sẽ thấy, các địa phương đang có tâm thế quyết liệt rất cao. Đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM đang tiến hành xét nghiệm quy mô lớn, xét nghiệm hết những người trở về từ Đà Nẵng trong tháng 7. Việc tầm soát trên diện rộng sẽ giúp nhà chức trách quản trị tốt hơn, sàng lọc kỹ, hạn chế rủi ro thay vì chỉ xét nghiệm F1 của các bệnh nhân đã được khẳng định dương tính như trước đây.

Bệnh nhân đầu tiên của Việt Nam tử vong vì Covid-19: Gạt nước mắt, đeo khẩu trang lên, rửa tay chăm chỉ và kiên cường chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh thôi! - Ảnh 4.

Hơn bao giờ hết, đội ngũ y tế của chúng ta đang vận dụng hơn cả 100% năng lượng của họ để làm việc. Chúng ta đau 1, lo lắng 1 thì họ xót xa, trăn trở gấp 10.

Vậy nên việc của chúng ta không phải là đặt câu hỏi “Vì sao bệnh nhân chết”, không phải truy cứu sự sống của những người đã thoát cửa tử, mà cần tiếp năng lượng cho họ - những chiến sĩ trong tuyến đầu chống dịch. Họ sẵn sàng đi vào trong lòng cái chết để duy trì sự sống cho đồng bào, chúng ta không có lý do gì để không chọn một cách sống điềm tĩnh, lịch thiệp với họ.

Đừng xát thêm muối vào lòng họ. Không có thất bại nào ở đây. Có người tử vong không có nghĩa những đêm trắng, những ngày cấm trại, những kiệt sức của họ không còn ý nghĩa gì. Hãy truyền lửa cho các y bác sĩ vững tâm chống dịch, hãy cầu chúc cho họ sức khỏe để cùng chúng ta sớm chặn đứng được dịch bệnh. Để chúng ta sớm có thể nhìn thấy nụ cười tươi của họ, không phải trong bộ đồ bảo hộ kín mít trắng - xanh, mặt nạ và những vết khẩu trang in hằn lên mặt. 

Đây cũng là lúc chúng ta nên hợp tác với chỉ dẫn của y bác sĩ, từ việc kê khai, xét nghiệm hay hạn chế tối đa việc đi thăm bệnh (với những bệnh viện chưa bị phong tỏa), để bảo vệ tất cả. Hãy chung tay bảo vệ người già, trẻ nhỏ, những nhóm có nguy cơ là bệnh nhân nặng trong chính gia đình của chúng ta. Để tránh mọi nẻo xâm nhập của virus SARS-CoV-2.

Chúng ta còn khỏe mạnh, thế là quá đủ cho một lý do để thở phào, để mừng rỡ. Trải qua một đợt giãn cách xã hội vì Covid-19, nhiều người đang lo lắng về sự thiếu hụt kinh tế hơn là sức khỏe. Nhưng càng lo lắng, chúng ta lại cần phải bình tĩnh, biết chắt lọc thông tin và hành động đúng.

Chúng ta đừng buồn vì những chốn ăn chơi đông người, những bar, pub đóng cửa, vì mình có thể còn cả đời để chơi. Chúng ta đừng ngại việc có thể sẽ có giãn cách xã hội nhiều mức độ khác nhau, vì mình còn nhiều thời gian để ra đường. Chúng ta đừng tiếc những sở thích cá nhân bị gò bó, vì điều đó còn tốt hơn là chứng kiến đồng bào mình chết đi mỗi phút trôi qua.

Dịch bệnh là việc không thể tránh được! Chỉ khác biệt là cách đối phó với dịch bệnh thế nào thôi. Mấy tháng trước, mỗi gia đình đã được thao luyện để trở thành một thành lũy an ninh nhân dân với thói quen ở trong nhà và đặt hàng qua điện thoại. Mỗi công dân có ý thức đã được làm quen với việc hạn chế đi lại khi không cần thiết, không tập trung đông người và chú ý giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp, cùng với rửa tay và khẩu trang.

Vì thế, dù khá vất vả trong giai đoạn làn sóng thứ ba này, khả năng kiểm soát được dịch bệnh là vẫn có thể, nếu chúng ta cùng nhau chiến đấu. Muốn thắng trận này, chỉ có cách duy nhất là tin tưởng và đoàn kết đồng lòng.

Việt Nam đương đầu với Covid-19: Đeo khẩu trang lên và kiên cường chiến đấu, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh thôi! - Ảnh 7.