Chiều 24-7, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế và đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) tại Việt Nam và các cơ quan đã họp khẩn cấp để bàn phương án ứng phó bệnh đậu mùa khỉ. Theo Bộ Y tế hiện Việt Nam chưa ghi nhận bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trước đó, ngày 23-7, WHO đã tuyên bố sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Đến nay, hơn 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ đã được báo cáo trên 75 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong.
Hình ảnh tổn thương của bệnh đậu mùa khỉ - Ảnh: TTXVN
Đây là lần thứ hai trong hơn hai năm, WHO phải ban bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế công cộng Quốc tế (PHEIC). Lần trước là đối với dịch Covid-19, đến nay vẫn giữ tình trạng khẩn cấp.
Theo WHO, đây là một bệnh do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh lây nhiễm từ động vật do virus, có thể lây lan từ động vật sang người. Đặc biệt, bệnh cũng có thể lây truyền giữa người với người.
Vốn là một căn bệnh đặc hữu có nguồn gốc từ khu vực Trung Phi và Tây Phi nhiều năm qua, đậu mùa khỉ trong những tuần qua bất ngờ lan rộng sang các khu vực khác, chưa rõ nguyên nhân.
Để chủ động giám sát và kịp thời triển khai các biện pháp phòng bệnh, tháng 5-2022 Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường giám sát phát hiện các ca nghi ngờ ngay tại cửa khẩu, đặc biệt là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ.
Đồng thời, các cơ sở y tế cũng tăng cường giám sát phát hiện trường hợp nghi ngờ, trường hợp có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ (theo định nghĩa của WHO). Khi phát hiện, báo cáo ngay Sở Y tế để phối hợp với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur để chẩn đoán xác định ca bệnh.
Đối với người dân, Bộ Y tế khuyến cáo tránh tiếp xúc trực tiếp (gồm cả quan hệ tình dục) với người mắc bệnh đậu mùa; thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng và các dung dịch sát khuẩn thông thường, che miệng khi ho, hắt hơi.
Người có các triệu chứng của ca bệnh nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. Người có các triệu chứng của ca bệnh nghi ngờ cần chủ động tự cách ly và tránh quan hệ tình dục; người xác định mắc bệnh phải được cách ly y tế đến khi điều trị khỏi bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ cần tránh tiếp xúc với động vật có vú bị bệnh như: động vật gặm nhấm, thú có túi, động vật linh trưởng (chết hoặc sống) có thể chứa virus đậu mùa khỉ, không nên ăn hoặc tiếp xúc với động vật hoang dã, không ăn thịt động vật chưa nấu chín kỹ hoặc ăn các sản phẩm của động vật bị nhiễm bệnh.
Theo khuyến cáo của WHO, các trường hợp bị nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ đều phải được điều tra và nếu được chẩn đoán xác định phải cách ly cho đến khi các tổn thương trên da của người mắc khô, bong vảy và lành hẳn. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh này.