Theo đó, Vabiotech cùng Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và Công ty Shionogi Nhật Bản, đã ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin COVID-19. Công nghệ vắc xin được chuyển giao là Recombinant SARS-CoV-2 Spike Protein (BaculovirusExpression Vector System), tức công nghệ sản xuất vắc xin tái tổ hợp.
Hiện các bên đã ký thỏa thuận bảo mật để tiếp cận hồ sơ vắc xin và công nghệ. Trước đó, ngày 07/5/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 2301/QĐ-BYT thành lập Ban chỉ đạo Chương trình nghiên cứu chuyển giao công nghệ và sản xuất vắc xin phòng COVID-19.
Đối với dự án hợp tác chuyển giao công nghệ giữa Công ty AIC và Công ty Shionogi (Nhật Bản) và vắc xin theo công nghệ mNRA), hiện nay Bộ Y tế đã ký thỏa thuận hợp tác và đang chuẩn bị kế hoạch triển khai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam (đầu mối là Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và làm các thủ tục chuyển giao công nghệ (đầu mối là Vabiotech).
Dự kiến tháng 6/2022 sẽ hoàn tất các hoạt động và đưa vắc xin ra thị trường. Dự án chuyển giao công nghệ giữa Công ty DS-Bio, Công ty TNHH MTV vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga đã ký thỏa thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về việc đóng ống vắc xin Sputnik-V từ bán thành phẩm.
Vabiotech đã tiến hành đóng ống và gửi mẫu sang Liên bang Nga để kiểm định chất lượng, dự kiến đến 10/8/2021 sẽ có kết quả kiểm định sau đó có thể tiến hành đóng ống với quy mô 5 triệu liều/tháng (trong tháng 8/2021 có thể bắt đầu với tối thiểu 500.000 liều), tiến tới chuyển giao công nghệ sản xuất với quy mô 100 triệu liều/năm.
Đối với các dự án nghiên cứu chuyển giao công nghệ với Mỹ, hiện Bộ Y tế đã đã cử 1 nhóm chuyên gia phối hợp cùng WHO hỗ trợ đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2-3 theo quy trình rút gọn, dự kiến khởi động nghiên cứu vào 1/8 và kết thúc cuối tháng 12/2021.
Việc chuyển giao công nghệ và hoàn thiện nhà máy sản xuất vắc xin tại Việt Nam sẽ hoàn thành vào tháng 6/2022.