Với những suy nghĩ ngây ngô, chân thật, trẻ nhỏ không ít lần sáng tác nên những áng văn bất hủ khiến ai nấy đọc xong đều cười chảy nước mắt. Trẻ miêu tả mọi sự việc, sự vật xung quanh mình thật như đếm. Chẳng hạn như "ông nội em chỉ thích nằm xem tivi mà không làm gì cả" hay "mỗi khi tức giận em bị điểm kém, mẹ thường cầm cán chổi để vụt",...
Mới đây, thêm một cậu bé cấp 1 khiến cộng đồng mạng được phen cười rũ rượi bởi những dòng văn tả mẹ quá chân thực của mình. Theo đó, khi được cô giáo yêu cầu: "Tả một hoạt động của 1 người mà em yêu quý", cậu bé quyết định tả lại cảnh mẹ tập Yoga như sau:
"Trong thời "Cô - vi" cũng phải có sức khỏe tốt để hệ miễn dịch tốt. Mẹ em cũng vậy. Mẹ tập Yoga online. Mỗi lần mẹ tập là mồ hôi đầm đìa, mở cửa ra là như sóng thần đánh ra, cộng với mùi hôi khiến không ai dám vào. Mẹ tập rất chăm chỉ, cứ 5 phút mẹ lại lấy điện thoại ra nhắn tin. Có lúc bạn mẹ gọi tới mẹ lại lấy điện thoại ra tán dóc cả tiếng đồng hồ, hết cả buổi tập. Và đó là 1 buổi tập chăm chỉ của mẹ em".
Nhiều người đã phì cười và phong tặng cậu bé này danh hiệu "dũng cảm nhất năm" khi dám công khai tố mẹ "lấy điện thoại tán dóc cả tiếng đồng hồ" và "hôi đến mức không ai dám vào". Nick Facebook P.Y - người đăng tải bài văn, đồng thời là mẹ của cậu bé này có lẽ vừa bực vừa buồn cười nên đã cầu cứu cư dân mạng: "Vui lòng hướng dẫn dùm cách nhét 1 thằng bé hơn 50kg vào bụng lại". Các bậc cha mẹ khác sau đó nhanh chóng vào động viên bà mẹ này và chia sẻ cảnh ngộ tương tự của mình.
"Con mình cũng tả bố thực chẳng kém. Ai đời "bóc phốt" bố: "Hôm nào lạnh bố em hơn 2 ngày mới tắm 1 lần", nick Facebook T. Q chia sẻ.
"Thôi cháu nó thật thà, dũng cảm như thế là tốt", Facebook A.N hài hước bình luận.
"Chết thật, chắc em cũng phải về nịnh con em gấp. Chứ không có bí mật gì nó lôi hết vào văn rồi nộp cho cô giáo thì chết".
Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho rằng, cậu bé này viết văn tả thực là tốt. Thực tế, viết văn là một trong những kỹ năng cơ bản tối thiểu của học sinh. Tuy nhiên, thay vì để trẻ được viết lách theo đúng cảm xúc chân thực của mình về thế giới xung quanh thì nhiều bậc phụ huynh và giáo viên lại ép trẻ viết rập khuôn để đạt điểm số cao.
Mẹ luôn luôn "nói cười dịu dáng, cao 1m60, dáng người thướt tha". Cô giáo thì "có đôi mắt đen láy, khuôn mặt trái xoan, mặc áo dài trắng,...". Thực tế, việc bắt trẻ viết văn rập khuôn có thể khiến trẻ bị kìm hãm sự tự tin, tính sáng tạo và vô tình tiếp tay cho trẻ nói dối. Thay vì dạy chữ và hướng trẻ đến thành tích, người lớn cần hướng trẻ đến những giá trị ý nghĩa của cuộc sống, dạy trẻ cách làm người và sống chân thật với cảm xúc của mình.
Điểm số chưa chắc đã quyết định tương lai của một đứa trẻ. Nhiều khi những kỹ năng sống, kỹ năng EQ mới là chìa khóa mang lại thành công.