Của đau con xót

HLV Lê Minh Khương khẳng định sẽ theo kiện và phía Vietnam Airlines cũng phủ nhận việc nhân viên của mình làm sai quy định. Chưa biết "mèo nào cắn mỉu nào", nên sinh viên các trường ĐH luật "mắc" bệnh nghề nghiệp lật lại hồ sơ các vụ án gần đây của hãng hàng không lớn nhất đất Việt.

HLV Lê Minh Khương. (Ảnh DV)

Cú thua kiện đau điếng người của Vietnam Airlines trước bên nguyên là một luật sư Ý với số tiền một trăm tỉ đồng cách đây gần 10 năm là một ví dụ. Năm 2002,  theo thông báo của tòa án Roma (Italy), một luật sư tại Ý tên Liberati cho rằng mình đã thực hiện một số công việc cho đại lý vé máy bay F. của Vietnam Airlines tại Ý với tư cách đại diện cho VNA mà chưa được trả công và đòi bồi thường 5,2 triệu euro, tương đương 100 tỷ đồng. Vietnam Airlines "bình chân như vại" cho đến khi tá hỏa vì cái trát đòi tiền "trời ơi" bay từ tòa án Roma gửi về. Do đại lý máy bay trên đã tự giải thể trước đó, rũ bỏ được toàn bộ trách nhiệm liên quan Vietnam Airlines, cuối cùng chỉ có Vietnam Airlines bị kiện.

Vì  cho rằng mình không liên quan đến bên thứ 3 theo luật pháp Việt Nam, nên Vietnam Airlines không biết phiên tòa trên đã mở tại Roma và bị xử vắng mặt theo luật pháp của Ý. Ngậm ngùi nộp 100 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án để tiếp tục theo đuổi vụ kiện, Vietnam Airlines không thoát được cái tội chủ quan do thiếu kiến thức về luật thời hội nhập.

Chưa hết, cách đây 2 năm, bà Tổng giám đốc một công ty bảo hiểm nước ngoài có tiếng ở Việt Nam bị An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất áp giải xuống với nguyên nhân "to tiếng với  tiếp  viên" do mang cháu nhỏ 3 tuổi từ vé hạng thường sang  khoang thương gia (hạng C) vì ghế hạng C còn dư một chỗ. Tuy nhiên, theo đoàn luật sư, hành động áp giải chỉ ứng dụng với tội phạm khủng bố nên sự việc cũng ít nhiều làm Vietnam Airlines giật mình vì học phí luật pháp. Học phí chẳng nhỏ như "lỡ tay đánh rớt cái bình", cũng không chỉ là bài học kinh nghiệm về văn hóa doanh nghiệp.

"Được vạ" thì "má cũng sưng"

N.T.L, sinh viên năm 4 trường ĐH Luật TP HCM chia sẻ: "Theo các vụ án nổi trội trên báo giới về Vietnam Airlines mà chúng em tìm hiểu lại mấy ngày qua, lật đi lật lại vấn đề, thì theo chủ quan cá nhân em, Vietnam Airlines xử lí sự việc thái quá, dùng ngay hình thức áp giải cho HLV Lê Minh Khương, không phải đối tượng tội phạm khủng bố. Nên Vietnam Airlines sớm muộn cũng phải có lời giải thích về mức độ xử lí vụ việc của mình. "

Hành khách trên một chuyến bay của Vietnam Airlines. (Ảnh minh họa)

M.H, sinh viên năm 4 trường ĐH Luật Hà Nội cũng vào cuộc: "Đừng như chim đà điểu có thói quen rúc đầu vào cát khi đạn tới. Nếu em là thẩm phán, em sẽ tập trung vào đối chất Tiếp viên trưởng và nhân chứng để làm rõ sự việc. Em được biết, theo nghiên cứu của USAtoday về công nghệ đào tạo tiếp viên trên thế giới, dù hành khách đổ nước lên người tiếp viên thì họ cũng phải cười. Cười và mềm mỏng để tạo cảm giác an toàn cho hành khách là tiêu chí hàng đầu của tiếp viên. Chỉ riêng hành động dọa nạt, đánh bom tự sát, gây ẩu đả nghiêm trọng thì mới nên báo cáo cơ trưởng, vì cơ trưởng là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho đoàn bay, không được manh động gây tâm lý hoảng loạn cho cả một tập thể khách hàng."

Ý kiến của P.T, sinh viên mới ra trường từ ĐH Luật TP HCM lại nghiêng về danh tiếng của doanh nghiệp: "Luật pháp dù ở bất kì lĩnh vực nào, dù là chính trị, xã hội hay kinh tế đều không thể là chuyện đùa. Một khi đã bị phanh phui trước luật pháp và bị dư luận công kích nhiều như hiện nay, doanh nghiệp ít nhiều cũng gây tai tiếng. Vì cuộc đối đầu giữa một cá nhân và một tập thể danh tiếng như thế mà chuyện bé xé ra to thì chứng tỏ doanh nghiệp xử lý hậu kỳ không tốt. Hơn nữa, bằng chứng  chống lại Vietnam Airlines đang dày lên vì lượng nhân chứng nhiều hơn và vừa bị tố nhân chứng giả, luôn tồn tại khả năng có nhân chứng ghi lại vụ lùm xùm ấy bằng camera du lịch. Vietnam Airlines, "được vạ" thì má cũng sưng".

N.M, sinh viên năm 3 trường ĐH Luật Hà Nội nhiệt tình cho biết: " Sinh viên trong trường cũng đang sôi nổi vụ này. Em có tham khảo ý kiến từ một số người có ít nhất 10 cuốn hộ chiếu, trong đó, bác Phạm Viết Đào, từng là thành viên Bộ thông tin truyền thông cũng kể lại rằng đã từng bị Vietnam Airlines suýt đuổi ra khỏi máy bay tại sân bay Charles De Gaule với  một lý do rất vô lối và được Hàng không Pháp lên tiếng bảo vệ và cho lên máy bay. Đây không phải là vụ án tiêu biểu, nhưng cũng là vết đen để đời về dịch vụ khách hàng của Vietnam Airlines. "

Nhìn chung, với nhận định của sinh viên luật, những người thực thi luật pháp tương lai, dù thua hay thắng thì Vietnam Airlines và HLV Lê Minh Khương cũng để lại cho dư luận một bài học lớn về tinh thần tôn trọng con người và luật pháp. Người người biết đến vụ việc này và không khỏi công kích Hãng hàng không quốc gia, cũng như một số phản hồi trái chiều chống đối HLV đã vi phạm luật hàng không quốc gia. Thúng cũng chẳng úp nổi voi, nên hãy làm đúng với luật pháp và đưa ra những phán quyết tình - lý nhất.