Virus Rota có tổng cộng 7 loại, được đánh số bằng các chữ cái A, B, C, D, E, F và G. Trong đó phổ biến và dễ lây nhiễm cho con người nhất là loại A, sau đó đến B và C. Hầu hết trẻ em đều sẽ mắc phải loại virus này 1 hoặc nhiều lần. Người lớn cũng có thể bị tấn công nhưng các triệu chứng sẽ tương đối nhẹ.
Đường lây truyền chính của virus rota là đường phân - miệng. Cụ thể, bạn sẽ bị nhiễm virus nếu tiếp xúc với phân của người bệnh hoặc các đồ vật bị nhiễm phân của họ sau đó chạm vào miệng. Cũng có thể lây nhiễm thông qua việc ăn thực phẩm hoặc nguồn nước uống bị nhiễm virus.
8 triệu chứng phổ biến khi nhiễm virus Rota
Diễn biến của virus Rota thường kéo dài 6 - 7 ngày. Trong đó sốt 1 - 2 ngày, nôn trong 2 - 3 ngày và tiêu chảy chiếm khoảng 5 ngày. Các triệu chứng này thường đi liền với nhau, đặc biệt tiêu chảy nặng có thể dẫn đến tử vong do mất nước.
Ảnh minh họa
Ở các nước nhiệt đới như chúng ta, virus Rota hoạt động mạnh quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa, độ ẩm cao, thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay. Vì vậy, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện nếu phát hiện các triệu chứng sau đây:
- Tiêu chảy kèm theo sốt: trẻ sơ sinh dưới ba tháng sốt trên 38 độ, trẻ sơ sinh từ 3 tháng đến ba tuổi sốt trên 39 độ.
- Nôn mửa liên tục, không thể ăn hoặc uống.
- Đau bụng dữ dội không thuyên giảm.
- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khát nước, khóc không ra nước mắt…
- Tiểu không hết hoặc không thể đi tiểu trên 4 giờ.
- Tình trạng tinh thần kém hoặc hôn mê.
- Chất nôn hoặc phân màu cà phê, nghi ngờ có máu trong chất nôn hoặc phân.
- Một số trẻ còn ho dai dẳng kết hợp sổ mũi, đau họng.
6 cách phòng tránh virus Rota
Dù y học ngày càng tiến bộ nhưng đến hiện nay vẫn chưa tìm ra thuốc đặc trị cho virus Rota. Vì vậy mà điều quan trọng là phòng tránh sớm bằng 6 cách sau đây:
- Sử dụng vaccine: theo khuyến cáo của WHO, nên uống dự phòng vaccine Rota cho trẻ từ 2 tháng tuổi.
- Thường xuyên quan tâm đến vệ sinh cá nhân, rửa tay trước bữa ăn, đặc biệt là rèn luyện thói quen rửa tay cho trẻ. Cha mẹ cũng nên rửa tay kịp thời sau khi giúp con đi đại tiện.
- Đảm bảo vệ sinh nguồn nước, không ăn các loại thịt sống hoặc chưa nấu chín, rửa sạch rau quả trước khi ăn sống.
- Tránh tiếp xúc gần với bệnh nhân bị viêm dạ dày ruột cấp tính hoặc tiêu chảy.
- Đồ chơi và đồ dùng cá nhân của trẻ cần được khử trùng thường xuyên.
- Quản lý phân, xử lý phân thật tốt (dùng hố xí tự hoại, hố xí 2 ngăn), không dùng phân tươi bón cây cối, hoa quả.
Ngoài ra, cũng nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, sinh hoạt lành mạnh, rèn luyện thói quen tập thể dục từ nhỏ để trẻ tăng cường hệ miễn dịch. Từ đó làm giảm nguy cơ lây nhiễm cũng như tác hại của virus Rota.
Nguồn và ảnh: Sohu, WHO, Asia One