Trẻ mất hết hệ miễn dịch sau khi mắc sởi
Nghiên cứu được thực hiện trong một nhóm trẻ em độ tuổi từ 4-17 tuổi tại 3 trường học ở Hà Lan chưa tiêm vắc xin phòng ngừa sởi. Kết quả cho thấy, sau khi mắc sởi, các em sẽ quay trở về trạng thái như trẻ sơ sinh bởi hệ miễn dịch không còn nhớ được những căn bệnh từng mắc phải trước đó.
Theo nghiên cứu, trước khi trẻ mắc bệnh sởi, máu của chúng chứa các kháng thể kháng với nhiều mầm bệnh phổ biến. Nhưng sau khi chúng mắc bệnh sởi, trung bình mất khoảng 20% các loại kháng thể đó. Trong một số trường hợp có thể mất hơn 70%. Điều này đồng nghĩa với việc chúng bị giảm khả năng miễn dịch với các mầm bệnh virus mà chúng đã từng mắc phải trước đó. Hiện tượng mất kháng thể trên không xảy ra ở những trẻ không bị nhiễm bệnh và những người được tiêm chủng phòng ngừa sởi.
Hệ miễn dịch tạo ra các tế bào ghi nhớ dài hạn, vốn lưu trú lâu dài trong lưu thông máu, tạo điều kiện để cơ thể nhanh chóng phát hiện và loại bỏ những virus từng nhiễm trước đó.
Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA) giải thích cụ thể như sau: "Nói một cách dễ hiểu hơn, khi một đứa trẻ sinh ra và lớn lên, trong giai đoạn đầu đời chúng mắc khá nhiều bệnh và cơ thể của chúng sau mỗi lần mắc bệnh lại học được một bài học "làm sao để chiến đấu với mầm bệnh đó".
Các bài học này được lưu lại cẩn thận trong những cuốn sách, để mỗi khi những tác nhân gây bệnh đó nhiễm lần nữa thì chúng sẽ phản ứng đánh trả rất nhanh vì đã ghi nhớ loại kẻ thù đó phải đánh như thế nào cho hiệu quả! Cứ thế mà từ từ đứa trẻ lớn lên thì các kinh nghiệm chiến đấu bệnh tật ngày càng nhiều, các quyển sách ghi "bí kíp" ngày càng dày hơn.
Tuy nhiên, khi nhiễm bệnh sởi, virus sởi sẽ đốt các quyển bí kíp đó, nhẹ thì mất 20%, nặng thì 70%... Sau cơn bệnh sởi đi qua thì cơ thể sẽ trở nên yếu ớt vì đã mất kinh nghiệm chống chọi với các căn bệnh mà đứa trẻ đã từng dễ dàng đánh thắng! Ví dụ, nếu một đứa trẻ bị quai bị trước khi bị sởi, chúng có thể dễ bị quai bị trở lại!".
Giáo sư Stephen Elledge (Trường Y Harvard, người tham gia nghiên cứu), cho biết: "Chúng tôi nhận thấy virus sởi gây tổn hại tới hệ thống miễn dịch. Mối đe dọa từ virus sởi đối với con người còn lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta từng tưởng tượng".
Sởi là bệnh truyền nhiễm và lây lan khi người mắc bị ho, hắt hơi… Khi nhiễm, virus sởi sẽ tấn công trực tiếp vào tế bào miễn dịch. Bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, nhiễm trùng tai, động kinh, tổn thương não, thậm chí là tử vong. Trên toàn thế giới, virus sởi gây ảnh hưởng tới hơn 7 triệu người mỗi năm và khiến 100.000 người tử vong.
Vắc xin sởi đơn lúc trẻ 9 tháng tuổi là mũi tiêm "quý như vàng"
Để phòng tránh mắc bệnh sởi, biện pháp đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm vắc xin. Tại Việt Nam hiện nay đang có 2 loại vắc xin phòng bệnh sởi là vắc xin sởi đơn và vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella:
- Vắc xin sởi đơn: Nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Mũi 1: Tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên.
Mũi 2: Nhắc lại lúc trẻ được 18 tháng tuổi.
- Vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (MMR): Chỉ có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ.
Mũi 1: Tiêm cho trẻ 12 - 15 tháng tuổi.
Mũi 2: Tiêm nhắc lại sau 2 - 5 năm.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, nên tiêm chủng vắc xin sởi đơn lúc trẻ 9 tháng tuổi ở vùng bệnh lưu hành. Còn với vùng bệnh ít xảy ra thì nên tiêm vắc xin kết hợp khi trẻ 12 tháng tuổi. Tại Việt Nam, vắc xin sởi đơn có thể tiêm cho trẻ 6 tháng tuổi (theo chỉ định của bác sĩ, nếu trẻ ở trong vùng dịch), đạt khả năng miễn nhiễm bệnh 85% khi trẻ 9 tháng tuổi và 95% khi trẻ 12 tháng tuổi.