Ai ở nhà chăm con nhỏ, chồng lo kinh tế cả gia đình mới thấm thía cảm giác "ăn bám" người khác. Chồng tốt đã đủ oải, chồng không tâm lý, hay tính toán, so đo thực sự là cơn ác mộng. Hương đã từng có quãng thời gian "đen tối" như thế.
Người mẹ trẻ này kể rằng, sức khỏe thai kì cô không tốt, chỗ làm lại xa nhà nên từ khi mang bầu 5 tháng cô đã nghỉ ở nhà. 1, 2 tháng đầu vẫn tạm ổn, từ tháng thứ 3 trở đi, chồng cô thái độ khó chịu thấy rõ. Cô sinh con, chi phí càng đội lên nhiều, chồng cô càng căng thẳng với vợ. Thật ra, Hương có muốn thế đâu. Hơn nữa, con là của chung 2 người cơ mà.
Ảnh minh họa
Thế rồi chồng Hương tuyên bố, anh không đưa Hương... cả 1, 2 triệu như trước đây nữa, mà sẽ phát 100 nghìn tiền chợ đủ tiêu trong ngày cho cô vào mỗi sáng trước khi đi làm. Hương phản đối chả được, vì tiền trong túi chồng. Với thời gian qua cô đã thấm thía tấm lòng anh, biết rõ giờ cô nói gì cũng vô dụng. 100 nghìn để Hương ăn sáng, ăn trưa và lo bữa tối cho 2 người. Con bú mẹ, chồng cô chỉ ăn ở nhà buổi tối, anh tính như thế và kết luận "còn dư dả chán".
Hương cười khổ kể, có từng ấy tiền thôi nhưng bữa tối sơ sài là anh kêu la. Rồi thi thoảng anh sẽ chép miệng "tiêu gì tiêu lắm", "sao không dư ra nghìn nào". Chưa nói, cách cư xử với vợ của anh ngày càng tệ hại, động tí là cáu gắt, quát mắng và chỉ trích Hương. Trong khi đi làm về thì nằm khểnh, không giúp vợ nổi việc gì.
Hương đã phải đau đớn thốt lên, rằng nhận tiền của đàn ông nhục nhã như thế đấy, cho dù gã đàn ông ấy là chồng mình đi chăng nữa. Hương thậm chí còn chả dám giận chồng, dẫu thái độ của anh ta với cô quá đáng giận. Bởi, cô mà giận là anh ta "auto" quên phát tiền chợ cho cô, và cô phải nhịn đói qua ngày, con chả có sữa mà bú.
Con được 4 tháng, vẫn bé bỏng lắm song Hương quyết định đi làm. Nguồn cơn được Hương kể lại, do mấy lần bồng con đi chợ mua thức ăn, cô đã làm quen với chủ cửa hàng bán quần áo ở chợ. Biết hoàn cảnh của cô, lại đang cần thuê người bán, liền bảo Hương đưa con ra bán hàng cho bác ấy. Hương lập tức đồng ý.
Thế là ban ngày mẹ con Hương ra chợ bán quần áo thuê, trộm vía con gái cô ngoan, cô bán hàng lại có duyên nên lượng hàng bán được ngày càng nhiều. Cửa hàng có chỗ nấu nướng, sau này cô có thể nấu ăn dặm cho con ở đây khá tiện. Chiều cô thường về nhà trước chồng, thành ra anh ta không hề biết vợ mình đã đi làm. Hết tháng đầu tiên, nhìn đồng lương mình kiếm được trên tay, Hương bật khóc nức nở. Cô sắp quên mất cảm giác được cầm và tiêu những đồng tiền mình làm ra rồi. Bây giờ trải nghiệm lại, thật quá sung sướng và hạnh phúc.
Hương cho hay, cô không còn phục tùng và nhẫn nhục chồng như trước. Anh ta liền vênh váo quên phát tiền chợ cho cô. Song lúc này cô chả thèm quan tâm, anh ta có giận cả tháng cũng được.
Ảnh minh họa
Mấy tháng sau, chủ cửa hàng đến ở với con gái nên sang nhượng cửa hàng cho Hương. Cô chạy vạy vay mượn tiền từ anh em, bạn bè, cuối cùng trở thành chủ cửa hàng. Vốn đã quen khách, lại có khiếu thẩm mỹ chọn mẫu mã đẹp về bán, Hương ngày càng đắt hàng. Trả tiền thuê nhà, chi tiêu cho 2 mẹ con, cô vẫn dư được tạm tạm mỗi tháng.
Hương bật cười nói, khi chồng cô phát hiện ra mọi chuyện thì anh ta bất ngờ tới ngã ngửa. Chẳng biết anh ta nghĩ thế nào lại bắt đầu chủ động đưa tiền chợ cho vợ, 1 cục cả tháng với mức khá rộng rãi. Song Hương không cầm, và tuyên bố cô lo cho con, anh ta lo ăn tiêu 2 vợ chồng. Anh ta đồng ý, còn chủ động mua sắm đồ về cho Hương nấu cơm. Thế mới biết, lúc này giá trị của Hương trong mắt chồng đã tăng vùn vụt.
Một công việc kiếm ra tiền sẽ cho phụ nữ sự tự do và hạnh phúc, thoát khỏi cảnh phụ thuộc nhìn sắc mặt người khác để sống, chưa nói còn khiến chồng nể trọng hơn gấp nhiều. Chị em hay truyền tai nhau "phụ nữ hơn nhau ở chỗ có tiền", quả thật không phải không có lý.