Ngay sau Tết, chị Lê Vân Anh (37 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) sốt sắng tìm kiếm các lớp tiền tiểu học gần nhà cho con gái lớn 5 tuổi. Trước đây, chị Vân Anh chưa từng có suy nghĩ sẽ cho con học trước, nhưng lại thay đổi quyết định sau khi thấy nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, con cái họ đã đọc thông, viết thạo, trong khi bé Mít - con gái chị vẫn ê a đánh vần. Là một người mẹ, chị không thể không sốt ruột.
Chị Vân Anh muốn tìm lớp cho con đi học thêm Tiếng Việt, Toán nhưng chồng nhất định không đồng ý. Anh cho rằng, bắt con đi học từ 5 tuổi sẽ tạo áp lực học hành quá sớm. Anh muốn bé Mít được nghỉ ngơi, thư giãn trước khi bước vào cấp học đầu tiên.
Tuy nhiên do lo sợ nếu con không học trước sẽ khó theo kịp các bạn cùng trang lứa, chị Vân Anh vẫn quyết định cho con gái đi học, bất chấp sự phản đối của chồng.
“Thấy tôi nhất quyết cho con đi học, chồng bực bội trách tôi, tại sao lấy mục đích của bản thân áp đặt lên con, trong khi không quan tâm tâm lý con thế nào. Đỉnh điểm chồng tôi tuyên bố nếu nhất nhất giữ nguyên quyết định thì sẽ không đưa đón con, mặc tôi tự sắp xếp”, chị Vân Anh kể.
Tương tự, vợ chồng chị Phạm Thị Liên - phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 (Tiền Hải, Thái Bình) cũng lục đục nhiều tháng nay vì chuyện cho con học trước lớp 1.
“Suốt mấy tháng qua, cứ hễ nhắc đến chuyện cho con đi học chữ trước là vợ chồng tôi lại cãi nhau, khó tìm được tiếng nói chung. Chồng tôi muốn để con con ở nhà, bố mẹ tự dạy là đủ. Nhưng theo quan điểm của tôi, mình không có kiến thức sư phạm, không thể kiên nhẫn với con, làm sao có thể dạy được?”, chị Liên băn khoăn.
Chị kể, đồng nghiệp cùng cơ quan chị có con đang học lớp 1 tâm sự chỉ vì không cho con đi học trước, đến khi vào năm học tối nào hai mẹ con phải đánh vật với tập viết, tập đọc. Mỗi lần học bài là con khóc lóc, mẹ la hét.
Dù nghĩ thương con mới 5 tuổi đã phải đi học thêm nhưng rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp, chị Liên đành tính đến nước tìm lớp dạy trước cho con.
“Mỗi tuần 2 buổi tối, tôi phải nấu cơm sớm, sau đó đón con tan học, cho con ăn cơm. 6h tối hai mẹ con lại đến nhà cô giáo, học tới 7h30 mới xong. Cứ mỗi lần cho con đi học thêm như thế, chồng tôi lại thái độ khó chịu, mặt nặng mày nhẹ, thậm chí còn không nói chuyện với tôi”, chị Liên than thở.
Không chỉ riêng gia đình chị Vân Anh, chị Liên, nhiều gia đình khác cũng rơi vào cảnh lục đục, vợ chồng mâu thuẫn vì câu chuyện có nên cho con đi học trước khi vào lớp 1 hay không.
'Không nên cho trẻ học trước chương trình'
TS Vũ Thu Hương, chuyên gia giáo dục độc lập, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định, trẻ em không cần học chữ trước khi vào lớp 1. Điều trẻ cần là chuẩn bị tâm lý và những kỹ năng cần thiết để sẵn sàng vào bậc tiểu học.
“Hiện tỷ lệ trẻ em bị mất tập trung tăng rất cao, một trong số nguyên nhân đến từ việc học trước. Với các em đã biết chữ, khi vào lớp 1 sẽ có ý nghĩ chủ quan, ỷ lại và không còn hứng thú với bài giảng của cô, thậm chí không nghe lời cô. Đây là tiền đề hình thành lên tâm lý mất tập trung”, TS Vũ Thu Hương nói và đánh giá, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong năm nay đưa ra quyết sách rất đúng đắn khi cấm dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ mầm non.
Chương trình giáo dục mầm non về cơ bản đáp ứng đầy đủ những kiến thức, kỹ năng để trẻ có tiền đề bước vào lớp 1. Việc học chữ trước không hề hữu ích và cần thiết với con trẻ mà còn lợi bất cập hại.
“Luật Giáo dục quy định khi giảng dạy, tất cả giáo viên phải dạy từ bài đầu tiên, dạy theo đúng phân phối chương trình mà Bộ GD&ĐT đã đề ra. Hơn nữa, tất cả giáo viên lớp 1 tôi từng làm việc cùng đều khẳng định, nếu cho trẻ học trước chương trình, các con sẽ chỉ giỏi hơn so với các bạn trong lớp khoảng 1 - 2 tháng đầu tiên, sau đó sẽ quay về vị trí ban đầu. Như vậy, việc học trước hoàn toàn không có giá trị mà còn gia tăng áp lực nên con trẻ ”, TS Hương đưa ra nhận định.
Bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT TP.HCM) yêu cầu tất cả các trường mầm non trên địa bàn yêu cầu đảm bảo không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi dưới bất kỳ hình thức. Quy định này được Bộ GD&ĐT quán triệt từ năm 2013 và hàng năm Sở GD&ĐT TP.HCM đều nhắc nhở, quán triệt thêm.
Hiện nay nhiều trẻ được dạy trước kiến thức lớp 1 ở độ tuổi mầm non đồng nghĩa với việc trẻ phải học cùng một chương trình tới 2 lần. Bà thấu hiểu tâm lý lo lắng của các bậc phụ huynh tuy nhiên việc học trước là không cần thiết, thậm chí phản khoa học và gây nhiều hệ quả xấu.
"Cho học trước kiến thức lớp 1 mà không đúng phương pháp sẽ gây sự chán nản cho trẻ. Việc chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào tiểu học phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của trẻ em theo lứa tuổi", bà Điệp nhấn mạnh.