Bạo lực "lạnh"

Nhiều người vẫn lầm tưởng bạo lực gia đình chỉ xảy ra khi có hành vi làm tổn thương về mặt thể xác. Thế nhưng, bên cạnh đó có những nỗi đau về mặt tinh thần được gây ra không bởi hành vi bạo lực, cũng không bằng lời nói mà bằng sự im lặng. Hành vi này thường xuất phát từ 1 phía, vợ hoặc chồng không đáp lại cảm xúc của đối phương, thờ ơ, im lặng hoặc việc giảm giao tiếp bằng ngôn ngữ, cử chỉ. Người còn lại giống như bị "cô lập", trở nên vô hình trong mắt của đối phương, bất kể họ làm gì cũng không được đáp lại, không được chú ý.

Điều này khiến người bị cô lập trở nên khủng hoảng hơn cả khi bị bạo hành về thể xác. Bởi vì đối phương không nói gì, không làm gì nên họ không có lý do để phản kháng.

Vợ im lặng không nói chuyện với chồng là hành vi bạo lực gia đình? - Ảnh 1.

Im lặng, phớt lờ đối phương,... là cách mà nhiều gia đình dùng để giải quyết mâu thuẫn - Ảnh minh họa

Thực tế thì những hành vi này khá phổ biến trong cuộc sống, đặc biệt trong mối quan hệ gia đình, giữa vợ - chồng, giữa cha mẹ và con cái... và được thể hiện thông qua những hành vi như: Im lặng khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, khúc mắc, trong khi người còn lại vẫn cố gắng giải quyết vấn đề. Tảng lờ, bỏ qua khi đối phương, coi đối phương như người vô hình kể cả khi họ đang đứng trước mặt và đặt ra câu hỏi. Lạnh nhạt, thể hiện sự chán ghét, không còn thể hiện sự quan tâm như trước đây. Né tránh và từ chối việc thể hiện tình cảm hay quan tâm đến đối phương...

Vậy những hành vi này có được coi là bạo lực gia đình hay không?

Vợ im lặng không nói chuyện với chồng là hành vi bạo lực gia đình? - Ảnh 2.

Bên cạnh hành vi gây tổn thương về thể chất, bạo lực tinh thần cũng là hình thái bạo lực để lại nhiều tác động nặng nề - Ảnh minh họa

Căn cứ quy định khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2023) quy định như sau:

Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Những hành vi được coi là bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập, đe dọa hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng;

b) Lăng mạ, chì chiết hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cưỡng ép chứng kiến bạo lực đối với người, con vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý;

...

p) Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

...

Như vậy, trong trường hợp vợ/chồng không trò chuyện với nhau mà luôn im lặng và có ý cô lập đối phương dẫn đến việc người còn lại bị tổn thương về mặt tinh thần và tâm lý thì hành vi này được coi là bạo lực gia đình.

Xử lý vi phạm hành vi bạo lực gia đình như thế nào?

Căn cứ quy định Điều 41 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/07/2023) quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình như sau:

Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Vợ im lặng không nói chuyện với chồng là hành vi bạo lực gia đình? - Ảnh 3.

Bình tĩnh và nghiêm túc yêu cầu đối phương giải quyết vấn đề một cách trực tiếp thay vì chỉ im lặng - Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, người bị bạo lực gia đình cũng sẽ được hỗ trợ nơi tạm lánh và hỗ trợ nhu cầu thiết yếu.

Để giải quyết dứt điểm vấn đề bạo lực trong 1 gia đình cần cả 1 quá trình dài. Thêm vào đó, chính những thành viên trong gia đình hay bản thân phụ nữ cũng cần thay đổi tư duy, suy nghĩ. Tất cả mọi người đều phải biết được rằng, không một thành viên nào đáng bị bạo hành. Tất cả hình thái bạo hành đều sai trái và đáng bị lên án kể cả mặt đạo đức hay pháp luật.

Đối với những hành vi bạo lực "lạnh" như cô lập, im lặng,... cách giải quyết tốt nhất là thẳng thắn, trực tiếp. Trong trường hợp đối phương chấp nhận, hãy nói thẳng vào vấn đề, bao gồm cả cảm xúc hiện tại của bản thân khi họ luôn im lặng như thế.