Theo dự kiến, ngày 3/7, TAND tỉnh Bình Dương sẽ mở phiên tòa sơ thẩm xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, yêu cầu hủy bỏ các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng quản trị và các biên bản cuộc họp của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà Thảo đòi khôi phục lại chức
Theo đó, ngày 18/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về tranh chấp thành viên công ty theo đơn khởi kiện của bà Lê Hoàng Diệp Thảo.
Vụ kiện này, bà Thảo yêu cầu tòa án hủy bỏ quyết định của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, bãi nhiệm bà khỏi vị trí đại diện theo pháp luật của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ.
Ngày 22/7/2016, tòa tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện với lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm giữa người khởi kiện là Tập đoàn Trung Nguyên và người bị kiện là Trưởng phòng đăng ký kinh doanh - Sở KH-ĐT Bình Dương.
Tiếp đó, ngày 30/10/2017, TAND Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án kinh doanh thương mại vì vụ án hành chính đã được giải quyết sơ thẩm và phúc thẩm xong.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên chưa áp dụng giấy phép đăng ký kinh doanh do thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.
Sau khi nhận được quyết định này, ông Vũ và mẹ cùng Tập đoàn Trung Nguyên đã có khiếu nại. Sau đó, TAND Bình Dương đã hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Ông Vũ một mực đòi tòa đình chỉ yêu cầu khởi kiện của vợ
Trong quá trình xem xét hồ sơ, tòa án xác định lại đây là vụ việc kinh doanh thương mại không phải vụ án và quyết định đưa ra mở phiên họp theo quy định như dự kiến.
Giám định tài liệu cắt ghép trong quá trình giải quyết vụ việc, bà Thảo yêu cầu tòa trưng cầu giám định của Viện khoa học Hình sự - Bộ Công an về các tài liệu liên quan.
Vì vậy, TAND tỉnh Bình Dương đã ra quyết định trưng cầu giám định biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và quyết định Đại hội đồng cổ đông của Tập đoàn Trung Nguyên.
Ngày 30/1/2019, Viện khoa học Hình sự có công văn, kết luận: các chữ "Công ty CP Cà phê Trung Nguyên" dòng chữ in thứ 10 từ trên xuống, trên tài liệu ký hiệu A3 -2 có dấu vết cắt ghép.
Sau khi có kết luận, tòa tiếp tục trưng cầu giám định về việc xác định những tài liệu này đã cắt ghép bằng phương thức nào? Tuy nhiên, Viện khoa học Hình sự cho rằng không đủ cơ sở xác định tài liệu được cắt ghép bằng phương thức nào.
Trước trả lời này của Viện khoa học Hình sự, phía ông Vũ đã gửi tới tòa tài liệu giám định ký hiệu A3-2 có dấu hiệu cắt ghép là tài liệu do Phòng đăng ký kinh doanh - Sở KH-ĐT tỉnh Bình Dương cung cấp cho cơ quan tố tụng.
Phía đại diện ông Vũ cho hay, tài liệu này do bà Thảo là người đại diện theo pháp luật đã ủy quyền cho người khác nộp tại Phòng đăng ký kinh doanh.
Mệt mỏi vì vụ việc kéo dài tới 3 năm mà chưa được giải quyết, đại diện phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã gửi kiến nghị khẩn cấp đến TAND Bình Dương.
Trong kiến nghị, phía ông Vũ cho rằng, vụ việc càng kéo dài, mâu thuẫn giữa bà Thảo và các cổ đông cũng như với các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên ngày càng nghiêm trọng, phát sinh nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Nguyên, quyền lợi của 5.000 lao động.
Ngoài ra, kiến nghị này còn cho rằng bà Thảo không có quyền yêu cầu tòa án hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết của HĐQT vì bà Thảo chỉ là cổ đông sở hữu 5% cổ phần tại Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Vì vậy, phía ông Vũ đề nghị tòa đình chỉ yêu cầu khởi kiện của bà Thảo.