Ở nhiều huyện xã vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, nạn tảo hôn đến nay vẫn còn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc bản địa lẫn đồng bào di cư vào từ phía Bắc. Trách nhiệm làm cha làm mẹ sớm đặt lên vai những đôi vợ chồng trẻ con “ăn chưa no, lo chưa tới”, gây nên biết bao hệ lụy nhức nhối cho gia đình, xã hội.
Chín ép
Chúng tôi đến 4 buôn dự án được hỗ trợ định canh định cư xã Ea Sin, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk, nơi phần lớn đồng bào dân tộc bản địa sinh sống. Ông Y- Răn Niê, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã Ea Sin có 663 hộ, 2.572 nhân khẩu. Những năm qua, được hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế, xã hội, đời sống của bà con đã chuyển biến khá dần. Tuy nhiên, vấn đề dân số phát sinh từ tệ nạn tảo hôn rất đáng lo ngại”.
Chị Ngọc Diệp cán bộ dân số xã Ea Sin đưa chúng tôi đến buôn Cư M’tao, nơi tình trạng tảo hôn phổ biến và rộ lên như phong trào, tiếp nối từ đời này sang đời kia. Đồng bào nghĩ đơn giản yêu là cưới, không quan trọng tuổi tác nên trẻ con mới 13-14 tuổi đã lấy vợ lấy chồng.
Nhà chị Huế xã Ea Sin, huyện Krông Búk.
Em gái H’Ver 15 tuổi tâm sự: “Chúng em chung sống với nhau được một năm. Chỉ cần 2 đứa cái bụng đã ưng thì về ở với nhau. Sống một thời gian nếu không hợp thì đường ai nấy đi. Thế nên vợ chồng em chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn”. Tương tự, lấy chồng từ lúc 14 tuổi, đến nay đã hơn 4 năm chung sống, có với nhau một đứa con lên 3 rồi vợ chồng H’Len Niê mới đủ tuổi đăng ký kết hôn.
Ngược về xã Cư Kbang, huyện biên giới Ea Súp, nơi có hơn 50% là đồng bào dân tộc Mông di cư từ phía bắc vào. Trên con đường ngoằn ngoèo, bụi tung mù mịt nhuốm đỏ quần áo, chúng tôi gặp những đứa trẻ trần truồng đen nhẻm đang nô đùa trong vũng nước đục ngầu bên vệ đường.
Chị Hoàng Thị Châm, cán bộ dân số và anh Hoài, nhân viên văn phòng cùng nói: Xã chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số, nên việc lấy vợ lấy chồng sớm, con đàn cháu đống là chuyện thường.
Trong căn nhà tuềnh toàng, chị Hạ Thị Cánh năm nay mới 25 tuổi đã có 4 đứa con. Thấy người lạ, Cánh vừa cho con bú vừa xì xầm to nhỏ bằng tiếng Mông với cán bộ xã. Lát sau vui chuyện, Cánh chia sẻ: Vợ chồng mình đang sống chung với bố mẹ chồng và 9 anh chị em.
Ở đây, 16 -17 tuổi phải lo mà lấy chồng, kẻo tầm đó tuổi không ai lấy coi như ế. Khi được hỏi có đẻ nữa không, Cánh cười hồn nhiên: "Đẻ nhiều thì không có cái mà ăn, nhưng nếu chồng muốn thì vẫn cứ đẻ, trời sinh voi sinh cỏ mà. Mọi sự đã có người lớn lo liệu cả rồi. Khi nào đủ tuổi thì đăng ký kết hôn rồi khắc có giấy khai sinh cho con".
Gần nhà Cánh, Nông Văn Thành sinh năm 1997 vừa lấy vợ được hơn 3 tháng. Trong căn nhà xập xệ, Thành thật thà cười: "Học hết lớp 3, em nghỉ ở nhà đi làm rồi lấy vợ cho sướng. Sùng Thị Chậu nhỏ hơn Thành một tuổi, bẽn lẽn ngồi cạnh chồng, nói tiếng Kinh chưa sõi, kể: "Ngoài quê em học đến lớp 5 rồi nghỉ, ở nhà theo mẹ đi hái măng, trồng ngô trồng sắn kiếm ăn qua ngày. Tết năm ngoái, em vào đây thăm bà con thì gặp Thành. Quen nhau được vài tháng chúng em quyết định lấy nhau, làm mấy mâm mời họ hàng, bà con làng xóm đến thông báo. Giờ 2 vợ chồng sống cùng nhà với bố mẹ và 7 anh chị em. Cả gia đình có 1 héc ta lúa, đến mùa đi làm hết mùa thì đi chơi, hoặc ai thuê gì làm nấy".
Ông Trương Văn Thảo, Phó chủ tịch UBND xã Cư KBang than: "Đồng bào ở đây rất khó tiếp cận. Mỗi lần cán bộ xã vào tuyên truyền phải nhờ một số người Mông có uy tín đi cùng. Nhưng khổ nỗi, mình hỏi, họ cứ vờ không hiểu rồi lẩn đi đâu mất. Tục tảo hôn đã nhiễm vào tiềm thức của đồng bào nên rất khó thay đổi. Bao đoàn, tổ, hội đến vận động, tuyên truyền rồi. Nói thế nào cũng vô ích, thật đau đầu".
Vợ chồng Nông Văn Thành và Sùng Thị Chậu.
Những hệ lụy buồn
Cũng vì tảo hôn, mà đôi vợ chồng trẻ Y Dôn Êban (20 tuổi ) và vợ là H’Pun Kbuôr (19 tuổi) mới xảy ra bi kịch khiến người vĩnh viễn ra đi, người rơi vào cảnh tù tội. Giữa năm 2013, H’Pun và Y Dôn yêu nhau, dắt nhau về nhà vợ ở buôn Knia 3, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn sinh sống.
Khoảng 18h ngày 14/1/2014, Y Dôn đi uống rượu về, vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc cãi nhau, H Pun tát 2 cái vào mặt Y Dôn. Bực tức vì bị vợ đánh, Y Dôn lấy chai thuốc diệt cỏ để trên trần nhà rồi dùng tay kẹp cổ, đổ thuốc vào miệng H’Pun. Được người thân đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng chỉ 2 ngày sau H Pun qua đời.
Dù được cán bộ địa phương cảnh báo, ngăn chặn nhưng H’Nhah Niê 14 tuổi ở buôn Cư M’Tao, xã Ea Sin, huyện Krông Búk và Y Lem M’lô cùng tuổi vẫn về ở với nhau như vợ chồng. Giờ 17 tuổi và Nhah đã có một con gái 3 tuổi. Lấy nhau khi còn quá nhỏ, đôi vợ chồng trẻ không thể lo được cho cuộc sống của mình đành phải cầu cứucha mẹ, anh em. Thường xuyên xung đột từ những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt, Y Lem đã uống thuốc diệt cỏ tự tử, may được cứu kịp thời.
Chị H’Huế Ayun 30 tuổi, trú tại buôn Ea Sin là chị cả trong một gia đình có 7 anh chị em, lấy chồng khi mới 15 tuổi, nay đã có 2 mặt con đứa lớn học lớp 7 đứa nhỏ học lớp 5. Hai vợ chồng lấy nhau ra ở riêng trông cậy cả vào mấy sào ruộng xấu. Trong một lần uống rượu say, chồng ngã mà chết, còn một mình chị gồng gánh nuôi 2 đứa con ăn học.
Chị Phạm Ngọc Diệp, cán bộ kế hoạch hóa gia đình xã Ea Sin xác nhận: Dù cán bộ đến tận nơi tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của thôn buôn nhưng do tập quán, trình độ, nhận thức của đồng bào nên nạn tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều bi kịch xảy ra rất đau lòng.
Dọc những bản làng chúng tôi qua, bao nhiêu cô gái trong những ngôi nhà chênh vênh phía bìa rừng chen nhau bên bậu cửa sổ, mặt bấm ra sữa nhếch nhác địu con. Nạn tảo hôn âm ỉ truyền nối từ đời này sang đời nọ, kẹp chặt đời họ vào cái nghèo, cái khổ.