Xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc tròn đầy là cả một quá
trình vun đắp gian nan và nhiều thử thách. Trong đó, người thành công là những
người biết tìm thấy ở bạn đời sự đồng cảm, sẻ chia và thấu hiểu. Những yếu tố
này được đúc rút từ chính kinh nghiệm và quan điểm sống của mỗi người. Thực tế
đã chứng minh: người có học vị và vị trí cao trong sự nghiệp không hẳn sẽ thành
công trong chính gia đình nhỏ của mình. Vậy, bằng cấp liệu có ảnh hưởng gì đến
hạnh phúc và mối quan hệ vợ chồng?
Cùng theo dõi ý kiến của các nhân vật tuần này để biết thêm về
vai trò của bằng cấp trong cuộc sống hôn nhân!
Người có học vị cao chưa chắc đã
là người chồng/vợ tốt
Đã có gia đình riêng hạnh phúc bên chồng và 3 con, Đinh Thị
Châu Giang (36 tuổi) cho rằng hạnh phúc gia đình là cả một quá trình dày công
vun đắp giữa các thành viên nhưng trong đó, không hề có sự tồn tại của hai từ bằng
cấp.
“Bằng cấp chỉ là đánh giá về chuyên môn và kiến thức đơn thuần.
Mình thấy nhiều khi một anh chàng có học vị cao chưa chắc đã biết cách sống bằng một anh chỉ
có bằng cấp nhàng nhàng. Để vợ chồng sống hạnh phúc cần sự cảm thông, sự chia sẻ,
chân thành và nhiều điều khác nữa nhưng tất cả đều chẳng có gì liên quan đến bằng
cấp cả, thay vào đó là quan điểm sống, kỹ năng sống và nếp sống”, Châu Giang
bày tỏ.
Đinh Thị Châu Giang và con gái
Không lạ lẫm về những cuộc cãi vã trong cuộc sống vợ chồng
khi một trong hai người quá coi trọng học vị, nhưng Châu Giang cũng cho rằng đó
là hành xử sai lầm. “Mình cũng nghe nhiều chuyện về các bà vợ có học vị cao và lấy đó làm cái cớ để chì chiết chồng có học thức thấp hơn. Mình thấy những
bà vợ đó thật thiếu kỹ năng sống và thiếu hiểu biết. Mình còn thắc mắc một
điều là tại sao những bà vợ đó coi trọng bằng cấp thế mà còn chấp nhận yêu và
cưới ông chồng? Có khi nào là do yêu thì chỉ cần hợp nhau là đủ, lúc lấy về mới
bới móc đủ thứ chuyện. Nếu đúng như vậy thì lối sống đó thật quá sai lầm!”,
Châu Giang cho hay.
Bên cạnh đó, Châu Giang cũng bày tỏ quan điểm không đồng
tình với ý kiến cho rằng bằng cấp hay học thức chỉ quan trọng với đàn ông, phụ
nữ dù học cao đến đâu cũng không được coi trọng. “Đó là một quan niệm cũ cần phải thay đổi. Đúng là để làm trụ cột gia đình, chồng nên hơn
vợ 'một cái đầu". Nhưng câu này không mang hàm ý về bằng cấp mà chính là hiểu biết
xã hội và kỹ năng sống thì đúng hơn”, Giang chia sẻ.
Bằng cấp chẳng là gì
to tát trong cuộc sống gia đình
Cùng quan điểm với Châu Giang, Biện Thị Ánh Hồng (21 tuổi)
cũng hoàn toàn đồng ý với việc đưa chuyện bằng cấp nằm ở vế yếu trong các vấn đề
liên quan đến hạnh phúc gia đình. Ánh Hồng nói: “Nếu hai người yêu nhau thật
lòng, đến với nhau vì tình yêu thì vấn đề bằng cấp sẽ chẳng có gì to tát. Nhất là
khi cả hai người đều có một công việc, thì không thể xảy ra việc vợ hoặc chồng không
tôn trọng nhau chỉ vì người này có học vị kém hơn cả”.
Biện Thị Ánh Hồng, 21 tuổi
Chưa lập gia đình nhưng khi đặt mình vào trường hợp có sự
chênh lệch về học vị giữa mình và ông xã trong tương lai, Ánh Hồng thẳng thắn
cho biết mình sẽ rất bình thản khi đối diện chuyện đó. “Nếu mình có rơi vào trường
hợp đó, giả sử chồng mình chỉ học hết cấp 3 nhưng có thể kiếm sống, lo lắng cho
vợ con và không làm những việc gây ảnh hưởng xấu đến gia đình, mình với tư cách
của người vợ sẽ thấy điều đó sẽ chẳng sao cả. Cái này thì tùy vào tâm tính của
mỗi người, mỗi gia đình, vì không phải suy nghĩ của ai cũng giống nhau”, Ánh Hồng
cho hay.
Nói về những cách hành xử không hài hòa giữa hai vợ chồng vốn
đã có sự chênh lệch về bằng cấp, cô gái 21 tuổi nghĩ rằng nếu không có giải
pháp triệt để thì cuộc hôn nhân đó rất có thể sẽ dẫn đến 1 kết cục không có hậu.
“Nếu đã yêu và chấp nhận một người là vợ chồng của mình thì tại sao thời gian
quen và yêu nhau không nhận ra những điều đó, chỉ đến khi cưới về thì lại lấy
chuyện đó ra làm cớ gây sự? Người nào cũng có lòng tự trọng cả thôi. Mình nghĩ
trường hợp này, nếu mọi việc cứ tiếp diễn thì sớm muộn gì cũng dẫn đến li dị”,
cô gái 21 tuổi khẳng định.
Chênh lệch bằng cấp
chỉ là một trong vô vàn lý do khiến gia đình tan vỡ
Đã có một gia đình nhỏ với chồng và cậu con trai kháu khỉnh,
Trần Phương Huyền (24 tuổi) tự tin khẳng định bằng cấp không phải là một vấn đề
to tát có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình: “Vợ chồng mình có trình độ
tương đương, chồng là cử nhân Đại học, vợ tốt nghiệp Cao Đẳng. Hơn nữa, địa vị
xã hội cũng không có sự chênh lệch nhau nhiều nên không có bất đồng về chuyện
này”.
Tổ ấm nhỏ của Trần Phương Huyền
Tuy vậy, theo quan điểm của Phương Huyền thì chuyện vợ chồng
chênh lệch bằng cấp coi thường nhau là một chuyện, nhưng kéo theo đó là việc
quan điểm sống, cách nghĩ khác nhau cũng có thể dẫn đến cãi vã. “Mình nghĩ rằng
cách suy nghĩ của người hiểu biết và có học thức đương nhiên cũng khác so với
người học thấp hơn. Nhưng nếu vì chuyện chênh lệch bằng cấp mà có thể khiến gia
đình tan vỡ được thì không hợp lý lắm, nó chỉ là một trong số rất nhiều lý do
khác mà thôi”, Huyền cho hay.
Huyền cũng chia sẻ rằng nếu hai người đã cùng chung sống
trong một gia đình thì sự tôn trọng lẫn nhau mới là điều cần thiết của một tổ ấm
hạnh phúc, thay vì những giấy tờ vô giá trị. “Nếu vợ chồng coi trọng bằng cấp
thì mình nghĩ cả hai đã không thể lấy nhau ngay từ đầu. Thay vào đó họ sẽ đi
tìm kiếm người phù hợp hơn với điều kiện của mình, chứ không để đến lúc cưới rồi
mới bỏ nhau. Vì vậy nên dù học cao học thấp nhưng đã là vợ chồng thì nên tôn trọng
nhau thì gia đình mới êm ấm, hạnh phúc được”, Huyền tâm sự.