Hòa Bình là một trong những địa phương chịu hậu quả nặng nề nhất của trận mưa lũ lịch sử vừa qua, với hơn 30 người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị xóa sổ, hàng ngàn hecta hoa màu bị cuốn trôi.

Dọc Quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Hòa Bình, chúng tôi không nhớ đã phải vượt qua bao nhiêu điểm sạt lở. Phải mất gần 7 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua quãng đường 120km để đến xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc – một trong những nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của tỉnh Hòa Bình trong đợt lũ khủng khiếp.

Vợ đau đớn làm lễ tang cho chồng bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác ở Hòa Bình - Ảnh 1.

Ngôi nhà của người đàn ông xấu số nằm ngay gần dòng lũ.

Đường bị phá hủy sau lũ dữ, quãng đường từ trung tâm xã vào nhà ông Châm (xóm Pà Chè, xã Đồng Chum) - người đàn ông bị lũ cuốn trôi mất tích, chỉ dài khoảng 1km nhưng chúng tôi phải đi mất 2 giờ đồng hồ. Ngôi nhà của gia đình ông Châm nằm vắt vẻo trên ngọn đồi.

Đứng đón chúng tôi trước con đường lầy lội là một người đàn bà vấn trên đầu chiếc khăn trắng, khuôn mặt hốc hác, buồn phiền. Bà giới thiệu tên Xa Thị Thương (49 tuổi), bà Thương chính là vợ của ông Châm, nạn nhân xấu số đã bị nước lũ cuốn trôi 10 ngày vẫn chưa tìm thấy xác.

Bà Thương khóc nấc mỗi khi nhìn lên di ảnh chồng sau làn khói hương nghi ngút. Chính bà Thương là người chứng kiến cảnh chồng bị lũ cuốn đi nhưng bất lực, không thể làm gì để cứu ông. Hình ảnh kinh hoàng đó khiến nỗi đau đớn mất người thân trong bà khó nguôi ngoai.

Vợ đau đớn làm lễ tang cho chồng bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác ở Hòa Bình - Ảnh 2.

Bà Thương tổ chức đám tang cho chồng sau hơn 10 ngày tìm kiếm nhưng không tìm được xác.

Bà Thương kể lại sự việc: "Đêm 8/11, lũ về khiến cây cối đổ ngả nghiêng, nước dâng cao ngập trắng hết những con đường. Vì lo lắng cho gia đình đứa con gái lấy chồng ở xóm bên, hai vợ chồng tôi qua thăm cháu.

Khi quay trở về, lẽ ra ông ấy chẳng bị lũ cuốn đi đâu. Nhưng khi đi đến chân thác Khoai, thấy nước đang cuồn cuộn chảy, ông ấy lấy cây gậy cắm xuống dò đường xem nước sâu đến đâu. Bất ngờ, dòng nước mạnh cuốn chồng tôi ngã xuống và trôi ra xa trong tích tắc".

Thấy chồng gặp nạn, bà Thương cầm điện thoại gọi người ứng cứu nhưng thời điểm đó, sóng điện thoại bị gián đoạn, khu vực gia đình bà sinh sống bị cô lập hoàn toàn, xung quanh ngôi nhà là dòng lũ dữ dội cuồn cuộn chảy xiết. Bà và người thân trong gia đình đành bất lực.

Vợ đau đớn làm lễ tang cho chồng bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác ở Hòa Bình - Ảnh 3.

Theo bà Thương, bình thường con suối này chảy rất hiền hòa, không hiểu sao năm nay lại chảy dữ dằn như vậy.

Ngày hôm sau, nước tại thác Khoai đã rút bớt, lực lượng cứu hộ của huyện Đà Bắc phối hợp với cơ quan chức năng xã Đồng Chum gấp rút tiến hành công tác tìm kiếm thi thể ông Châm.

Thế nhưng hơn 10 ngày tìm kiếm, mọi người vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân. Quá đau đớn, bà Thương xin phép UBND xã để gia đình tổ chức đám tang cho chồng dù chưa tìm được xác.

"Nhà tôi cách thác Khoai chưa đầy 500m, mọi khi thác lành lắm, nước chảy nhẹ nhàng quanh năm. Chẳng hiểu sao năm nay dòng chảy hung dữ quá, cướp mất người thân của tôi…", nói chưa dứt lời, bà Thương lại khóc tiếp.

Được biết, hai vợ chồng bà Thương có 5 người con thì 4 người đã xây dựng gia đình, còn cậu con trai út đang học cấp 3. Ông Châm vẫn còn bố mẹ già, hai cụ đã gần 100 tuổi. Ông Châm qua đời, gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai người vợ gầy yếu.

Nhìn mẹ già đang ngồi thẫn thờ bên góc nhà, bà Thương nói: "Mấy hôm nay, hai cụ cứ bần thần hỏi về chồng tôi. Các cụ chẳng chịu ăn uống gì cả mà chỉ đi ra rồi lại đi vào nhìn lên ban thờ".

Trả lời PV VTC News, ông Xa Văn Đào, Bí thư đoàn xã Đồng Chum cho biết: "Đợt bão lũ vừa qua ảnh hưởng đến hầu hết các xóm trên địa bàn, đa số là nhà cửa và hoa màu. Trong đó có xóm Hà, xóm Chanh, xóm Pà Chè bị cô lập hoàn toàn suốt 3 ngày từ 9 -12/10.

Vợ đau đớn làm lễ tang cho chồng bị lũ cuốn trôi không tìm thấy xác ở Hòa Bình - Ảnh 4.

Nơi ông Châm bị ngã xuống dòng lũ dữ.

Mấy ngày bão lũ, UBND xã Đồng Chum thành lập đội cứu nạn tại địa phương, đồng thời huy động toàn bộ lực lượng đến các điểm sạt lở, những gia đình bị lũ quét mất nhà để hỗ trợ công tác di dời và hạn chế tối đa thiệt hại".

Được biết, sau khi nhận được tin ông Châm bị mất tích, lực lượng của UBND xã phối hợp với đội ngũ cứu hộ của huyện Đà Bắc tiến hành tìm kiếm thi thể liên tục 10 ngày liền. Đây là khu vực người dân tộc Mông sinh sống, dân cư thưa thớt, mỗi gia đình sinh sống trên một vạt đồi nên càng khó khăn cho công tác tìm kiếm.

Không có con đường nào dẫn đến từng hộ dân. Họ phải đi men dọc chiếc cống rộng chừng 30cm xã xây để dẫn nước về đồng. Chính vì vậy, trong quá trình tìm kiếm thi thể ông Châm, máy móc không thể vào được.

Cũng theo ông Đào, từ điểm ông Châm bị ngã đến nhà van dẫn nước qua kênh của thủy điện Hoàng Sơn chỉ dài khoảng 700m. Tuy nhiên, do đất đá trên núi lở, lũ cuốn nên thi thể ông Châm có thể bị vùi lấp rất sâu, không thể tìm thấy.