Kết hôn rồi mà vẫn tiền anh anh tiêu, tiền em em giữ, thì cũng chẳng khác nào hai người lạ chung nhà. Vợ chồng cần tiền để chăm sóc con cái, để cùng nhau làm việc lớn như mua nhà, tậu xe. Thế nên mới bảo "tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát" chỉ là chuyện khả thi khi người ta chưa về chung một nhà.

Cái khó lúc này chính là câu hỏi: Ai nên là người quản lý tài chính trong gia đình?

Vợ giữ tiền chưa chắc đã tốt hơn để chồng làm tay hòm chìa khóa? - Ảnh 1.

Câu chuyện sẽ rất đơn giản nếu một trong hai bên cảm thấy "ok" với việc để đối phương giữ vai trò tay hòm chìa khóa. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.

"Anh xin vợ đấy, đừng bắt anh cầm tiền"

Nghe cứ tưởng đùa nhưng vợ chồng Thùy Linh và Minh Long từng đùn đẩy nhau trách nhiệm tay hòm chìa khóa. Vợ không tự tin quản lý dòng tiền của cả hai, chồng càng không sẵn sàng gánh trọng trách "to đùng" ấy. Thế nên mới có chuyện Minh Long từng phải thốt lên "Anh xin vợ đấy, đừng bắt anh cầm tiền".

"Không giấu làm gì, chứ mình là đứa rất vụng chi tiêu. Đến tận lúc lấy chồng, mẹ mình vẫn còn mắng mình sa sả là phải sống tiết kiệm đi, không sau này "ăn cám". Chồng mình cũng không giỏi hơn mình trong khoản này là mấy. Nhà mình đúng kiểu hai vợ chồng đều giỏi tiêu tiền như nhau.

Hứng lên rủ nhau đi ăn là cũng hết 2-3 triệu một bữa, chưa kể đi mua quần áo hay đi siêu thị cũng thế, hóa đơn tiền triệu là bình thường. Hai đứa tổng thu khoảng 65 triệu/tháng mà gần như tháng nào cũng hết nhẵn" - Thùy Linh kể.

Vợ giữ tiền chưa chắc đã tốt hơn để chồng làm tay hòm chìa khóa? - Ảnh 2.

Đùn đẩy nhau mãi cũng không xong, cứ chi tiêu xả láng mãi cũng chẳng được, Thùy Linh đành phải nhận "nhiệm vụ khó nhằn" này.

"Ôi bà vợ nào ham giữ tiền của chồng thì không biết, chứ chồng mình mà chịu quản lý tiền trong nhà thì mình ok ngay. Mình thấy nhức óc kinh khủng" - Thùy Linh thở dài.

Đối mặt với công việc "nhức óc" này, Thùy Linh cho biết cô mới chỉ tìm được 1 phương án duy nhất, là đặt giới hạn cho từng khoản chi tiêu của hai vợ chồng.

"Tiền về một cái là mình trích 50% thu nhập của hai đứa để gửi tiết kiệm ngay. Phần còn lại thì chia cho tiền điện nước, mạng Internet; tiền ăn uống bên ngoài cố định 5 triệu/tháng; tiền chi tiêu cá nhân cố định 2 triệu/người. Đấy, cứ thế mà triển thôi" - Thùy Linh chia sẻ.

"Quản lý tiền là việc lớn, hãy để người giỏi hơn làm"

Khác với gia đình Thùy Linh và Minh Long, vợ chồng Thu Phương lại không mấy đau đầu trong việc tìm ra người chịu trách nhiệm cho vị trí tay hòm chìa khóa. Theo lời chia sẻ của cô vợ Thu Phương, ông xã của cô là người đang quản lý tài chính trong nhà.

"Tháng nào nhận lương xong, mình cũng chỉ giữ lại 5 triệu để chi tiêu cá nhân, còn lại gửi hết cho chồng. Tiền ăn uống, sinh hoạt phí hay tiền bỉm sữa, học phí của con, đều là chồng mình quản, chồng mình chi hết" - Thu Phương kể và khẳng định ông xã đang làm rất tốt việc này.

Sở dĩ, Thu Phương không "tranh" việc quản lý tiền bạc với chồng, và chồng cô cũng không đùn đẩy trách nhiệm này cho vợ vì cả hai đều nhận thức được rõ rằng quản lý tiền là việc quan trọng, nên ai giỏi hơn thì người đó nên làm.

Vợ giữ tiền chưa chắc đã tốt hơn để chồng làm tay hòm chìa khóa? - Ảnh 3.

"Chồng mình làm trong lĩnh vực kiểm toán, hiện đang làm CFO (Chief Financial Officer - Giám đốc tài chính) cho một doanh nghiệp. Còn mình từ xưa đến giờ là dân chuyên văn, công việc hiện tại cũng liên quan đến con chữ, cứ động đến số má là mình chịu, không nhảy số được" - Thu Phương chia sẻ về lý do để chồng làm tay hòm chìa khóa.

Có thể thấy rằng gia đình này có tư duy khá hiện đại và cởi mở. Cả hai vợ chồng đều có công việc, kiếm được tiền và ai cũng bận cả, nhưng ông xã của Thu Phương cũng không "tị" với vợ khi phải gánh vác thêm việc quản lý tài chính trong gia đình.

"Thời buổi nào rồi mà còn định kiến phụ nữ phải giữ tiền, quản tiền của chồng chứ. Mình nghĩ thế là không hiện đại đâu, cởi mở lên chứ" - Thu Phương khẳng định.

Phải làm sao để tiền bạc không trở thành nguyên nhân khiến vợ chồng cãi vã?

Mỗi gia đình một quan điểm khác nhau về việc ai nên là người giữ trọng trách tay hòm chìa khóa, nhưng cả Thu Phương và Thùy Linh đều có chung một suy nghĩ: Ai giữ tiền không quan trọng, quan trọng là phải bàn bạc với nhau khi chi tiền, dù chỉ là khoản chi nhỏ đi chăng nữa.

"Mình giữ tiền không có nghĩa là mình được toàn quyền quyết định việc sử dụng tiền mà không chia sẻ hay tham khảo ý kiến của chồng. Công tâm mà nói, đó cũng là mồ hôi công sức của anh ấy mà. Người ta để cho mình giữ tiền nghĩa là người ta tin tưởng mình, đổi lại, mình cũng phải thành thật trong các quyết định chi tiêu, không nên biển thủ công quỹ" - Thùy Linh chia sẻ nửa đùa nửa thật.

Thu Phương cũng đồng tình với quan điểm ấy.

"Chồng mình là người quản lý dòng tiền trong gia đình nhưng cứ khoản chi nào trên 500k, anh đều sẽ chia sẻ với mình. Mình coi đó là sự tôn trọng mà vợ chồng cần có với nhau và với cuộc sống chung. Nếu người giữ tiền cũng là người duy nhất được đưa ra quyết định chi tiêu, không quan trọng đó là việc lớn hay việc nhỏ, thì độc đoán quá" - Thu Phương chia sẻ.

Với cách tư duy như vậy, hai cô vợ này cho biết cuộc sống hôn nhân khá thoải mái và rất hiếm khi vợ chồng cãi vã vì chuyện tiền bạc.