Từ cậu bé suốt ngày nhốt mình trong phòng đến "cây bút" huyền thoại của văn học Trung Quốc
Nhà văn Kim Dung, tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang, Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình có học thức hơn người, từ đời ông bà tổ tiên đều là những người có công với văn học Trung Quốc. Theo một số tài liệu về nhà văn Kim Dung, từ nhỏ ông là một cậu bé trầm tính, không hiếu động và tinh nghịch như những bạn đồng trang lứa, ông dành phần lớn thời gian nhốt mình trong phòng để đọc sách. Đối với ông, sách là một thế giới mà ông có thể nhìn rõ mình trong đó.
Nhà văn Kim Dung thời trẻ.
Xuất thân trong một gia thế hiển hách như thế, nhiều người kỳ vọng nhà văn Kim Dung sẽ trở thành những người tài giỏi như bác sĩ, luật sư, nhà ngoại giao, nhưng chẳng ai ngờ cậu bé ngày xưa hay trốn trong phòng đọc sách lại chọn việc viết lách làm niềm đam mê cháy bỏng của mình. Thời sinh viên, nhà văn Kim Dung theo học ngành ngoại giao nhưng vì cá tính mạnh mẽ, thẳng thắn, thích làm theo ý mình nên đã bị nhà trường đuổi học. Sau này, nhiều người nhận ra rằng, cá tính của nhà văn Kim Dung là hình mẫu chung của các nhân vật anh hùng võ hiệp mà ông sáng tạo ra.
"Võ lâm minh chủ" Kim Dung là thanh xuân của biết bao thế hệ.
Năm 1950, nhà văn Kim Dung đến Hong Kong lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Ông đã cùng một người bạn thân lập nên tờ Minh Báo với mong muốn mang tiếng nói của mình đến với công chúng. Sau này, tờ Minh Báo trở thành báo hàng đầu của Hong Kong với nhiều chuyên mục đặc biệt có tầm ảnh hưởng to lớn đến xã hội. Với bản tính thẳng thắn và nghĩa hiệp, ông hy vọng mình có khả năng thay đổi xã hội, mạnh dạn nói lên những điều xấu và lan truyền những điều tốt đẹp. Đây cũng là lúc ông bắt đầu viết tiểu thuyết và đăng dần thành nhiều kỳ.
"Võ lâm minh chủ" trong lòng bao thế hệ, nơi nào có người Trung Quốc là nơi đó có sự tồn tại của Kim Dung
Nhà văn Kim Dung bắt đầu viết lên thời đại võ hiệp mộng tưởng từ năm 1955 với tiểu thuyết đầu tay Thư kiếm ân cừu lục, tiếp theo đó là Bích huyết kiếm. Đến năm 1959, Kim Dung bắt tay vào viết Xạ điêu tam bộ khúc gồm Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên đồ long ký. Đây được xem là bộ tiểu thuyết hùng hậu và hoành tráng, được các nhà làm phim chuyển thể từ phim truyền hình, đến phim điện ảnh. Không những thế, tiểu thuyết còn được làm lại theo nhiều phiên bản khác nhau, qua từng giai đoạn, từng thế hệ khác nhau. Có thể nói, sức ảnh hưởng của tiểu thuyết này đối với người Trung Quốc nói riêng và Hoa kiều sống trên toàn thế giới nói chung là không hề nhỏ.
Người trong giới đặt biệt danh cho nhà văn Kim Dung là "Đại hiệp Kim Dung" hay "Võ lâm minh chủ" Kim Dung.
Người trong giới đặt biệt danh cho nhà văn Kim Dung là "Đại hiệp Kim Dung" hay "Võ lâm minh chủ" Kim Dung, vì tất cả những tác phẩm của ông đều chạm đến trái tim của hàng triệu người qua nhiều thế hệ. Hơn nữa, các nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết của Kim Dung đều là những người chuyên hành hiệp trượng nghĩa, nhưng lại có xuất thân và những hoàn cảnh khác nhau, tạo nên một sự đặc biệt mà không một nhà văn nào có thể làm được. Bên cạnh Xạ điêu tam bộ khúc, một số tác phẩm nổi tiếng sống mãi với thời gian của nhà văn Kim Dung phải kể đến Tuyết sơn phi hồ, Thiên long bát bộ, Hiệp hành khách, Liên thành quyết, Lộc đỉnh ký, Việt nữ kiếm… Điều đáng nói, làng giải trí Hoa ngữ có hàng trăm ngôi sao thành danh nhờ những nhân vật do Kim Dung "cầm cân nảy mực".
Phim Thần điêu đại hiệp phiên bản TVB năm 1995 là một trong những bộ phim được chuyển thể kinh điển nhất mọi thời đại.
Ông cầm bút từ năm 1955, đến năm 1972 thì gác bút, tổng cộng có hơn 15 tiểu thuyết lẫy lừng, xây dựng hơn 1500 nhân vật, và được in hơn 300 triệu bản bán khắp nơi trên thế giới. Báo Tân Hoa Xã khẳng định một điều: "Nơi nào có người Hoa sinh sống là nơi đó có sự tồn tại của nhà văn Kim Dung". Câu nói này có thể thấy được, sức ảnh hưởng trong tiểu thuyết của ông đến người Hoa trên thế giới là to lớn như thế nào. Mặc dù mang tiếng là gác bút nhưng ông không "quy ẩn giang hồ" như các nhân vật trong tiểu thuyết. Sau năm 1972, Kim Dung bắt đầu chỉnh sửa những tác phẩm của mình hoàn chỉnh hơn, bỏ bớt những nhân vật và chi tiết thừa thãi. Có thể nói, trong lịch sử văn học Trung Quốc, khó tìm người có tâm với tác phẩm của chính mình như nhà văn Kim Dung.
Cuộc đời đầy bi kịch trái ngược với sự nghiệp văn chương lẫy lừng
"Đại hiệp Kim Dung" lẫy lừng trên văn đàn là thế nhưng đằng sau là cuộc đời bi kịch không phải ai cũng biết. Trong suốt cuộc đời mình, nhà văn Kim Dung đã trải qua 3 lần hôn nhân, nhưng phải đến lần cuối cùng ông mới thật sự tìm được hạnh phúc. Người vợ đầu tiên của ông là nữ nhà văn Đỗ Trị Phân. Họ kết hôn vào năm 1948 tại Thượng Hải, nhưng khi Kim Dung đến Hong Kong lập nghiệp thì tình cảm giữa họ phai nhạt, sau đó cả hai đều quyết định ly hôn khi chưa có con chung. Năm 1956, sau khi Kim Dung lập báo Minh Báo, ông đã gặp mặt và quen biết Chu Mai, khi đó là trợ lý cũng là người bạn thân thiết bên cạnh ông trong lúc khó khăn. Họ có với nhau 4 người con, 2 trai và 2 gái, tuy nhiên sau đó hôn nhân cũng chẳng thể đi đến cuối thì họ lại tuyên bố chia tay.
Nhà văn Kim Dung và người vợ đầu tiên - Đỗ Trị Phân.
Người vợ thứ 3 của Kim Dung là Lâm Lạc Di kém ông 29 tuổi. Được biết, họ quen nhau tình cờ trong một quán rượu, vừa gặp gỡ Kim Dung đã phải lòng bà Lâm vì sự dịu dàng và hiểu chuyện. Sau đó không lâu họ kết hôn, nhà văn Kim Dung đưa bà Lâm sang Úc du học và hướng cô theo con đường văn chương. Đây chính là người phụ nữ mang lại hạnh phúc cho nhà văn đến giây phút cuối đời. Kim Dung từng tâm sự với báo giới, ông rất yêu người phụ nữ này vì bà luôn biết vun vén chăm sóc cho gia đình, khiến ông tự hào.
Nhà văn Kim Dung và người vợ thứ 3 - Lâm Lạc Di.
Không những đau lòng phiền não trong chuyện hôn nhân mà nhà văn Kim Dung còn phải chịu cú sốc khi biết tin con trai cả (con của ông và Chu Mai) tự tử. Được biết, con trai cả của nhà văn Kim Dung tên Tra Truyền Hiệp, là người thừa hưởng nhiều tài năng của ông. Anh cũng là người khiến Kim Dung tự hào và luôn khoe trên mặt báo. Tuy nhiên, năm 1976, khi Tra Truyền Hiệp đang theo học tại trường Đại học Columbia thì bất ngờ tự vẫn khiến Kim Dung suy sụp. Nguyên nhân cái chết ban đầu cho rằng anh cãi nhau với bạn gái nên đã nghĩ quẩn. Nhưng một số nguồn tin khác cho rằng, Tra Truyền Hiệp đau lòng khi biết tin bố mẹ ly hôn, cộng thêm việc kích động tâm lý vì cãi nhau với bạn gái nên đã làm chuyện dại dột. Cái chết của con trai khiến nhà văn Kim Dung phải tìm đến cửa Phật để tìm sự thanh thản trong tâm hồn.
Cuộc sống cuối đời bình yên của nhà văn Kim Dung. Hình chụp lúc sinh nhật lần thứ 92.
Theo truyền thông cho biết, những ngày cuối đời của nhà văn Kim Dung, ông được sống trọn vẹn và quây quần bên những người yêu thương. Nhà văn Kim Dung chính là thanh xuân của nhiều thế hệ và là ký ức đẹp về thế giới võ hiệp mộng tưởng của Trung Hoa. Dù ông ra đi, nhưng ông đã để lại gia tài tiểu thuyết đồ sộ đủ lưu truyền muôn đời và trở thành những tác phẩm kinh điển sống mãi với thời gian.
(Tổng hợp)