Thành im lặng bỏ ra phòng khách ngủ. Chăn đơn gối chiếc, Hoa trằn trọc cả đêm. Lần nào cũng vậy, câu nói nặng vừa trôi tuột khỏi miệng, Hoa mới giật mình biết mình sai, tìm cách dỗ dành chồng, nhưng càng ngày, sự bù đắp đó càng trở nên nhạt nhẽo...

Nửa đêm, Thành nhắn tin: “Anh không chấp nhận được sự hỗn xược của em”. Tay run run cầm điện thoại, Hoa vừa ân hận, vừa tự ái. Đối với Hoa đó như một lời xúc phạm, khi cô vốn được tiếng đằm thắm, dịu dàng. Còn Thành, càng nhớ lại những hình ảnh đẹp đẽ của Hoa, anh càng thấy giống như mình đang có hai cô vợ trong nhà.

Trong tuần trăng mật của hai vợ chồng, đám bạn thân rủ nhau mở tiệc. Hoa hồ hởi đề nghị chồng “đăng cai” rồi phụ trách chuyện chợ búa. Đi chợ mất nửa buổi dưới trời nắng chang chang mà vẫn thiếu này thiếu nọ, gần trưa, Hoa ngồi tính toán rồi ghi hết ra giấy những món hàng còn thiếu.

Thành đang ngồi chơi với đám bạn đàn ông ở phòng khách, Hoa bước lên, kêu chồng một tiếng rồi vừa cầm tờ giấy lẩm nhẩm, vừa đội nón đi thẳng ra cổng, đứng chờ. Thấy vợ như muốn “lên đường”, Thành ngoan ngoãn dắt xe ra, cứ liên tục hỏi “Đi đâu? Đi đâu?”. Hoa trả lời ậm ừ vì đang mải tính toán, đến chữ “đi đâu” thứ ba, cô quát lên: “Nói nãy giờ mà không hiểu hả?”.

Vợ lỡ lời 1

Thành giật bắn người, hoàn hồn thì đã thấy mấy ông bạn xếp hàng ở cửa… dòm ra. Xấu hổ, Thành nổ máy chở vợ chạy biến, lòng hậm hực suốt cả ngày hôm đó. Phần Hoa, trút được cơn bực mình, cô biết ngay mình đã quá đáng, cứ tìm cách dỗ ngọt chồng. Thành ngọt nhạt: “Anh không giận, chỉ buồn”.

Chuyện đó cũng qua nhanh vì Hoa lại trở về làm một người vợ vui vẻ, dịu dàng, đẹp mặt chồng trong suốt buổi tiệc. Thành nghĩ mãi mà vẫn không lý giải được vì sao người phụ nữ bình thường tươi tắn thế kia, ngọt ngào thế kia lại có lúc bất ngờ “nổi cơn”, rồi nhanh chóng dịu lại như… rô bốt điều khiển từ xa.

Có lần vợ đi công tác xa, hai vợ chồng đang ôm điện thoại thủ thỉ kể đủ thứ chuyện. Nhớ vợ, Thành khơi hết chuyện này đến chuyện khác để nói. Lúc Thành đang tỉ tê về môi trường làm việc của vợ, thì bỗng dưng Hoa gắt: “Anh hỏi nhiều quá! Quan tâm chi cho mệt!”. Thành vừa tức, vừa sượng, vội ngắt máy. Ngay sau đó anh nhận được tin nhắn xin lỗi của vợ, kèm lời “giải thích”: “Em cũng không hiểu tại sao em như vậy nữa”. Thành không giận được lâu vì thấy vợ ăn năn, rồi nhẹ nhàng xin lỗi, anh cũng mát lòng, quên ngay.

Hôm nay, “thần lửa” lại ghé qua khi hai vợ chồng đang bàn bạc xem nên gửi con cho nhà nội hay nhà ngoại. Đang nói chuyện trong hòa bình, bỗng dưng người phụ nữ vốn dịu dàng kia thả một câu: “Mệt! Có chừng đó mà dây dưa hoài!”, rồi ôm con đi thẳng vô phòng. Thành ngồi lại ngơ ngác với một dấu hỏi to tướng trong đầu.

Phải chi câu nói lỡ lời kia bột phát khi cả hai đang lời qua tiếng lại, hoặc Hoa vốn là người ngang bướng, bốc đồng thì cũng dễ hiểu. Đằng này, cuộc trò chuyện đang rất nhẹ nhàng như… chính Hoa ngày thường. Lại nghĩ tới lời xin lỗi gần nhất Hoa khẽ rót vào tai mình, anh thấy chuyện này chắc chắn còn tiếp diễn dài dài.

Cơn giận qua đi, Thành vẫn thấy lòng buồn rười rượi. Anh vắt tay lên trán nghĩ cách “dạy vợ". Nhưng biết dạy kiểu gì, khi mọi “bài học” Hoa đều nằm lòng, mỗi lần lỡ lời xong lại tự dằn vặt mình bằng tất cả những lời lẽ mà anh định nói. Bạn bè khuyên anh hãy xem “hạt sạn” này như gót chân Asin, mấy ông bạn nhậu còn lè nhè “khi có hỏa hoạn, ai gần lửa nhất thì phải chịu bỏng thôi”. Dù thế, Thành vẫn không thể “quen” được cái âm thanh "chớp nhoáng" kia. Nó đâu phải chuyện đùa, cũng không còn là chuyện tâm lý của riêng Hoa.

Nếu Hoa tôn trọng anh đúng mức, có lẽ những lời nói đó đã không từ trong vô thức mà bật ra. Và nếu vợ cứ mải mê "lỡ lời" như thế, biết đâu, giữa cái chênh chao, lỡ... nhịp của chồng mà đường về nhà ngày một lỡ xa. Giờ đây, ngay cả khi Hoa đang ngọt ngào, nhỏ nhẹ, Thành vẫn cứ phấp phổng, hồi hộp, thậm chí đôi khi... chờ cái giây phút "xẹt lửa" bất thần của vợ...



Ông Tân không biết bao nhiêu lần phải mất mặt với mọi người chỉ bởi thói ăn nói khó nghe của vợ ông
Vợ lỡ lời 2