Chị Lan, vợ của "anh chồng kế hoạch" cho biết, gần 10 năm lấy nhau là ngần ấy thời gian chị tìm cách chữa trị hiếm muộn. Vậy mà lúc nào Nam cũng khẳng định mình hoàn toàn bình thường và "trục trặc có thể từ phía em".
"Nghĩ bệnh nhân không có tinh trùng, chúng tôi dự định sẽ phải sinh thiết... để tìm hiểu xem nguyên nhân thật hư thế nào và đâu là lý do khiến trong tinh dịch không có tinh trùng. Thế nhưng khi mổ ra mới thấy ống dẫn tinh đã bị thắt", Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thành Như, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân (TP HCM) nói.
Chuyện của vợ chồng anh Huy cũng tương tự. Vài tháng trước, bị vợ lôi đến bệnh viện bắt phải khám, "nếu không tôi sẽ tự tử", hết trốn chạy, anh Huy nhà ở Đồng Nai chấp nhận đến bác sĩ dù anh biết rõ mình đã triệt sản từ trước khi lấy vợ.
Đối diện sự thật, người vợ vừa lao vào đấm chồng túi bụi vừa nức nở. "Anh ấy bảo đã tự đi khám và không có vấn đề. Anh ấy nói có thể do tôi không thể đẻ và nằng nặc đòi xin con nuôi. Tin chồng, tôi cố gắng chữa trị nhưng không có kết quả. Nếu không dọa chết để anh ấy chịu cùng tôi đi khám, chắc tôi bị gia đình chồng nặng nhẹ vì không thể sinh được con đến suốt đời", vợ anh Huy cho biết.
Giải thích với vợ, người chồng thừa nhận lúc chưa quen nhau, trong một lần túng tiền, chỉ vì cần vài trăm nghìn đồng nên anh đã đi kế hoạch."Khi ấy, tôi năn nỉ bác sĩ và nói dối rằng nhà khó khăn, không muốn sinh thêm con nữa nên họ đồng ý tiến hành triệt sản. Sau này có vợ, không dám nói ra sự thật và cũng nghĩ triệt rồi thì không thể phục hồi được nên tôi im luôn", anh chồng nói.
Trường hợp của anh Nam, anh Huy, theo Tiến sĩ Nguyễn Thành Như là không hiếm. "Trước đây, gần 10 trường hợp tương tự đã đến gặp tôi để khám và điều trị. Hầu hết các ông đều giấu sự thật trong khi vợ thì lo lắng chữa chạy vì nghĩ chuyện không thể sinh con là do mình", Tiến sĩ Như nói.
Cũng theo bác sĩ Như, nguyên nhân dẫn đến việc vợ tất bật đi chữa vô sinh hóa ra chồng triệt sản mà im bặt. Tất cả thường xuất phát từ việc các ông nghĩ "trót thắt nguồn đạn" rồi thì không thể phục hồi. Song trên thực tế, việc này có thể thực hiện được.
"Nếu biết có thể nối ống dẫn tinh, tôi đã vào bệnh viện làm lại từ lâu, chứ đâu nỡ để vợ phải khổ sở như vậy. Nhìn thấy vợ mình lo lắng, hết chữa lại cầu nguyện, tôi đau khổ lắm nhưng nói ra sợ vợ buồn, vợ bỏ nên đành im luôn", một người ông chồng nói.
Tiến sĩ Như cho biết, trong kế hoạch hóa gia đình, thắt ống dẫn tinh là thủ thuật làm tắc hai đầu ống dẫn tinh bằng cách buộc thắt hoặc đốt điện. Tinh trùng khi ấy không thể chui vào túi tinh được nữa. Các bác sĩ không chạm đến tinh hoàn - nơi sinh tinh, sản xuất testosterone để tạo nên đặc tính và hoạt động sinh dục của nam giới. Chính vì thế các ông vẫn đạt cực cảm và xuất "tinh". Tất nhiên, do không có tinh trùng nên không thể làm vợ thụ thai.
Không giống như suy nghĩ "đã thắt thì không thể phục hồi" của nhiều ông chồng, bác sĩ Như cho biết, người đã thắt ống dẫn tinh vẫn có thể phẫu thuật để "nối lại đường ống".
"Việc phẫu thuật không quá phức tạp và tỷ lệ thành công đạt đến khoảng 90%. Chính vì thế, thay vì ngậm đắng nuốt cay hoặc im ỉm để vợ tốn tiền và thời gian, tâm sức chữa vô sinh, quý ông nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và tìm cách giải quyết", ông Như nói.