Chỉ vì một câu nói nhất thời trong lúc nóng giận, chị Đỗ Thị Thanh Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã đánh mất hạnh phúc của mình. Sau gần 20 năm làm mẹ đơn thân, trong đầu chị vẫn không thôi nghĩ về cuộc hôn nhân ngày ấy.

Từ giận dỗi thành thách đố

“Nghĩ lại chuyện cũ không có nghĩa là muốn quay về, mà tôi chỉ muốn rút ra cho mình bài học từ chính sai lầm của mình trong hôn nhân” - chị Hương bộc bạch.

Vợ sĩ diện cưới nhân tình cho chồng rồi hầu hạ cả hai 1
  

Thanh Hương sinh ra và lớn lên ở Định Quán (Đồng Nai) trong một gia đình nghèo rớt mồng tơi. Năm chị 17 tuổi, ba mẹ chị cứ nơm nớp lo nhà nghèo quá không ai thèm ngó đến con gái nên khi chị ngấp nghé quen anh, gia đình đã thúc cưới. Sau ngày lấy chồng, chị dạy mầm non, anh thì phụ gia đình làm rẫy. Nhờ có khiếu viết lách nên bốn năm sau chị chuyển từ nghề giáo sang viết tiểu thuyết, truyện ngắn. Từ đó nghề viết trở thành thu nhập chính của gia đình chị. Chị bị cuốn vào niềm đam mê sáng tác, nhưng oái oăm, giờ sáng tác lại nhằm vào lúc nửa đêm đến sáng nên chị cứ lấy đêm làm ngày, miệt mài làm việc.

Khi Hương đã có chút tên tuổi trong xã hội, cũng là lúc bạn bè chị thường xuyên nhắc khéo chị nên giữ chồng. Bỏ qua những lời cảnh giác từ bạn bè, chị mải miết lao vào niềm đam mê của mình. Với chị khi đó, những đứa con tinh thần mới thật sự là niềm thăng hoa, là hạnh phúc. Đến một ngày, Hương choáng váng khi chứng kiến cảnh chồng mình đang vai kề vai với một người phụ nữ khác trong quán cà phê. Cơn giận bốc lên đến nghẹt thở, sau vài giây lặng người, chị chợt nghĩ đến vị trí hiện tại của mình, cố kìm nén cơn giận.

Chị bình tĩnh gọi anh ra ngoài nói chuyện. Nhưng đứng trước người chồng phản bội, cơn giận lấn át lý trí, chị đã buông lời mà chẳng kịp nghĩ suy. Chị chua xót: “Tôi bảo anh ấy, anh về nhà đi, nếu anh thương ai hơn em thì dẫn về nhà em sẽ cưới cho anh. Tôi giận mà nói dỗi, không ngờ anh ấy làm thật… Tôi không còn sự lựa chọn nào khác, phóng lao thì phải theo lao”. Một tuần sau, anh dẫn người đàn bà đó về nhà. Hương chết lặng, hơn mười năm gắn bó, tính cách của chị, anh còn lạ gì. Chị vốn đã nói là giữ lời, anh vịn vào câu nói đó đưa chị vào thế kẹt. Hành động của anh như thách đố cái tôi của chị, tự ái lẫn tổn thương và vì cố bảo vệ “chữ tín” của mình, chị im lặng để tình địch sống ngay trong nhà mình.

Mỗi ngày Hương cơm bưng nước rót hầu hạ cả chồng và nhân tình của anh. Thậm chí buổi tối chị còn đưa con gái đi “sơ tán”, nhường chỗ ngủ cho chồng và nhân tình. Chị kể, những ngày ấy không đêm nào chị ngủ được, vừa buồn vừa giận, lại rất đau nhưng vì sĩ diện, ngẫm mình không thực hiện lời nói thì chồng... coi thường nên chị càng tỏ ra lì lợm, “ta đây” với chồng.

Được 15 ngày, nhân tình của chồng bỏ đi, lúc này anh nhắc lại lời nói của chị và yêu cầu chị cưới cô ta cho anh. Chị chìa ra tờ đơn xin ly hôn đã chuẩn bị sẵn, anh không ký. Chị đơn phương nộp đơn xin ly hôn. Anh bỏ đi, vài ba tháng lại về nhà kiếm chuyện quậy phá. Dây dưa hơn hai năm thì tòa xử cho hai người ly hôn.

Hiểu thì đã muộn

Ngày ra tòa, dù không tha thứ được cho người đàn ông phản bội nhưng thâm tâm chị vẫn không muốn gia đình tan vỡ. Chị không muốn con mình chịu cảnh tan đàn sẻ nghé. Chị thầm mong anh giành quyền nuôi con với chị, có như vậy chị sẽ rút lại đơn ngay để cho anh thêm cơ hội. Nhưng tiếc thay, anh chỉ chăm chăm đòi chia tài sản mà chẳng một lời nhắc đến đứa con chung. Đau đớn, tuyệt vọng, chị giấu kín nỗi lòng, chấp nhận ly hôn.

Vợ sĩ diện cưới nhân tình cho chồng rồi hầu hạ cả hai 2
Việc dám nhìn thẳng vào sai lầm của mình trong quá khứ đã giúp chị tự tin hơn trong cuộc sống

Từ ngày không còn có anh bên cạnh, những lúc hụt hẫng chông chênh cần một bờ vai để tựa, chị thường nghĩ về cuộc hôn nhân của mình. Chị tự hỏi lòng, có khi nào chị đã sai lầm, sao chị không giữ lại cha cho con mình. Khi mọi thứ đã lắng lại, chị tự mổ xẻ tìm nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ và nhận ra chính chị đã đẩy anh đến với người đàn bà khác. Một thời gian dài chị lao vào kiếm tiền, quên mất sự hiện diện của anh, quên một người đàn ông vẫn đêm đêm cần có vợ nằm bên cạnh thủ thỉ sẻ chia những vui buồn trong cuộc sống, quên rằng anh cần một vòng tay của người bạn đời. Chị đã miệt mài bên những trang giấy, bỏ anh thui thủi một mình. “Cái gì đến sẽ đến, con gì đói mà chẳng ăn vụng” - chị cười buồn. Chị ngỡ ngàng nhận ra, dường như khi đó anh đang cố tình thử cảm xúc của vợ. Bởi sau khi người phụ nữ kia bỏ đi, anh đã oán trách chị không yêu anh nên mới không hờn ghen, la lối.

Giá như lúc đó chị kịp nhận ra một phần lỗi tại mình. Giá như anh hiểu đấy là một lời hờn dỗi không có ý thách đố để thách thức lại, có lẽ anh chị đã không đến nỗi đường ai nấy đi.

Khi nói ra câu nói đó chị không lường được hết hậu quả, chị không nghĩ đã tự buộc mình vào cái án ly hôn. Vô tình mở đường cho chồng đi đến những điều tối kỵ trong hôn nhân. Chị đã tự nâng cái tôi của mình lên, cố tình “chấp” chồng, dù thực tế chị vẫn muốn anh hạ mình. Khốn khổ là cái tôi của anh cũng lớn nên không ai chịu nhún nhường. Hai cái tôi đều lớn như nhau để sai lầm nối tiếp sai lầm, đến khi muốn dừng lại thì không còn kịp nữa. Hương cười buồn: “Có lẽ ngày ấy tôi chưa đủ chín chắn. Tôi cứ nghĩ mình hơn cô ta mọi mặt, anh ta làm như vậy là xúc phạm mình nên đã để mọi thứ vượt khỏi tầm tay”.