"Thả" mãi vẫn không "đậu"
Khu vực chờ phòng khám và tư vấn hiếm muộn Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày nào cũng đông nghịt người đến khám, tư vấn về vô sinh, hiếm muộn.
Chị Nguyễn Thị Tâm ở Phú Xuyên, Hà Nội là một số người đến khám bệnh. Chị Tâm lấy chồng và sinh con gái đầu lòng năm 25 tuổi, sau 6 tháng chị dính bầu ngoài ý muốn nên phải phá, từ đó chị đặt vòng để kế hoạch.
Giờ con gái chuẩn bị vào lớp một, kinh tế gia đình cũng khá giả vợ chồng chị muốn sinh thêm đứa nữa cho có chị có em. Chị tháo vòng gần một năm, sinh hoạt vợ chồng đều đặn và canh thời điểm trứng rụng nhưng mãi vẫn không có tín hiệu gì, chị rất lo lắng.
Thuyết phục chồng nhiều lần cũng không chịu đi khám cùng, chị đến bệnh viện chuyên khoa khám kiểm tra xem nguyên nhân có phải từ phía mình. Bác sĩ kết luận chị bị vô sinh, nhưng chị không thừa nhận vì cho rằng mình đã sinh con thì không thể bị vô sinh được.
Bác sĩ giải thích, dù đã sinh con nhưng vì một lý do nào đó, có thể do nạo hút thai, sẩy thai, bệnh tình dục… vợ chồng chung sống với nhau không dùng biện pháp tránh thai nào từ một năm trở lên mà không có con thì vẫn coi là vô sinh. Trường hợp này gọi là vô sinh thứ phát.
Từ kết quả chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy ống dẫn chứng bị chít hẹp, chặn đường di chuyển của tinh trùng nên khả năng đậu thai là rất khó.
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, Trưởng phòng khám sản phụ khoa, Trung tâm y tế lao động Thái Hà thì trường hợp như chị Tâm không phải là hiếm. Bác sĩ cũng đã tiếp nhận tư vấn, điều trị cho nhiều bệnh nhân vô sinh thứ phát. Đa số chị em đều đã từng bị sẩy thai, nạo phá thai và có tiền sử viêm nhiễm tử cung.
Đã có con không có nghĩa là không bị vô sinh. Ảnh minh họa
Nhiều nguyên nhân dẫn đến vô sinh
Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nạo phá thai cao hàng đầu thế giới, lứa tuổi vị thành niên chiếm tỷ lệ đáng kể là 20%. Nguy hiểm là nhiều em phá thai khi mới ở tuổi 14 - 15 tuổi trong khi không biết rằng nạo phá thai dễ gây vô sinh, hiếm muộn. Đặc biệt, hiện nay, đa số bạn trẻ hiểu nhầm hút điều hòa không gây tác hại gì nhưng thực chất thì để lại nhiều hậu quả đáng tiếc như viêm, nhiễm nấm, tổn thương vòi trứng. Vì thế, rất nhiều phụ nữ sau vài lần nạo thai đã bị tắc vòi trứng hoặc viêm, dính buồng tử cung làm mất khả năng mang thai.
Bác sĩ Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân như quan hệ tình dục sớm, nạo hút thai, sống không chung thủy, quan hệ tình dục không đúng cách, nghiện máy tính, điện thoại, lạm dụng chất kích thích... đều có thể dẫn đến viêm tắc vòi trứng làm cho tỷ lệ vô sinh thứ phát đang gia tăng nhanh.
Thông thường, phụ nữ dễ bị vô sinh thứ phát hơn nam giới vì sau lần sẩy thai, sinh nở hoăc nạo hút thai gây tổn thương và bộ phận sinh dục nữ dễ bị viêm nhiễm, nhất là các bệnh viêm nhiễm ở tử cung.
Viêm nhiễm đường sinh dục thường mang đến hậu quả là gây tắc hai ống dẫn trứng. Khi ống dẫn trứng bị tắc, đường đi của tinh trùng bị cản lại nên noãn có phóng ra cũng không thể thụ tinh.
Khi tử cung bị viêm nhiễm, lớp niêm mạc phủ bên trong buồng tử cung bị tổn thương không thuận lợi cho việc phôi làm tổ tại đó sau khi được di chuyển vào buồng tử cung. Những trường hợp viêm niêm mạc tử cung không được điều trị dứt điểm để thành mạn tính làm cho lớp niêm mạc này bị tổn hại nhiều hơn, tử cung không còn được niêm mạc bao bọc khiến hai mặc tử cung dính vào nhau, tử cung bị dính, phôi thai không thể làm tổ.
Không nằm ngoại lệ, tỷ lệ vô sinh thứ phát ở nam giới cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.
Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ, Giám đốc Bệnh viên chuyên khoa Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết, vô sinh thứ phát đang trở thành căn bệnh phổ biến, tỷ lệ những cặp vợ chồng vô sinh thứ phát đang ngày càng tăng báo động tình trạng sức khoẻ sinh sản đang ngày càng yếu đi.
Điều đáng lo ngại là vô sinh thứ phát không chỉ xảy ra ở phụ nữ mà có thể gặp ở cả nam giới. Nguyên nhân chủ yếu do nhiễm trùng đường sinh dục, rối loạn chức năng tình dục, bất thường về cơ quan sinh dục, tai nạn vùng sinh dục, va đập, chấn thương tinh hoàn... Nhất là những người có đời sống tình dục không lành mạnh, dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thì càng có nguy cơ cao bị vô sinh thứ phát.
Có nhiều điều cần biết khi đi khám hiếm muộn, bạn nên tham khảo để biết thêm nhé!