Một công ty bảo hiểm ở Úc đang cảnh báo khách du lịch về các hóa đơn y tế cao ngất tại Mỹ sau khi một phụ nữ ở Sydney bị buộc phải trả 2.500 USD (gần 60 triệu đồng) tiền chi phí chữa trị và bị bệnh viện Hawaii làm phiền trong nhiều tháng chỉ vì một vết thương vô cùng nhỏ là "gãy móng tay".

Rachael Minaway, 32 tuổi, và một người bạn hào hứng đến thành phố xinh đẹp Honolulu, tiểu bang Hawaii (Mỹ) để tận hưởng chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, vì quá háo hức được nhìn thấy biển, hai cô gái còn chưa kịp về khách sạn nhận phòng mà lái chiếc xe mới thuê đi thẳng ra bãi biển. Không ngờ lúc đóng cửa xe, Rachael đã bất cẩn để gãy móng tay.

gay-mong-tay-1

Cô nàng Rachael Minaway không ngờ mình lại phải trả số tiền lớn đến vậy chỉ vì gãy móng tay.

Rachael kể với News.com.au: "Khi đó, tôi không nghĩ đó là một vấn đề lớn vì ai cũng từng có lần bị gãy móng mà. Thế nhưng, sau một lúc, ngón tay của tôi bắt đầu tê cứng, chúng tôi nghĩ rằng nên kiểm tra tại trung tâm y tế gần nhất. Chúng tôi đã gõ vào bản đồ từ khóa "trung tâm y tế" bởi tôi đoán ở Hawaii họ gọi bệnh viện như vậy, bản đồ cũng chỉ cho chúng tôi hướng đến phòng cấp cứu gần nhất".

"Lúc đó, tay tôi rất đau và tôi nghĩ bác sĩ sẽ chỉ cho tôi phải làm gì. Chúng tôi chỉ muốn quay trở lại chuyến đi nhanh chóng. Tôi không muốn lãng phí thời gian của bạn tôi chỉ vì chiếc móng tay, điều đó thật ngớ ngẩn".

Tại bệnh viện, bác sĩ khuyên Rachael tốt nhất nên tháo móng tay bằng phương pháp gây tê cục bộ và chỉ mất 30 phút cho thủ thuật này. Trước khi vào xử lý, Rachael còn cười đùa với bạn và nghĩ rằng đây chỉ là một vết thương nhỏ.

gay-mong-tay-3

gay-mong-tay-4

Bác sĩ khuyên Rachael tốt nhất nên tháo móng tay bằng phương pháp gây tê cục bộ và chỉ mất 30 phút.

Rachael kể: "Thật là đau đớn, tôi sợ cảm giác bác sĩ xé toạc chiếc móng của tôi ra. Nhưng chúng tôi đã chụp ảnh và cười, thật lòng tôi không ngờ nó sẽ là vấn đề lớn".

Toàn bộ sự việc diễn ra trong khoảng 30 phút, Rachael đến quầy lễ tân và được "tặng" một hóa đơn khổng lồ khoảng 1.200 USD. Cô bị sốc nhưng vẫn chấp nhận thanh toán vì không còn cách nào khác. Trở về khách sạn, cô chụp ảnh hóa đơn và gửi cho công ty bảo hiểm 1Cover.

Nhưng trong nhiều tháng sau khi trở về nhà ở Sydney, Rachael vẫn nhận được nhiều hóa đơn từ bệnh viện ở Mỹ. Vậy là tổng số tiền cô phải trả lên tới 2.500 USD, tất cả chỉ vì một chiếc móng tay gãy.

gay-mong-tay-5

gay-mong-tay-2

Rachael đã có một trải nghiệm "nhớ đời" khi đến Mỹ.

"Đây là một điều khá khó chịu. Tôi thấy may mắn vì nếu không có bảo hiểm đã mua trước khi đi du lịch, tôi đã mất oan số tiền khá lớn đó", Rachael chia sẻ.

"Tôi từng nghe nói về chi phí y tế đắt đỏ ở Mỹ, nhưng không bao giờ nghĩ hóa đơn viện phí cho một thứ nhỏ như trường hợp của tôi cũng đắt đến vậy", cô nói.

Chuyên gia an toàn du lịch của công ty bảo hiểm 1Cover, Richard Warburton, cho biết những vết thương nhẹ ở Mỹ cũng có chi phí điều trị khá cao. Trường hợp của Rachael "vẫn chưa thấm vào đâu" so với những tình huống anh từng biết. 

Thực tế, công ty của anh từng phải hỗ trợ trả 7.000 USD tiền viện phí cho một du khách bị viêm amidan. Một du khách nôn liên tục trong 24 giờ phải trả hóa đơn 20.000 USD khi ra viện. 

Vậy nên, anh khuyên mọi người nên mua bảo hiểm du lịch khi ra nước ngoài để tránh những khoản phí khổng lồ bất ngờ trong tình huống tai nạn, dù chỉ nhẹ thôi.

(Nguồn: News.com.au)