Gần đây, một người bạn thân của tôi gặp khó khăn. Không phải vì công việc của cô ấy không suôn sẻ, cũng không phải vì không hoà thuận với chồng, mà vì con trai 13 tuổi của cô ấy vốn ngoan ngoãn, học giỏi. Giờ đột nhiên cậu bé thường xuyên trốn học đi chơi điện tử, tập tành hút thuốc và nổi nóng vô cớ với cha mẹ.
Cô bạn thân tôi cho rằng, nguyên nhân khiến con trai thay đổi là do một câu mà cô đã vô tình nói với người thân lúc trước.
Chuyện là cách đây 1 tháng, họ hàng nhà cô tới chơi, thấy cậu bé chăm chỉ học tập dù là ngày cuối tuần nên đã dành lời khen. Thấy vậy, cô bạn thân thản nhiên đáp lại: "Không như cậu nghĩ đâu, thằng bé chỉ bình thường thôi, không được thông minh như các bạn".
Cô bạn tôi vừa nói hết câu thì chiếc bút trong tay con trai cô rơi xuống đất. Cậu bé đứng lên vùng vằng đóng sầm cửa lại. Kể từ đó mối quan hệ giữa cô và con trai trở nên xa cách, không hoà thuận. Cậu bé luôn chống đối, cãi lời mẹ và đua đòi theo nhiều điều xấu.
"Nếu biết một lời nói có thể khiến con thành ra như vậy, tôi đã không bao giờ nói ra", cô bạn thân của tôi tâm sự.
Thiết nghĩ, "nước chảy đá mòn". Sự thay đổi của đứa trẻ không phải do một câu nói nào đó của cha mẹ mà là kết quả của nhiều lần dồn nén tức giận, buồn phiền. Chắc hẳn trước đó, bạn thân tôi không ít lần gây tổn thương cho con bằng những câu nói tưởng chừng vô hại.
Cha mẹ nói những lời vô ý có thể để lại vết thương trong lòng trẻ. Lâu dần, vết thương ngày càng lớn và không thể chữa lành. Và trẻ có thể sẽ dùng hành động tiêu cực để đáp trả lại cha mẹ.
"Không như cậu nghĩ đâu, thằng bé chỉ bình thường thôi, không được thông minh như các bạn". Câu nói này làm tổn thương đứa trẻ rất nhiều. Mặc dù người mẹ nói ra chỉ muốn giữ sự khiêm tốn nhưng đã vô tình phủ nhận năng lực, công sức của con. Đứa trẻ sẽ cảm thấy mặc cảm, tự ti, buồn bã vì bản thân ghi nhận.
Đây là câu nói nhiều cha mẹ sử dụng thường xuyên. Ngoài ra, 5 câu nói của cha mẹ sau đây cũng độc hại không kém.
1. Là anh phải nhường em
Thời thơ ấu của mỗi người đều được cha mẹ giáo dục như vậy. Trong mắt người lớn, ai nhiều tuổi phải nhường người nhỏ tuổi hơn, cho dù người lớn hơn đang bất mãn trong lòng.
Nếu các phụ huynh đang áp dụng phương pháp này để giáo dục con sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy không công bằng. Đứa trẻ lớn hơn sẽ thấy khó hiểu khi vì sao mình luôn là người phải nhường nhịn. Dần dần những đứa trẻ tạo khoảng cách với nhau và với cả gia đình.
Còn đứa trẻ nhỏ hơn thì nghĩ rằng, mình ít tuổi nên nghiễm nhiên nhận được những điều tốt đẹp nhất. Trước lối suy nghĩ như vậy, trẻ dễ trở thành người sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết đến lợi ích của mình khi lớn lên.
2. Nếu con không nghe lời, cha mẹ không cần con nữa
Đây là câu doạ nạt trẻ mà nhiều phụ huynh thường áp dụng khi trẻ hư hay vòi vĩnh điều gì đó.
Trong một quán ăn, trong khi người lớn đang trò chuyện vui vẻ, nâng ly chúc mừng thì những đứa trẻ không chịu ăn, chạy nhảy nô đùa khắp nơi. Điều này khiến bàn ghế xộc xệch, thức ăn vương vãi. Thấy vậy, một trong những người phụ nữ đập bàn lớn tiếng: "Con không nghe lời, mẹ sẽ mang con đi cho người khác".
Sau khi nghe câu nói đó, đứa trẻ im bặt, cúi đầu suốt cả buổi không dám nói. Cuối bữa ăn, đứa trẻ mới ngẩng lên hỏi: "Mẹ ơi, nếu con không nghe lời, mẹ sẽ không cần con nữa ạ?".
Nhiều cha mẹ rất thích dùng câu nói này để doạ con bởi nó mang hiệu quả tức khắc. Trẻ sẽ trở nên ngoan ngoãn, nghe lời. Tuy nhiên, đây là câu nói có tính sát thương cao. Việc dùng tình yêu để ép buộc đứa trẻ phải ngoan ngoãn khiến cả cuộc đời trẻ phải sống trong nỗi lo sợ, bất an. Điều này có thực sự đáng không?
3. Bạn giỏi hơn con nhiều, con có điều gì để tự hào?
Đây là câu nói nhiều cha mẹ thường dùng với mong muốn con sẽ tiến bộ. Nhưng trẻ thì không hiểu được ý nghĩa sâu xa mà chỉ cho rằng cha mẹ đang hạ bệ mình.
Trẻ cảm thấy mình không bằng được "con nhà người ta". Vì thế trẻ luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti, không dám tin vào sự lựa chọn của bản thân.
4. Muốn gì cũng được
Nhiều người nói với con câu này khi cảm thấy bất lực. Khi chia sẻ, hướng dẫn, chỉ bảo tận tình nhưng con không nghe, họ liền ném cho con câu nói này theo thói quen. Hàm ý là con không nghe lời thì con có thể sống theo cách con muốn, làm điều con thích. Con muốn thế nào cũng được, cha mẹ không thèm quan tâm.
Câu nói buột miệng này chỉ khiến trẻ có cảm giác cha mẹ không quan tâm mình nữa. Trẻ sẽ rơi vào tâm lý sợ hãi, lo lắng bị bỏ rơi, từ đó có thể dẫn đến hành động cực đoan.
5. Nếu học không giỏi, con sẽ phải làm ruộng/người quét đường,…
Khi thấy con bị điểm kém hay khi muốn con nỗ lực học tập chăm chỉ, nhiều ông bố bà mẹ thường dùng những câu nói tiêu cực như vậy. Trong thời gian ngắn, câu nói này có thể kích thích trẻ cố gắng vì trẻ muốn chứng tỏ bản thân bằng hành động.
Nhưng nếu phương pháp này tiếp tục được áp dụng sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý trẻ. Trẻ thấy rằng yêu cầu của cha mẹ càng lúc càng cao hơn và dù cố gắng đến đâu, trẻ cũng không bao giờ đáp ứng được mong đợi của cha mẹ. Dần dần trẻ sẽ từ bỏ chính mình.
Nguồn: 163.com