Chiến dịch bầu cử tổng thống của Hàn Quốc đang diễn ra với nhiều vụ việc ầm ĩ và những ứng viên đệ nhất phu nhân cũng không tránh khỏi vòng xoáy của những vụ công kích cá nhân. Điều này hoàn toàn trái ngược với truyền thống trong đó vợ của các nguyên thủ Châu Á có xu hướng "giấu mình" trong các chiến dịch tranh cử của chồng.
Thông thường, những đệ nhất phu nhân chỉ thu hút sự chú ý của công chúng trong các chuyến thăm, các buổi lễ hoặc các sự kiện từ thiện ở cấp nhà nước.Vợ của đương kim Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hiếm khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Ngay cả vợ của cựu Tổng thống Lee Myung-bak - nhân vật vẫn đang chịu án tù 17 năm vì tội tham nhũng - cũng ít khi xuất hiện trước công chúng.
Nhưng câu chuyện về các phu nhân ứng viên tổng thống của Đảng Dân chủ cầm quyền Lee Jae-myung và ứng viên Yoon Seok-youl của Đảng Quyền lực Nhân dân trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 9/3 tới đây lại hoàn toàn khác. Họ đều liên tục vướng vào các vụ scandal khiến cho một số chuyên gia và phương tiện truyền thông tại xứ Kim chi nhận định chiến dịch tranh cử lần này là "cuộc bầu cử dành cho ai bị ghét ít nhất".
Hai ứng viên tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung (trái) và Yoon Seok-youl (phải). Ảnh: SCMP
Chi tiêu cá nhân bằng tiền công quỹ
Cuộc tranh cãi mới nhất xảy ra vào tuần trước khi ông Lee Jae-myung đã phải đứng ra xin lỗi thay cho vợ - bà Kim Hye-kyung - người đang bị cáo buộc sử dụng thẻ tín dụng của chính quyền tỉnh Gyeonggi để chi tiêu cá nhân hồi năm ngoái. Được biết, ông Lee từng là Thống đốc tỉnh Gyeonggi đông dân nhất Hàn Quốc và bà Kim phải đối mặt với cáo buộc sai các nhân viên nhà nước làm việc vặt cho gia đình bà khi chồng bà còn đương nhiệm.
Ông Lee Jae-myung đã đề nghị mở một cuộc kiểm tra về những hành động sai phạm và cam kết chịu trách nhiệm pháp lý nếu những sai phạm này là chính xác. "Tôi, gia đình và các cộng sự sẽ suy nghĩ và hành động cẩn trọng hơn. Một lần nữa, tôi xin lỗi người dân Hàn Quốc", ông Lee phát biểu.
Ứng cử viên tổng thống Hàn Quốc Lee Jae-myung và vợ - bà Kim Hye-kyung. Ảnh: Teller report
Nhưng hành động này chỉ càng làm tăng thêm sự thù ghét của công chúng xứ Kim chi đối với bà Kim Hye-kyung - người trước đó từng đối mặt với cáo buộc là chủ sở hữu của một tài khoản Twitter đăng tải nhiều bài viết bôi nhọ các đối thủ chính trị của chồng mình. Hành động này là vi phạm luật bầu cử và luật vu khống ở Hàn Quốc.
Bản thân ông Lee Jae-myung cũng đang đối mặt với một loạt các cáo buộc, bao gồm việc ông cho phép những kẻ đầu cơ thu được các khoản lợi nhuận kếch xù thông qua một dự án phát triển bất động sản từ thời ông còn là Thống đốc tỉnh Gyeonggi. Đây là một vấn đề đặc biệt nhạy cảm do dư luận Hàn Quốc lo lắng về tình trạng giá nhà tăng phi mã.
Ngay tại thủ đô Seoul, giá nhà đã tăng gấp đôi trong 5 năm qua. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, một căn hộ trung bình tại đây có giá được ước tính tương đương khoảng 18 năm thu nhập của một hộ gia đình Hàn Quốc có thu nhập trung bình. Trong khi vào năm 2017, giá nhà mới tương đương 11 năm thu nhập.
Cựu Thống đốc tỉnh Gyeonggi Lee Jae-myung cũng đang hứng chịu chỉ trích vì đã có những lời nói tục tĩu nhắm vào chị dâu của mình khi giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.
Tin vào những chuyện mê tín dị đoan
Tình trạng đối thủ của ông Lee Jae-myung là cựu công tố viên Yoon Seok-youl cũng không khá hơn.
Ông Yoon Seok-youl - ứng viên nổi trội nhất từ Đảng Quyền lực Nhân dân - cũng đã tạo ra một vụ scandal khi xăm chữ "Vương" bằng tiếng Trung (có nghĩa là "vua") trong lòng bàn tay trái, và được nhìn thấy trong lúc ông phát biểu tranh luận trên truyền hình với các đối thủ cùng đảng.
Hành động xăm chữ lên tay như thế này thường được sinh viên vào mùa thi hoặc những người đi phỏng vấn xin việc áp dụng với mong muốn có được lòng can đảm và nhận được sự phù hộ trên con đường công danh.
Cựu công công tố viên Yoon Seok-youl gây tranh cãi với bàn tay có xăm chữ "Vương" trong buổi tranh luận trên truyền hình. Ảnh: SCMP.
Ông Yoon Seok-youl còn mất lợi thế ban đầu so với ông Lee Jae-myung sau khi vợ ông Yoon là bà Kim Keon-hee vướng vào một số vụ scandal.
Bà Kim Keon-hee bị buộc tội phóng đại trình độ học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp để nhận được công việc giảng dạy. Vợ chồng ông bà Yoon Seok-youl cũng khiến công chúng Hàn Quốc nghi ngại khi phụ thuộc nhiều vào lời khuyên từ các thầy bói.
Sự tin tưởng của bà Kim Keon-hee - vợ ông Yoon Seok-youl - vào lời của thầy bói được đưa ra ánh sáng khi bản ghi âm từ cuộc trò chuyện qua điện thoại kéo dài 7 tiếng với một phóng viên được công khai vào tháng trước.
Khi phóng viên nói với bà Kim Keon-hee về lời khuyên của một thầy bói rằng khu vực nhà khách tại Phủ Tổng thống (Nhà Xanh) nên được dời đi vì vị trí hiện tại của nó sẽ mang lại điều không may mắn, bà Kim đã đồng ý và hứa sẽ di dời nếu ông Yoon Seok-youl đắc cử.
Bà Kim Keon-hee - vợ của ứng viên tổng thống Hàn Quốc Yoon Seok-youl. Ảnh: SCMP
Bà Kim Keon-hee cũng nói trong các đoạn ghi âm tương tự rằng, khả năng thấu thị của bà vượt trội hơn bất kỳ thầy bói nào khác, và ông Yoon Seok-youl cũng có khả năng ngoại cảm, đó là lý do tại sao cặp đôi này lại gắn bó với nhau. “Tôi giỏi hơn hầu hết các thầy bói; bản thân tôi có thể xem bói và tôi biết vợ chồng chúng tôi sẽ đến Nhà Xanh”, bà Kim nói với phóng viên.
Bà Kim Keon-hee thậm chí còn khuyên phóng viên nên nghiên cứu khái niệm chiêm tinh học Trung Quốc bởi vì số phận của một người có thể được xác định bằng ngày, tháng, năm sinh của họ.
Công chúng Hàn Quốc quan tâm mặt tối của các ứng viên
Các nhà phân tích cho biết, sự chú ý ngày càng tăng đối với vợ của các ứng cử viên tổng thống phản ánh việc công chúng Hàn Quốc đang rất quan tâm đến tầm ảnh hưởng của Đệ nhất phu nhân đối với Tổng thống.
Choi Jin - Giám đốc Viện Lãnh đạo Tổng thống có trụ sở tại Seoul - cho biết, trong khi vợ của một chính trị gia được cho là "cái bóng của chồng mình", thì giờ đây mọi người đã nhận ra quyền lực mà các đệ nhất phu nhân có thể sử dụng, đặc biệt là trong các chiến dịch vận động tranh cử và lĩnh vực ngoại giao.
“Trong hoàn cảnh này, việc công chúng nghiên cứu kỹ lưỡng không chỉ các ứng cử viên tổng thống mà cả vợ của họ là nhu cầu cấp thiết hơn trước", ông Choi nói.
Công chúng ngày càng mất lòng tin đối với giới chính trị ở xứ Kim chi trong nhiều năm qua do tình trạng tham nhũng dưới thời các chính quyền tổng thống tiền nhiệm, giá nhà đất tăng vọt và những khó khăn kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Các chính trị gia và người thân của họ được kỳ vọng duy trì một lối sống cá nhân mẫu mực hơn bao giờ hết.
Do đó, ông Choi Jin cho biết, người dân sẽ không quan tâm nhiều tới những quan điểm chính sách khác nhau của các ứng cử viên mà thay vào đó họ đang “thể hiện sự quan tâm sâu sắc những mặt tối của các ứng cử viên”.
Giáo sư báo chí Kang Joon-man của Đại học Chonbuk đã viết trong một cuốn sách được xuất bản gần đây rằng, các cuộc bầu cử sắp tới sẽ xoay quanh việc bầu chọn ra một ứng viên ít bị ghét nhất.
Một cuộc khảo sát ngày 5/2 cho thấy, 50% người dân Hàn Quốc được hỏi nói rằng họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho ông Lee Jae-myung, trong khi 42% cho rằng mình sẽ không ủng hộ ông Yoon Seok-youl. Tuy nhiên, một số cuộc khảo sát khác cho thấy, ông Yoon đang dẫn trước 8% hoặc ngang bằng ông Lee.