Nuôi dạy con cái không hề là việc dễ dàng. Cha mẹ nào cũng luôn làm mọi điều tốt nhất có thể cho con, với những kỹ năng, kinh nghiệm chúng ta có được tại thời điểm đó. Tuy nhiên, hãy cẩn trọng với những gì bạn làm cho con, nó tác động rất nhiều đến quá trình quyết định việc liệu con bạn lớn lên có thể trở thành một người hoàn toàn khỏe mạnh, hạnh phúc và hoàn thiện về mặt nhân cách hay không.

Trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng về mặt nhân cách nhất bởi chúng đang ở trong giai đoạn phát triển nhân cách. Và những người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình và phát triển nhân cách của trẻ không ai khác chính là bố mẹ. Tốt hay xấu thì cách chúng ta đối xử với con ảnh hưởng rất lớn đến nhân cách của trẻ khi lớn lên.

Với 3 kiểu nuôi dạy con này, cha mẹ đang làm hỏng con đấy! - Ảnh 1.

Đang ngày càng nhiều trẻ mắc phải chứng ái kỷ trong xã hội ngày nay (Ảnh minh họa).

Ái kỷ là gì và hội chứng này phát triển như thế nào?

Ái kỷ là một bệnh về rối loạn nhân cách, thể hiện khi đứa trẻ tự cao, ảo tưởng, chỉ biết đến mình, quá yêu bản thân và chẳng cần quan tâm gì đến những thứ diễn ra xung quanh nó. Để thực sự hiểu hội chứng rối loạn nhân cách ái kỷ từ đâu mà có, chúng ta phải nhìn vào quá trình phát triển của trẻ.

Nhà tâm lý học, tác giả, giảng viên và chuyên gia tư vấn về chứng rối loạn ái kỷ người Mỹ Elinor Greenberg cho biết một số kiểu mối quan hệ nhất định giữa bố mẹ và trẻ trong những năm đầu đời có thể dẫn tới chứng rối loạn nhân cách ái kỷ sau này khi trẻ lớn lên. Bà cũng đã chia sẻ về 3 kiểu nuôi dạy con là nguyên nhân phổ biến gây ra hội chứng này.

1. Cha mẹ luôn đặt nặng thành tích của con

Với 3 kiểu nuôi dạy con này, cha mẹ đang làm hỏng con đấy! - Ảnh 2.

Cha mẹ đặt nặng thành tích khiến trẻ luôn chịu áp lực phải thành công và là giỏi nhất (Ảnh minh họa).

Trong trường hợp này, trẻ lớn lên trong một gia đình đề cao sự cạnh tranh và chỉ coi trọng thành tích. Khẩu hiệu của gia đình là không quan tâm nếu con không phải người giỏi nhất.

Tình yêu cũng có điều kiện: khi con giành giải nhất trong một cuộc đua, đạt điểm cao, đạt giải nhất trong các cuộc thi,… con sẽ nhận được vô số những lời khen ngợi và sự quan tâm chú ý. Nhưng nếu con không đạt được những điều đó, thì con là một sự thất vọng đối với gia đình.

Những đứa trẻ trong những gia đình kiểu này thường cảm thấy không được yêu thương thường xuyên. Thật khó để chúng có thể có được bất cứ cái gì mà không có điều kiện. Chúng chỉ cảm thấy an toàn và có giá trị khi chúng thành công và được công nhận là giỏi nhất. Điều này khiến cho chúng trở thành những người luôn mải mê theo đuổi thành công và nhầm tưởng đó là hạnh phúc sau này.

2. Cha mẹ hay chê bai, hạ thấp con

Có một kiểu cha mẹ hống hách và có xu hướng hạ thấp và chê bai con. Họ dễ nổi nóng, tức giận và đặt ra những kì vọng cao một cách vô lý cho con. Và khi con không thể đáp ứng được những kì vọng đó, họ sẽ chê bai con. Nếu có hai con thì những bậc phụ huynh này thường sẽ ca ngợi tâng bốc một đứa và hạ thấp đứa còn lại.

Những đứa trẻ trong những gia đình như vậy thường cảm thấy bị xúc phạm và tự ti. Vì thế, sau này khi lớn lên, chúng lại trở thành những đứa trẻ ái kỷ, luôn cố gắng thu hút sự chú ý và chứng minh với bản thân chúng, với thế giới và với cha mẹ của chúng rằng chúng là nhất, là đặc biệt và bố mẹ đã sai.

3. Cha mẹ coi con là "con vàng con bạc"

Với 3 kiểu nuôi dạy con này, cha mẹ đang làm hỏng con đấy! - Ảnh 3.

Khen ngợi và đề cao trẻ quá mức cần thiết sẽ chỉ khiến cho con ảo tưởng về bản thân (Ảnh minh họa).

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất trong những gia đình Việt hiện nay. Cha mẹ thường hay cho rằng con mình "đặc biệt hơn nhiều những đứa trẻ khác" hay chúng "xứng đáng được những thứ đặc biệt trong đời". Họ luôn khoe khoang và ca ngợi, tâng bốc trên mây về đứa con tài năng và thông minh của họ, thậm chí nhiều lúc đến mức độ lố bịch. Họ khen ngợi con cho tất cả những gì con làm.

Khen ngợi con trẻ là một hành động có lợi khi trẻ làm tốt, tuy nhiên, khen ngợi và đề cao trẻ quá mức cần thiết, sẽ chỉ khiến cho đứa trẻ có những tư duy nhận thức lệch lạc trong tương lai.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường như vậy sẽ bị ảo tưởng về khả năng, về chính bản thân mình. Dần dần chúng sẽ trở nên quá tự hào và yêu bản thân, chỉ biết đến bản thân mình, từ đó dẫn đến rất nhiều hậu quả trong tương lai, có thể kể đến như các vấn đề về tâm lý, về các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là sa vào các tệ nạn xã hội.

Nguồn: popsugar