Tim đóng vai trò quan trọng trong cơ thể, là trung tâm của hệ thống tuần hoàn, ảnh hưởng đến hầu hết các bộ phận. Không được điều trị kịp thời, bệnh tim mạch sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, nghiêm trọng khác như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, trụy mạch… dẫn đến tử vong.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm 2012, đến nửa số ca tử vong do bệnh tim ở Hoa Kỳ xuất phát từ khẩu phần ăn uống không lành mạnh hàng ngày. Cũng theo Hiệp hội, hãy thực hiện chế độ ăn uống "3 tăng 3 giảm" này cũng là một biện pháp phòng ngừa và bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Theo đó, 3 tăng gồm:
1. Tăng trái cây và rau củ quả
Nhóm các loại rau luôn có mặt ở những vị trí quan trọng trong việc điều trị và bồi dưỡng sức khỏe. Có thể kể đến như cải bó xôi, tỏi tây, cần tây và các loại rau khác rất giàu vitamin và cellulose, có thể làm giảm sự hấp thụ cholesterone xấu của cơ thể. Đặc biệt cần tây còn có tác dụng hỗ trợ cơ thể cân bằng huyết áp.
Cà rốt, cà chua hay các loại rau giàu carotene khác giúp giảm xơ cứng động mạch. Hay như trong táo có chất xơ làm giảm hàm lượng lipoprotein xuống mật độ thấp, thúc đẩy sự bài tiết của axit mật. Tóm lại bất kỳ loại thực vật nào cũng đều chứa những dưỡng chất riêng, tác động tích cực đến sức khỏe, chưa kể còn hỗ trợ giảm cân. Vì vậy không được thiếu rau củ trong bữa cơm hàng ngày.
2. Tăng sử dụng ngũ cốc
Ngũ cốc là tên gọi chung của loại thức phẩm được làm từ 5 loại hạt khác nhau. Nó được dân gian và y học hiện đại nghiên cứu, được chứng minh là mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng kể cả người già và trẻ nhỏ. Thông thường ngũ cốc được làm từ 5 loại hạt thông dụng là: Hạt mè, gạo nếp, gạo tẻ, lúa mì và các loại đậu.
Theo các chuyên gia, nên ăn nhiều ngũ cốc hơn với các thành phần như bột mì nguyên chất, bột yến mạch, gạo nâu, lúa mạch, ngô, kiều mạch và kê. Ngũ cốc nguyên hạt không chỉ ngăn cơ thể hấp thụ cholesterone, mà còn giảm triglyceride để không gây hại cho tim.
Đồng thời, nên giảm các loại bánh mì trắng, bánh quế, bánh rán , bánh quy, bánh ngọt, bỏng ngô, thực phẩm phồng… bởi chúng chứa nhiều calo và gây béo phì.
3. Tăng cường ăn nấm
Hiện nay có rất nhiều người trên thế giới thực hiện chế độ ăn nấm thay cho thịt. Được các nhà khoa học coi là "thịt sạch" và "rau sạch", đa số nấm đều giàu các chất dinh dưỡng như cholesterone tốt, protein, chất xơ, vitamin nhóm B, vitamin D hữu cơ… có lợi cho sức khỏe.
Theo khuyến cáo, nên ăn từ 5 – 10gr nấm mỗi ngày bởi trong nấm chứa nhiều chất adenine, tác dụng làm giảm độ nhớt và cholesterone xấu trong máu. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều nấm vượt ngưỡng cho phép là 50gr.
3 giảm bao gồm:
1. Giảm muối
Trong số các chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá nhiều muối vượt tiêu chuẩn cho phép hàng ngày thực sự rất có hại. Đây là nguyên nhân số 1 trong các ca tử vong bởi bệnh tim.
Một số dữ liệu lâm sàng cho thấy chế độ ăn nhiều muối làm tăng huyết áp, cholesterone trong máu và tăng nguy cơ xơ vữa động mạch. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tổng lượng muối dung nạp vào cơ thể tốt nhất là không quá 6gr, bao gồm muối tinh, nước mắm hay các loại muối trong thực phẩm khác. Tốt nhất, hãy thử thay thế muối bằng các gia vị khác như tỏi, gừng và sả.
2. Giảm thịt đóng hộp hoặc đã qua chế biến nhiều lần
Thực phẩm đóng hộp ngày càng được ưa chuộng trong cuộc sống hiện đại vì sự tiện dụng, đa dạng và thơm ngon không thua đồ ăn tươi. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn đằng sau chúng cũng vô cùng lớn.
Theo công bố, đây là nguyên nhân thứ hai gây ra các bệnh liên quan đến tim mạch. Ví dụ như xúc xích, thịt xông khói, dăm-bông đều đã qua xử lý bằng khói, dưa chua, muối... nên chứa rất nhiều natri, nitrat, phốt phát hay các hợp chất hydrocarbon gây nên những tác dụng phụ ảnh hưởng tới tim.
Do đó, mọi người nên hạn chế ăn các loại thịt đã qua chế biến. Hay lượng thịt đỏ chưa qua chế biến như thịt bò, thịt cừu cũng nên ăn có mức độ.
3. Giảm đường
Nghiên cứu chứng minh rằng, nước ngọt xếp thứ sáu trong các loại thực phẩm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Bởi thành phần của chúng có chứa đường kính và fructose lỏng sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Khi cơ thể chứa quá nhiều đường, nó sẽ làm tăng áp lực lên đường tiêu hóa, mạch máu và thận khiến tải trọng tim nặng, tăng huyết áp và gây nên các vấn đề về tim. Ngoài ra, đường có thể tích tụ chất béo và làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch lẫn béo phì.
Theo Sohu