Naiverose có tên đầy đủ là Trần Thị Hồng, đang sinh sống tại TP.HCM. Cô nàng là chủ kênh TikTok cùng tên, chuyên chia sẻ nội dung về tình yêu và tâm lý. Hiện tại cô đang sở hữu 1,3 triệu người theo dõi trên TikTok và 140 nghìn người trên Facebook với rất nhiều clip triệu view.
Ngoài việc làm nội dung trên MXH, Hồng còn nhận tư vấn tâm lý và chia sẻ kỹ năng sống có trả phí theo nhu cầu của mọi người. Ngày càng được tiếp xúc với nhiều nhân vật, nhiều câu chuyện khác nhau, Hồng càng có nhiều trải nghiệm thú vị và chiêm nghiệm ra nhiều điều xoay quanh tình yêu.
Khi nào thì bạn biết mối quan hệ nên chấm dứt?
Học ngành Quan hệ công chúng, điều gì đưa Hồng đến với Tâm lý học?
Ở đại học, điều quan trọng nhất mình học được là cách giao tiếp và đánh giá mọi người, mọi việc. Còn tư vấn tâm lý là cái duyên, từ lúc nhỏ đến giờ, mọi người xung quanh khi gặp chuyện đều kiếm mình để hỏi, kể cả các anh chị lớn hơn nhiều tuổi và ly hôn cũng tìm đến dù mình còn chưa kết hôn.
Mình cũng may mắn được trải nghiệm nhiều môi trường, gặp và tiếp xúc với rất nhiều kiểu người nên được nghe nhiều câu chuyện của người khác thông qua mắt nhìn của họ. Nó giống như người ta đi du lịch rồi miêu tả lại chuyến đi với mình nên mình được nhìn chính khung cảnh mà họ thấy. Nói cách khác, mình trải nghiệm thông qua thế giới quan của người khác. Dần dần, khi tiếp nhận rất nhiều câu chuyện thì mình có kiến thức về tâm lý. Chẳng hạn mình có thể đoán được một người chuẩn bị làm gì thông qua ánh mắt, cử chỉ hoặc cách người ta lo lắng vì 80% mọi người sẽ cư xử giống nhau.
Ngoài ra bạn có tham gia các khóa học hay lớp học nào về Tâm lý học không?
Những thứ mình chia sẻ, mình chưa bao giờ học từ bất cứ thầy cô hay trường lớp nào. Nhưng nếu thật sự tò mò về một vấn đề nào đó mình sẽ tìm mọi cách để tìm hiểu. Ví dụ một người đăng ký tư vấn vì muốn ly thân, mình sẽ đi tìm những người trong cùng tệp này để nói chuyện trước. Sau đó mình nghiên cứu thêm các loại tạp chí khoa học kết hợp thêm quan điểm và kiến thức cá nhân rồi mới đưa lại kết quả cho người ta.
Hồng công khai thông tin trên TikTok là tâm lý học, kỹ năng sống. Bạn có sợ đụng chạm đến những người được đào tạo chính quy trong lĩnh vực này không?
Có chứ. Chắc chắn là có. Rất nhiều người ngoài kia được học hành đàng hoàng, bài bản nhưng có thể vì lý do nào đấy mà họ không công khai tốt như mình còn mình không có bằng cấp, không được cơ sở nào chứng nhận. Tuy nhiên mình chỉ đụng chạm đến người ta khi nói sai còn những điều mình nói ra luôn thuộc phạm trù số đông và được công nhận. Nếu có gì đó còn lấn cấn thì mình sẽ nói dưới ý kiến cá nhân, không nói thay cho cộng đồng. Đây là kim chỉ nam cho hoạt động của mình.
Lên mạng làm nội dung như vậy, điều bạn được và mất là gì?
Đầu tiên là được tiền. Mỗi lần mình tư vấn là 400.000 đồng cho 30 phút gọi điện. Nhưng không phải lúc nào cũng phải chính xác như vậy mà có vài trường hợp đặc biệt như các bạn trầm cảm, mới ly hôn hay mới sảy thai thì mình sẽ không cắt ngang. Vốn dĩ mình làm vì thích, vì cái tâm và đó là những người đang gặp vấn đề thật sự nên mới có những lần cuộc nói chuyện kéo dài từ 8h - 11h đêm. Ngược lại, cũng có người đòi chi hơn 19 triệu “mua” nguyên 1 ngày của mình để nói chuyện hay có người u mê trong tình cảm quá, book mình đến 20 lần tư vấn. Vậy nên tiền từ công việc này thì không kiếm được nhiều đâu nhưng có thể nói là có tiền.
Thứ 2 là có danh vọng và sự yêu quý của mọi người. Mình được các nhãn hàng tìm đến, mời quảng cáo hay sự kiện và rất nhiều người muốn gặp mình, trong đó có nhiều người có vị thế cao hơn mình. Đơn giản hơn là mình được mọi người nhận ra, dành tặng chai nước hay cây kem khi đang đi ngoài đường. Những cái được nhỏ thôi nhưng rất đáng quý.
Tuy nhiên mình cũng bị mất nhiều cái. Ở thời điểm mình có một clip viral khủng khiếp, tăng 70.000 người theo dõi trong nửa đêm thì hình ảnh của mình bị lợi dụng liền. Đợt đó rất nhiều fan nhắn tin hỏi mình: “Ủa Hồng, em bán thuốc trị hôi nách hả?”. Rồi chưa kể người ta còn lấy ảnh của mình để bán các sản phẩm liên quan đến tình dục. Lúc đó mình nhận ra đã mất đi sự riêng tư về hình ảnh. Hơn nữa khi người ta bán một sản phẩm không tốt mà fan mua vì thấy có hình mình trên đó thì hình ảnh của mình vô tình thành mũi dao đâm vào người khác.
Một điều nữa mà mình mất là các mối quan hệ, chủ yếu là bạn bè đồng trang lứa. Trước đây mình hòa vào giữa cộng đồng, mọi người thoải mái khi ở cạnh mình còn bây giờ người ta thấy không thoải mái nữa, thấy e dè khi nói về mình với người khác. Mình cũng bị đánh giá nhiều hơn, bị soi mói cuộc sống riêng tư, bị làm phiền, bị gọi điện quấy rối,...
Hay nói chuyện về tình yêu, về tâm lý,... thì Hồng có phải là người yêu nhiều không?
Có. Mình yêu nhiều và luôn là người yêu nhiều hơn trong mối quan hệ. Mình cho người ta biết là mình yêu họ rất nhiều. Khi đối phương biết như vậy họ cũng sẽ ngại làm mình tổn thương.
Nhưng người ta thường bảo ai yêu nhiều hơn thì thiệt. Bạn có sợ bị thiệt không?
Không. Ai mà nghĩ yêu nhiều là thiệt thòi thì các bạn chỉ đang nghĩ cho bản thân. Mình yêu nhiều vì nghĩ người ta xứng đáng được như vậy. Khi nào bị thiệt thòi mình mới tính tiếp, chuyện gì cũng có cách giải quyết cả.
Ngày càng có nhiều người trẻ chọn độc thân nhỉ? Tình trạng này xuất phát từ đâu?
Nước ta hiện đang nằm trong nhóm đang phát triển nên nhìn các nước phát triển thì sẽ thấy hình ảnh của mình trong tương lai. Người ta có thể chọn độc thân vì sợ không lo được cho đối phương, vì công việc vất vả hoặc là vì cảm thấy vui vẻ khi sống một mình tận hưởng hết cuộc đời, không phải vướng bận nhiều thứ khác.
Thứ hai là sự tồn tại của những định kiến xã hội như phụ nữ phải thế này và nam giới phải thế kia. Nhiều bạn vin vào đó để tuyên bố không thích cưới.
Thứ ba là các bạn trẻ thích làm khác đi, thích mới lạ, thích theo số đông nữa. Việc những nội dung độc thân rất hạnh phúc này nọ được lan truyền, khiến họ chọn độc thân. Chưa kể kết hôn còn có những lo lắng về kinh tế như tiền nuôi con, tiền nhà cửa, tiền sinh hoạt,... Khi áp lực quá lớn thì khiến mình vui vẻ đã khó rồi chứ đừng nói tới việc phải lập gia đình, lo lắng cho con cái.
“Bao giờ cưới?” cũng là câu hỏi khiến nhiều người trẻ áp lực. Kết hôn sớm có lợi và không có lợi gì mà người ta cứ giục mình vậy?
Kết hôn sớm (trong đúng độ tuổi được pháp luật quy định) trước hết có lợi về mặt sinh lý. Phụ nữ sinh sớm thì khỏe sớm, đẹp sớm nhưng cũng sẽ mất thanh xuân sớm. Sau này con cái lớn, hai vợ chồng tầm 30 - 40 tuổi đã có thể đi du lịch với nhau rồi. Đấy là một tính toán lâu dài nếu như chọn đúng người.
Nhưng cưới sớm cũng có những cái hại, đó là cảm giác mình thiếu cái gì đó, mình chưa đủ trải nghiệm nên tò mò. Ví dụ một bạn nữ cưới sớm có thể chưa từng chưa kịp mặc một bộ bikini xinh đẹp thì đã sinh con. Ai cũng biết lúc sinh con rồi thì vóc dáng, vòng 2 khó mà đẹp như trước kia nữa, đó là cái thiếu của bạn ấy. Hơn nữa vì có con rồi nên nhiều người ít dám mua những thứ mình thích mà tập trung vào gia đình, con cái.
Sự tò mò này cũng khiến nhiều người ngoại tình nên khi tư vấn tiền hôn nhân, mình thường hỏi “Dạo này bạn có thích gì không? Nếu có thì bạn thỏa mãn bằng tiền của bản thân hay người yêu?”. Nếu bạn trả lời không thích gì cả, chỉ nghĩ đến đám cưới thì chúc mừng vì bạn cưới đúng lúc đúng người rồi. Còn bạn bắt đầu luyên thuyên về những cái bạn thích thì mình sẽ kêu không cưới nữa.
Vậy có phải cái giá của việc kết hôn sớm mà chưa gặp đúng người sẽ gây ra 1 đời lơ lửng không?
Không. Mình thấy quan điểm này sai ở chỗ “chưa gặp được đúng người”. Thế nào là đúng người? Theo mình, người hiện tại sẽ luôn luôn là người đúng nhất. Phải có nguyên nhân gì đấy thì người ta mới ở đây, đến cạnh mình nên sẽ luôn đúng người còn đúng thời điểm hay không thì tùy.
Kết hôn sớm mà chưa gặp được đúng người thật ra là kết hôn sớm và đã gặp được đúng người nhưng sau một thời gian đi chung với nhau thì không đúng nữa. Cái lơ lửng này cũng không phải một đời, chỉ mới một đoạn đường đời mà thôi.
Trong ngần đấy thời gian đi tư vấn cho người khác, có trường hợp nào mà Hồng nghĩ sẽ không bao giờ quên không?
Đó là tình huống khiến mình phải thay đổi cái nhìn về phụ nữ. Chuyện là có bạn nam và bạn nữ (tạm gọi là nữ A) đã yêu nhau khá lâu. Gia đình 2 bên biết chuyện và hoàn toàn ủng hộ nên cả 2 đã dạm ngõ nhưng bạn A phải đi học thạc sĩ một thời gian nên dự định sẽ cưới sau khi học xong.
Suốt thời gian yêu xa, mối quan hệ của đôi bên rất bình thường, bạn nam quan tâm, lo lắng cả tinh thần lẫn vật chất cho bạn A. Nhưng ở nhà bạn nam lại dùng app hẹn hò và qua lại với một bạn nữ khác (tạm gọi là nữ B). Bạn B không biết bạn nam có vợ sắp cưới nên làm tới, thoải mái hứa hẹn và nói chuyện yêu đương ngọt ngào. Trong thời gian này, bạn nam không để lại bất cứ điều gì chứng minh mối quan hệ với B, đi ăn đi chơi nhưng ngay cả một tấm hình chụp chung cũng không có.
Khoảng 1 tháng sau, bạn nam đột ngột biến mất. Bạn B cuống lên đi tìm và ngã ngửa khi thấy anh chàng đang chuẩn bị cưới xin. Lúc này B liên hệ, muốn mình chỉ cách phá đám cặp đôi sắp cưới kia. Đang yên đang lành bỗng dưng được người thứ 3 nhờ tư vấn cách phá đám người khác vậy đó.
Mình mắng B trước và chỉ ra cái sai của bạn như đã đi quá nhanh trong một mối quan hệ, không biết tự bảo vệ bản thân, quá tin người. Về bản chất, B không là cái gì trong lòng của bạn nam hết. Bạn ấy tức tối, muốn phá đám vì đã trót yêu còn bạn nam thì không. Lúc này B có phá thì cũng không lấy lại được chàng trai mà bạn ấy muốn. Đó là chưa kể đến trường hợp rủi ro cho B khi gia đình bạn nữ A không quan tâm, có thể khinh rẻ hay chửi mắng B.
Dù nghe phân tích nhưng 2 ngày sau B vẫn gọi điện cho A để hẹn gặp và khoe với mình như một chiến tích. Lúc này mối nguy hiểm với B đến từ bạn nam vì B muốn phá đi mọi thứ anh ta có. Mình tiếp tục khuyên B nên dừng lại, nhắn tin xin lỗi A và khẳng định chỉ thông báo vì A cũng nên được biết. Cuối cùng cả A và B không gặp, hình như đám cưới cũng bị hủy bỏ.
Mình là phụ nữ và đang làm kênh cho các bạn nam nghe nhiều hơn nhưng mình vẫn luôn bênh phụ nữ. Cho tới trường hợp này thì mình thấy một người phụ nữ hiếu thắng, có thể đạp đổ một người phụ nữ khác vì lợi ích của mình. Từ đó trở đi mình khách quan hơn, nhìn nhận câu chuyện từ hai phía.
Nhân câu chuyện này, bạn nghĩ sao về FWB (Friends with benefits - bạn trên giường), ONS (One night stand - tình một đêm)?
Trên quan điểm cá nhân, mình không thích và không thấy nó hợp lý nên không đồng tình.
Nhưng có vẻ như ngày càng nhiều người trẻ coi đây là mối quan hệ bình thường? Tại sao lại vậy?
Mình nghĩ có nhiều lý do. Thứ nhất là không bị ràng buộc. Thứ hai là được đổi mới liên tục. Thứ ba là được giải tỏa cảm xúc và áp lực. Thứ 4 là suy nghĩ “Trước khi mà đưa ra một quyết định lâu dài, ràng buộc thì tại sao mình không thử quyết định ngắn ngày?”. Và cuối cùng là nhiều người dùng mối quan hệ này để trốn tránh trách nhiệm.
Hệ luỵ tâm lý mà FWB hay ONS có thể để lại là gì? Nhất là với con gái?
Theo mình, hệ lụy tinh thần lớn nhất là các bạn bắt đầu xem nhẹ việc nên yêu một người thế nào, xem nhẹ tình cảm giữa người với người. Bạn nam có thể nhìn tất cả phụ nữ ngoài kia bằng suy nghĩ rằng có thể làm như vậy với họ. Bạn ấy cũng khó yêu ai nữa vì nghĩ phụ nữ quá dễ dãi. Thậm chí khi đã yêu ai đó rồi họ vẫn nghi ngờ về quá khứ của đối phương. Đây là tình huống thực tế mà mình đã gặp.
Với các bạn nữ thì vấn đề còn trầm trọng hơn vì văn hóa truyền thống vẫn có cái nhìn khắt khe hơn với phụ nữ. Nhiều người đàn ông luôn muốn cưới một người phụ nữ sạch sẽ. Một khi bạn nữ không đáp ứng được điều này, họ sẽ có 2 trạng thái, hoặc là rụt rè và cố gắng giấu nhẹm đi, hoặc là nói thẳng mọi chuyện. Từ giây phút biết chuyện, dù đối phương có yêu bạn thế nào đi chăng nữa thì sâu thẳm trong lòng họ đã có suy nghĩ khác. Có thể họ không nói ra bằng lời mà có những cách thể hiện khác nhau hoặc nói với bạn bè của họ. Vì vậy đánh giá khách quan từ vị trí một người quan sát thì FWB hay ONS sẽ sai với người đàn ông tiếp theo quen bạn nữ.
Vậy nếu biết người yêu/bạn đời từng trải qua FWB hay ONS thì mình nên làm gì?
Mình đã từng đem câu này đi hỏi rất nhiều người vì tò mò. Mình nhận thấy nhiều bạn nữ khi biết chuyện thì hoàn toàn có thể bỏ qua, miễn là bạn nam vẫn chung thủy. Nhưng với bạn nam, họ thường đem ra dày vò bạn nữ vào một lúc nào đó, có thể sớm có thể muộn như 1 đêm say vào khoảng 20 năm sau.
Sự khác biệt này là do đâu? Có phải do đàn ông để bụng hơn, dễ tự ái hơn?
Cái này thuộc về tính sở hữu cao của phái mạnh. Ở nhiều loài động vật, con đầu đàn là con đực và muốn những thứ của mình sẽ mãi mãi thuộc về mình. Nhưng tự nhiên nó biết một con cái của nó từng của con đực khác thì có dễ chấp nhận không? Đã thế con cái này còn chủ động lựa chọn việc đó thì câu chuyện càng đi xa hơn.
“Giới trẻ bây giờ yếu ớt nên mới nhiều vấn đề tâm lý” - Bạn nghĩ thế nào về câu nói này?
Mình thấy có đúng có sai nhưng phần sai nhiều hơn. Giới trẻ bây giờ không yếu ớt mà tác động xung quanh khiến họ cảm thấy yếu ớt. Họ được tự do thể hiện cái họ nghĩ còn ngày trước thì mình không dám nói. Cái sai ở đây là trước đây cảm thấy 10 thì nói 10 còn bây giờ cảm thấy 10 thì có thể nói lên 15, 20, thậm chí là 100. Tác hại của việc được nói là các bạn hay nói quá lên, thích tỏ ra trầm trọng. Mọi người xung quanh dựa vào đây để nói giới trẻ yếu ớt mà không biết xã hội bây giờ vận hành như vậy.
Ngoài ra những bạn không có vấn đề nhưng thấy ai cũng bảo có vấn đề thì tưởng tượng ra mình có vấn đề thật. Đó là theo hiệu ứng số đông và họ là những người yếu ớt thật sự vì không biết mình muốn gì.
Một clip về cuộc sống hiện đại rất viral của Naiverose
Song họ cũng ngày càng quan tâm về các vấn đề tâm lý, sức khỏe tâm thần?
Đúng. Ngày nay việc tự yêu bản thân được đề cao hơn, các bạn chú ý tới sự tích cực, tinh thần, những thứ đem lại cảm giác vui vẻ và cũng có thể mọi người xung quanh nói làm vậy sẽ vui nên họ làm theo.
Có ranh giới nào ở giữa yêu bản thân ở mức vừa đủ và mức ái kỷ không? Làm sao để người ta dừng ở mức đủ?
Mình nghĩ trên cái ranh giới đó nó ghi chữ ích kỷ. Có nghĩa là bạn yêu thương bản thân thế nào cũng được, đừng ích kỷ với người xung quanh là được. Nếu yêu bản thân mà ảnh hưởng xấu tới người khác thì nó thành ái kỷ và gây hại cho cộng đồng. Nếu yêu bản thân, giúp những người xung quanh cũng yêu bản thân thì lại là chuyện tốt.
Cảm ơn Hồng vì những chia sẻ!