Nghỉ lễ 2/9, gia đình Thảo vốn định về ngoại chơi vì đợt 30/4 đã "đóng quân" ở nhà nội. Thế nhưng chưa kịp thông báo với ông bà thì mẹ chồng cô đã gọi điện lên bảo rằng: "Ông ốm nên mong con cháu về thăm đấy". Bà đã nói thế không lẽ cô lại một mực không đồng ý cho được. Thế là cả nhà lại rồng rắn kéo nhau về nội.
Vừa về đến nhà, chưa kịp hoàn hồn sau 2 tiếng chen chúc trên xe khách, Thảo đã nghe tiếng mẹ chồng đon đả: "Các con về rồi à, vào nhà tắm rửa tay chân mặt mũi đi. Tiện thể xem bố mẹ vừa sửa sang lại cái nhà tắm có đẹp không. Ôi dào! Bố mày cứ bảo sắp chết đến nơi rồi, tắm đâu chả được. Nhưng mà mẹ không đồng ý, mẹ bảo, mình làm còn để con cái lâu lâu về dùng nữa chứ. Với lại cứ làm đi rồi con nó cho chứ có phải vay mượn gì ai đâu."
Thảo nghe xong mà mặt méo xệch bởi cái điệp khúc "con nó cho" cô đã nghe quá nhiều lần từ mẹ chồng rồi. Thấy bà nói thế cô cũng chỉ biết cười gượng rồi đi vào rửa ráy. Ai ngờ bà vẫn đi theo phía sau cười cười nói nói: "Đẹp không con? 20 triệu cả thảy đấy. Bố mày cứ lo không có tiền. Già như bố mẹ thì tiền con cái cho chứ tiền đâu ra nữa". Nghe đến đây Thảo không nén nổi tiếng thở dài mà đáp lại: "Vâng ạ". Thế là lại đi tong 20 triệu rồi.
(Ảnh minh họa)
Gia đình chồng Thảo ngày xưa vốn khá nghèo khó. Vì vậy để nuôi được chồng cô học đại học rồi học thêm này nọ với đủ bằng cấp như bây giờ quả là điều không dễ dàng gì. Cho nên mẹ chồng cô luôn miệng nói rằng ông bà hi sinh cả đời để con cháu được sung sướng như bây giờ. Ai cũng biết rõ điều đó nhưng việc bà cứ nhắc đi nhắc lại như vậy khiến mọi người đều cảm thấy không thoải mái.
Cả hai vợ chồng Thảo đều có thu nhập ổn định, lương thưởng cũng khá. Nhưng vợ chồng mới cưới được dăm năm, lại thêm con nhỏ nên giờ họ vẫn đang ở nhà thuê và phải ki cóp dành dụm để mua nhà. Dù vất vả là nhưng hàng tháng họ vẫn gửi biếu ông bà 3 triệu để mua thức ăn. Đó là thỏa thuận của vợ chồng cô từ trước khi cưới vì ông bà chỉ có mình anh, lại là nông dân, không có lương hưu và bản thân Thảo cũng thấy đó là việc nên làm.
Tuy nhiên, có vẻ như với mẹ chồng Thảo, số tiền đó là chưa đủ. Cứ dăm bữa nửa tháng bà lại gọi lên cho chồng cô để xin tiền. Có khi là "Bố mày đau răng mấy hôm nay, tao bảo đi làm lại mà ăn uống cho tử tế chứ còn sống mấy nỗi nữa đâu. Không có tiền thì con cái nó cho chứ lo gì", lại có lúc "Hôm nay bác Hoa hàng xóm bảo già rồi bảo con nó mua cho cái xe đạp điện mà đi chứ cứ lọc cọc xe đạp mãi làm gì cho khổ, bác ấy nói cũng hợp lý nhỉ?" Mỗi lần như thế là một lý do khác nhau để vợ chồng cô phải gửi tiền về. Nhưng số tiền có làm đúng như những gì mẹ chồng cô nói hay không lại là chuyện khác.
(Ảnh minh họa)
Nhiều khi tiền vừa gửi tiết kiệm hôm trước thì hôm sau đã phải đi rút về cho mẹ chồng nên Thảo không khỏi khó chịu:
- Rõ ràng biết vợ chồng mình còn đi ở nhà thuê mà sao mẹ anh không thương xót gì con cái hết vậy? Cứ kiểu tiết kiệm như thế này thì bao giờ mới có thể mua nhà được?
- Thôi em ạ! Bố mẹ cũng có tuổi rồi, mình chịu khó chiều một chút. Vợ chồng mình còn trẻ, còn phấn đấu về lâu về dài. - chồng Thảo biết cô ấm ức nhưng cũng chẳng thể chối mẹ được nên đành xoa dịu vợ.
Chiều hôm đó, Thảo dắt con sang nhà hàng xóm chơi, vừa chào hỏi vì mới về lại để cho con ăn luôn. Nói chuyện một hồi, bác hàng xóm cứ tấm tắc khen vợ chồng tôi hiếu thuận, chăm lo chu đáo cho ông bà nội. Không chỉ có thế, bác ấy còn bảo thêm: "Mẹ chồng cháu còn bảo, hi sinh cả đời người để nuôi được thằng con trai ăn học thành tài mà bây giờ nó lấy vợ rồi, con dâu hưởng hết. Nên tôi phải vớt vát chút ít chứ không lẽ chịu khổ bao nhiêu năm để con người ta hưởng sung sướng à? Mà chắc mẹ cháu nói đùa chứ có con dâu biết điều như thế này thì còn lo gì nữa."
Nghe xong đến đây Thảo bất ngờ đến thất vọng. Trước đây cô cứ nghĩ mẹ chồng cô chỉ là người ỷ lại con cái nhưng giờ thì biết bà còn nhỏ nhen, tính toán như vậy. Hóa ra bà sợ con dâu hưởng hết lộc của con trai nên bao lâu nay bà mới làm thế. Chút cảm tình với mẹ chồng trong cô bỗng nhiên bay biến hết, chỉ còn lại là ác cảm và chán nản.
Đến bữa cơm tối, nhìn mẹ chồng say sưa kể về những dự định của mình mà Thảo chỉ muốn dừng bữa và nói thẳng những ấm ức bấy lâu nay trong lòng. Cô cũng không biết mình có nên nói chuyện với chồng về những gì đã nghe được, bàn bạc lại việc chi tiêu và gửi tiền cho bố mẹ chồng hay không. Nhưng cứ cái đà này, không biết phải bao nhiêu tiền mới đủ để trả hết nợ cho mẹ chồng vì đã nuôi chồng cô đây?