Sau 2 ngày tiêm filler, nữ bệnh nhân xuất hiện khối sưng, nóng, đỏ, đau vùng mông, kèm các dấu hiệu nhiễm trùng, sốt.

Chị đã tự sử dụng thuốc kháng sinh và hạ sốt tại nhà nhưng không thuyên giảm, vùng mông chảy dịch nên đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Vòng 3 chảy mủ sau tiêm filler- Ảnh 1.

Bệnh nhân có nhiều ổ áp xe sau khi tiêm filler nâng cấp "vòng 3". Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Biến chứng sau tiêm filler của người quen

Bệnh nhân cho biết chị xuất hiện các dấu hiệu bất thường cách đây 3 tuần sau tiêm filler tại một cơ sở của người quen. Chị cũng không biết mình được tiêm loại thuốc gì, nguồn gốc ở đâu.

Bác sĩ Tạ Thị Hà Phương, Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu Trung ương), cho biết chẩn đoán người bệnh bị biến chứng nhiễm trùng sau tiêm filler do kỹ thuật không bảo đảm vô trùng và sử dụng sản phẩm không an toàn.

Bệnh nhân được phẫu thuật chích rạch áp xe, điều trị kháng sinh toàn thân và chăm sóc tại chỗ cùng hỗ trợ tâm lý. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp những di chứng về thể chất hoặc tinh thần.

Theo bác sĩ Phương, tiêm filler là thủ thuật đưa hợp chất có tác dụng làm đầy tự nhiên đến vị trí tại các nếp gấp và mô trên khuôn mặt để làm giảm sự hiện diện của nếp nhăn, giúp da căng mịn.

Tiêm filler chỉ thực sự an toàn và hiệu quả khi được thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn. Kể cả các loại filler được Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc Mỹ cấp phép vẫn có tỉ lệ biến chứng nhất định, phần lớn ở mức độ nhẹ như: Bầm tím, ban đỏ, nóng rát tại chỗ...

Tuy nhiên, filler vẫn là chất lạ đối với cơ thể, nếu bị lợi dụng hoặc thực hiện bởi người thiếu chuyên môn thì có thể gặp những biến chứng khó lường: Nhiễm trùng, áp xe, tắc mạch, hoại tử.

Người dân nên chọn những cơ sở uy tín, chuyên môn cao, đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.