Liên quan đến vụ 2 học sinh lớp 9 (trường THCS Liên Bão) tử vong được tìm thấy tại khu vực cầu Kinh Dương Vương, tối ngày 14/5, trên mạng xã hội bất ngờ lan truyền hình ảnh những dòng tin nhắn được cho là của 2 nữ sinh này.

Vụ 2 nữ sinh lớp 9 nhảy cầu tự tử ở Bắc Ninh: Thật sự đây là một điều rất đáng tiếc - Ảnh 1.

Thi thể của 2 nữ sinh được tìm thấy vào chiều ngày 14/5

Theo đó, nội dung tin nhắn nói về việc rủ nhau đi tự tử, bàn trước xem nên nhảy tự tử ở đâu khiến cư dân mạng bàng hoàng, xót xa. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao giới trẻ ngày nay lại có những suy nghĩ bồng bột lựa chọn cái chết?

Nhìn nhận vụ việc trên dưới góc độ tâm lý, Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà cho rằng, nhận thức của các em học sinh lớp 9 vẫn còn rất non nớt và cảm xúc của các em ở độ tuổi này thường rất hay bùng nổ mạnh mẽ.

Khi thất vọng một điều gì đó các em sẽ buồn hoặc thất vọng điều gì đó mà không giải quyết được thì các em sẽ có những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, tiêu cực nhất là lựa chọn cái chết. Khi đó, các em cho rằng lựa chọn cái chết để đỡ phải giải quyết vấn đề. Suy nghĩ của các em rất đơn giản và cảm xúc tiêu cực thường dẫn tới các tình huống như vậy.

"Hành vi tự tử ở lứa tuổi vị thành niên là quyết định rất bồng bột. Bởi ở độ tuổi này, các em không thể lường trước được cái chết và thậm chí chỉ nghĩ cái chết là dừng lại chứ không hiểu ý nghĩa thật sự của cái chết là gì mà đã vội vàng hành động như vậy, thật sự đây là một điều rất đáng tiếc", bà Hà nói.

Nguyên nhân thúc đẩy trẻ vị thành niên tìm đến cái chết

Theo Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà, ở lứa tuổi vị thành niên, các bạn trẻ thường hay gặp những vấn đề liên quan đến gia đình, bạn bè, học tập, tình yêu… mà không thể giải quyết được sẽ sinh ra nhiều cảm xúc tiêu cực. Các cảm xúc tiêu cực chính là nguyên nhân sinh ra nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, ở lứa tuổi này các em thường đang xác định cái tôi của mình, vì vậy sẽ có những cái hành động như chống đối, không nghe theo lời người khác.

Đối với những bạn trẻ thường hay bị đánh giá, chỉ trích bởi những người xung quanh sẽ cảm thấy rất đau khổ vì không được phát triển theo đúng bản thân của mình. Khi cảm xúc đó không được giãi bày, không được chia sẻ, không được trao đổi và các em không được hướng dẫn các kĩ năng giải quyết vấn đề thì dẫn đến việc buồn chán lâu ngày rồi dần dần mất động lực, mất niềm tin vào cuộc sống.

Khi đó, các em sẽ cảm thấy khó chịu, cáu gắt khi làm việc, học tập hay giao tiếp với mọi người. Dẫn tới việc không có ai ủng hộ hay chia sẻ với các em. Đến một lúc nào đó các em sẽ cảm thấy không chịu được và cứ suy nghĩ mãi, suy nghĩ rất nhiều về chuyện đấy. Lúc này, bản thân các em có quá nhiều thất vọng, cảm thấy không có gì trong tương lai rồi nghĩ đến chuyện tự sát hay dừng cuộc sống lại.

Chính vì vậy, khi các em bước vào lứa tuổi vị thành niên, cha mẹ nên quan tâm, chia sẻ nhiều hơn với con cái. Cho dù các em có những cái phản ứng nổi loạn, chống đối lại thì phụ huynh phải bình tĩnh. Đến một thời điểm nào đó hãy trao đổi, tìm hiểu và chia sẻ với các con để có thể biết và giúp đỡ các con giải tỏa những vấn đề đang gặp phải.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên quan tâm hơn đến con cái, tâm sự cùng con để xem con có gặp vấn đề nào không. Khi phát hiện con gặp vấn đề, cha mẹ có thể kịp thời đưa ra những giải pháp giúp con vượt qua những khó khăn.

"Đối với các bạn trẻ, nên tìm những người mà mình có thể tin tưởng hoặc một nhà tâm lý để chia sẻ, giãi bày, đừng chịu đựng một mình. Khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng quá hãy ngừng lại để nghỉ ngơi một vài ngày. Khi nghỉ ngơi thì các bạn sẽ có cách nhìn nhận vấn đề khác đi", Thạc sỹ tâm lý Vũ Thu Hà đưa ra lời khuyên.