Tôi vừa đọc hết cuốn Ngày của kiến (của Bernard Werber, nhà văn trẻ người Pháp, đã được dịch ra 22 ngôn ngữ, được đưa vào chương trình giảng dạy tại một số bậc học phổ thông Pháp về ngôn ngữ, triết học và thậm chí cả… toán học). Những gì trong đó cộng với tình hình thời sự nóng rực trong tuần khiến tôi thật sự muốn so sánh cách con người chúng ta và cách mà loài kiến đối thoại. Dường như chúng ta thua loài kiến quá xa.
Vụ 6700 cây xanh ở Hà Nội, theo tôi, là một ví dụ điển hình cho việc không có đối thoại-chưa nói đến đối thoại thất bại-giữa những người có trách nhiệm ở UBND TP Hà Nội và người dân nói chung. Đây hoàn toàn không phải là một quyết định bất ngờ của thành phố Hà Nội: nó đã được bắt đầu từ một năm trước và có mặt trong kế hoạch của ngành, được công bố trên trang web của sở. Tôi muốn tin rằng kết quả khảo sát chất lượng cây cần thay thế và cây được thay thế cũng như chi phí của công việc này đã được các nhà chuyên môn nghiên cứu và phê duyệt trước khi thực hiện, vì một dự án muốn được duyệt thì phải tuân thủ các nguyên tắc đó. Vậy thì tại sao dự án đã duyệt xong mà mãi đến bây giờ dư luận mới ầm ầm lên nghiêng trời lệch đất?
Theo tôi, đây là nguyên nhân: được triển khai trên giấy xong đâu đấy rất lâu rồi, nhưng khi các cây to bắt đầu được chặt hạ cùng lúc ở các con đường trong kế hoạch thì người dân và báo chí mới biết.
Điều đó nghĩa là giai đoạn đầu tiên và bắt buộc của một quá trình đối thoại -cung cấp thông tin đầy đủ và minh bạch, công bố rộng rãi cho người dân sở tại biết-đã bị bỏ qua. Tiếp đó, khi dư luận vừa mới chớm nóng lên, thay vì nhất thiết phải quay lại làm rõ thông tin thì lại nhận được những phát ngôn như đem dầu dập lửa bằng một câu bất cần khiến sự phản kháng bùng lên dữ dội. Nhiều người ngay lập tức thay đổi quan điểm... nhắm vào thái độ lời phát ngôn trên mà quên đi bản chất. Chu trình đối thoại bắt đầu rối loạn.
Nhìn lại, phía các sở ngành chức năng trong vụ chặt và thay thế 6700 cây xanh ở Hà Nội có lỗi nặng ở chỗ không ý thức được sự cần thiết phải đối thoại, khi đối thoại thì lại nửa vời, không đối thoại đến cùng, mục đích đối thoại không được xác định rõ... nhưng nhiều người ở vị trí đối diện cũng không khác. Những lý lẽ tỉnh táo, những hành động tỉnh táo như quan sát hiện trường, nghiên cứu xem lý lẽ của bên kia đúng sai chỗ nào... bị chìm đi giữa đám đông cuồng nộ trên truyền thông xã hội. Những tấm ảnh chặt cây ở nơi khác bị đưa vào để "chiến dịch" thêm nặng ký, những giọt màu đỏ được đổ vấy lên cây và bàn tay để chụp được một tấm ảnh than khóc linh hồn cây... !
Một bên đã thắng thế, nhưng hiệu quả của việc này thì sao? Một quá trình dang dở bị tạm dừng lại để xoa dịu dư luận nhưng chi phí cho nó vẫn tiếp tục chảy ra, và càng kéo dài càng tốn kém. Cuối cùng, ai gánh những tốn kém đó nếu không phải vẫn là chúng ta, là người dân?
Nếu những con kiến nhìn vào chúng ta, chúng sẽ thấy thế này: con mồi vẫn nằm đó nhưng thay vì cùng khiêng về tổ thì mỗi cá thể thi nhau kéo cật lực về hướng mình muốn, một số cá thể khác chạy nhảy xung quanh hò reo cổ vũ, một số khóc lóc, một số tuyệt vọng lao vào cắn chân những cá thể đang kéo, bất chấp nó kéo về hướng nào.
Chúng ta thua những con kiến. Là người đưa ra quyết sách, chúng ta không hiểu được tâm lý người dân, không lường trước được sự nhạy cảm và phản ứng của người dân. Không hiểu được nguyên lý sóng và thuyền. Không đủ bình tâm để gạt qua những sai sót trước kia, tập trung giải quyết vấn đề hiện tại. Là người phản biện, nhiều người trong chúng ta bất chấp lý lẽ, không tìm hiểu cặn kẽ sự việc trước khi phản đối mà chỉ cương quyết mổ bụng mèo lấy cá. Chúng ta ứ thèm đối thoại.
Nhưng, không chịu đối thoại thì không thể hiểu nhau. Không hiểu nhau thì làm sao có thể giúp đỡ, ủng hộ nhau?