Ngày 26/1/2024 đánh dấu tròn 30 năm xảy ra vụ ám sát không thành Vua Charles , khi đó còn là Thái tử Charles. Theo Daily Mail, nếu kẻ tấn công có ý đồ xấu xa hơn, thế giới không bao giờ chứng kiến được khoảnh khắc con trai cả của cố Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi vào tháng 5/2023.
Thời điểm đó, Thái tử Charles tham dự lễ kỷ niệm Ngày Quốc khánh Australia tại Công viên Tumbalong ở Sydney. Khi ông vừa rời khỏi chỗ ngồi, chỉnh trang và tiến về phía bục trung tâm để bắt đầu bài phát biểu, bất ngờ hai tiếng súng vang lên.
Video ghi lại hiện trường cho thấy cựu Thân vương xứ Wales chỉ hơi bối rối trong thoáng chốc, biểu cảm khuôn mặt gần như không có chút gì thay đổi, tay vẫn đang mân mê cổ tay áo. Vệ sĩ của Thái tử Charles, ông Colin Trimming, được nhìn thấy đẩy ông chủ sang một bên trước khi tiến đến gần tay súng bị thương để đánh giá mối đe dọa rồi trở lại chắn trước mặt Thái tử. Cùng lúc đó, những người khác nhanh chóng khống chế gã lạ mặt - mặc áo phông trắng và quần jean - lao lên sân khấu tạo ra khung cảnh hỗn loạn.
Toàn cảnh vụ ám sát Thái tử Charles năm 1994. Nguồn: Daily Mail.
Chỉ huy Richard Aylard, thư ký riêng của Thái tử Charles lúc bấy giờ, chứng kiến toàn bộ quá trình vụ việc: “Tôi thấy kẻ đó chạy rất nhanh về phía sân khấu với tốc độ của một vận động viên chạy nước rút 100. Tôi thấy hắn ta nổ súng ”.
Vụ việc bất ngờ khiến hầu hết mọi người hoảng sợ. Tuy nhiên, người bị nguy hiểm nhất là Thái tử Charles lại bình tĩnh nhất. Ông đứng yên chứng kiến cảnh kẻ tấn công bị khống chế. Sau khi sân khấu được dọn dẹp, ông điểm nhiên phát biểu trước đám đông 20.000 người. Thái độ đó của ông được giới truyền thông ca ngợi là “sự trầm tĩnh hoàng gia”.
Sau vụ việc, người ta bắt đầu tìm kiếm người chịu trách nhiệm về sai sót an ninh. Tuy nhiên, có thông tin Hoàng gia Anh yêu cầu không huy động cảnh sát đứng chắn giữa Thái tử Charles và công chúng.
Terry Griffiths, Bộ trưởng Cảnh sát bang New South Wales (Australia) vào thời điểm đó, cho biết: “Không ai có thể tự hào khi vụ việc như vậy đã xảy ra. Thế nhưng, mức độ an ninh đã được tất cả cơ quan liên quan đồng ý. Thái tử điện hạ mong muốn mức độ đó”.
Kẻ ám sát sau đó được xác định là sinh viên 23 tuổi David Kang. Khi bị thẩm vấn, Kang khai thực hiện vụ tấn công vì muốn gây chú ý vào hoàn cảnh khó khăn của những người xin tị nạn gốc Campuchia đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Australia.
Kang sau đó bị kết tội đe dọa bạo lực trái pháp luật và bị kết án 500 giờ phục vụ cộng đồng.
Năm 2015, mẹ của Kang tiết lộ con trai đã kết hôn, có hai con và đang làm luật sư ở Sydney. Bà không quên nhấn mạnh là chàng trai ngoan ngoãn.
Trước đó, kể lại hành động cực đoan nhắm vào Thái tử Charles trên tờ Sun Herald của Sydney, Kang khẳng định không có ý định giết người .
“Tôi rút khẩu súng lục ra và đứng dậy. Tôi phải nhảy qua hàng rào cọc. Tôi nghe thấy một tiếng nổ, rồi thêm tiếng nổ khác… Tôi bắn súng lên không trung. Tôi tưởng mình đã đánh rơi khẩu súng trước khi lên sân khấu nhưng nó vẫn còn trong tay tôi. Tôi không vấp ngã trên sân khấu, tôi cố tình làm vậy vì tôi không có ý định làm tổn thương ai”, anh nói.
Đây không phải là lần đầu tiên Vua Charles bị người biểu tình nhắm đến. Năm 2001, một nữ sinh tấn công vào ông bằng hoa hồng trong chuyến thăm Latvia (quốc gia Châu Âu).
Cô gái là Alina Lebedyver bị buộc tội gây nguy hiểm đến tính mạng của quan chức nước ngoài và phải đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù. May mắn cho cô, Vua Charles đã cầu xin sự khoan hồng. Cuối cùng, nữ sinh chỉ phải chịu sự giám sát của mẹ mình trong một năm.
Theo Daily Mail