Khoảng 3 giờ chiều ngày 27 tháng 7 năm 2018, Mikhail Khachaturyan gọi 3 cô con gái tuổi teen, Krestina (19 tuổi), Angelina (18 tuổi) và Maria (17 tuổi) đến phòng của ông ta và mắng té tát vào mặt chúng vì không chịu dọn dẹp nhà cửa. Căn hộ mà 4 cha con họ sống cùng nhau nằm trong một khu nhà ở thời Liên Xô gần đường vành đai lớn bao quanh thành phố Moscow. Ông ta chửi và đánh đập các con vì để nhà cửa lộn xộn. Đó không phải là hành động lạ lẫm bởi 3 cô gái trẻ đã quá quen với sự tàn nhẫn của cha mình.
Giọt nước làm tràn ly
Chiều hôm đó, Mikhail đã trừng phạt các con gái của mình theo cách tàn bạo "quen thuộc" của ông ta - gọi từng người một vào phòng ngủ, chửi rủa và la mắng họ, sau đó xịt hơi cay vào mặt.
Người chị lớn nhất, Krestina, 19 tuổi, bị ngạt thở vì ảnh hưởng của thuốc xịt hơi cay. Khi trở về phòng ngủ mà cô vẫn ở cùng với 2 em, Krestina ngã gục xuống giường và bất tỉnh. Cô em gái Maria, lúc đó 17 tuổi, đã mô tả đó là khoảng khắc "giọt nước làm tràn ly".
Krestina tỉnh dậy ngay sau 7 giờ tối và khóc nức nở trong phòng ngủ. Sau đó, cô chạy vào phòng khách thì thấy 2 em Angelina và Maria đang đứng bên cha của họ, người đang ngồi trên ghế với vẻ tức giận dữ dội. Krestina có linh cảm rằng 2 em đang gặp nguy hiểm, cô liền túm lấy chai xịt hơi cay trên mặt chiếc bàn gần đó và phun điên cuồng vào cha mình.
Bị con gái tấn công, Mikhail vẫn không chịu buông tha cho 2 đứa con nhỏ và tiếp tục hành hạ chúng. Tức nước thì vỡ bờ, Maria và Angelina đã tấn công cha mình bằng một con dao săn và búa mà họ đã lấy được từ trong xe của ông ta. Mất phương hướng từ bình xịt hơi cay và mất máu quá nhiều, Mikhail loạng choạng đi đến bãi đậu xe bên ngoài căn hộ. Chính tại đó, Angelina đã đuổi kịp ông ta và đâm một nhát dao chí mạng vào tim khiến Mikhail tử vong tại chỗ.
Vài phút sau, một trong ba chị em gọi điện báo cảnh sát. Angelina vừa khóc vừa kể với cảnh sát rằng cha cô đã tấn công cô sau khi đã uống một liều thuốc an thần nặng, và rằng cô đã giết cha mình để tự vệ. Cảnh sát nhận thấy có nhiều vết dao đâm ở cổ, cánh tay và thân của ông Mikhail. Ba chị em bị bắt vì tội giết người và bị giam trong nhà tù tạm giam dành cho phụ nữ ở phía đông nam thủ đô Moscow.
Những ngày sau đó, tin tức về vụ án con gái giết cha lan rộng khắp nước Nga và trong những tháng sau đó, dư luận nước này bị chia rẽ thành 2 phe: một bên cho rằng 3 cô gái đã bị cha mình lạm dụng suốt nhiều năm và hành động giết người của họ là tự vệ, một bên lại cho rằng đó là hành vi có chủ đích.
Vụ án chấn động này xuất hiện dày đặc trên mặt báo, chương trình tin tức buổi tối và các talkshow TV. Đây là tất cả những gì mọi người có thể nói trong nhiều tháng, ông Alexey Parshin, luật sư của Angelina nói.
Một số người cho rằng 2 cô gái trẻ âm mưu đoạt mạng cha mình để ăn cắp tiền của ông ta. Những người khác - bao gồm cả mẹ của 3 cô gái, người vợ cũ của ông Mikhail - đã đứng ra bảo vệ và cho rằng họ đã bị cha mình lạm dụng.
Khi các luật sư và các nhà điều tra bắt đầu chắp nối câu chuyện gia đình ông Mikhail thì họ nhận ra rằng rõ ràng đây không phải là một vụ giết người có chủ đích. Qua hàng trăm trang tài liệu của tòa án và những lời khai của nhân chứng, một bức tranh toàn cảnh đã hiện ra, trong đó 3 chị em Krestina, Angelina và Maria là những nạn nhân bị lạm dụng tình dục, bị đe dọa, đánh đập dã man và phải nhận những lời lăng mạ, sỉ nhục từ chính cha đẻ của mình.
Các bằng chứng cho thấy ông Mikhail thường xuyên đánh đập các con gái của mình trong 3 năm liên tiếp, tra tấn và nhốt họ như tù nhân để lạm dụng tình dục. Bằng chứng chống lại Mikhail được trích dẫn đầy đủ trong bản cáo trạng.
Bản án gây tranh cãi dữ dội trong dư luận - công lý nằm ở đâu?
Bất chấp những bằng chứng về việc 3 cô gái bị lạm dụng, vào tháng 6 năm 2019, các công tố viên đã truy tố cả 3 về tội giết người.
Trước đó, 2 tháng sau khi xảy ra vụ án, 3 chị em được thả ra khỏi nơi giam giữ sau luật sư của họ gửi kháng cáo và trong khi chờ cảnh sát điều tra, họ được ở cùng người thân để chờ ngày xét xử.
Một đánh giá tâm lý ngay sau vụ án cho thấy Maria có dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần tại thời điểm xảy ra vụ án do rối loạn căng thẳng cấp tính (ASD - là sự suy sụp tinh thần rõ rệt xảy ra trong vòng một tháng sau một biến cố sang chấn) vì bị lạm dụng. Cô được đưa đi điều trị.
Nhưng với mức độ nghiêm trọng của các cáo buộc, Maria và các chị của cô phải đối mặt với nức án từ 8 đến 20 năm từ giam.
Trong khi đó, một cuộc tranh luận về bạo lực gia đình nổ ra ở xứ sở bạch dương. Trường hợp của 3 chị em nhà Khachaturyan đã cho thấy "lỗ hổng" trong hệ thống pháp luật của Nga. Hiện tại, Nga không có luật pháp cụ thể để xác định, ngăn chặn hoặc truy tố hành vi bạo lực gia đình. Cảnh sát Nga thường coi vấn đề lạm dụng trong gia đình là "vấn đề riêng tư", và hầu như rất ít hoặc không hề can thiệp.
Các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng 3 chị em không phải tội phạm mà là nạn nhân vì họ không có cách nào nhận được sự giúp đỡ và bảo vệ khỏi người cha vũ phu. Họ cũng sợ người khác bị ảnh hưởng nếu cố gắng tìm cách giúp đỡ họ. Nhưng ở Nga, không có luật bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình.
Theo luật sửa đổi vào năm 2017, người phạm tội đánh đập thành viên trong gia đình lần đầu nhưng không dẫn đến phải nhập viện sẽ chỉ bị phạt tiền hoặc giam giữ tối đa hai tuần.
Hàng trăm người đã xuống đường kể từ khi bản cáo trạng được ban hành để kêu gọi thả 3 chị em nhà Khachaturyan và tụ tập ở các tòa nhà chính phủ để phản đối việc truy tố họ. Các buổi hòa nhạc và biểu diễn gây quỹ đã được tổ chức để chi trả chi phí pháp lý của họ và kêu gọi thông qua một đạo luật sẽ giúp ngăn chặn các cuộc tấn công trong tương lai.
Một kiến nghị trực tuyến đã thu thập được hơn 370.000 chữ ký yêu cầu thả 3 cô gái ra. Alyona Popova, một nhà hoạt động vì quyền của phụ nữ, người đã gửi đơn kiến nghị và giúp soạn thảo một dự luật về bạo lực gia đình hiện đang là đề tài tranh luận tại quốc hội Nga.
Mẹ của 3 chị em, bà Aurelia Dunduk, cũng từng bị chồng đánh đập và lạm dụng trong quá khứ. Bà đã tìm đến cảnh sát từ nhiều năm trước. Bà nói rằng bị chồng đuổi ra khỏi nhà vào năm 2015. Không chỉ những người trong nhà mà ngay cả hàng xóm của gia đình cũng rất sợ Mikhail.
Vào thời điểm ông Mikhail bị sát hại, bà Dunduk không sống cùng gia đình và Mikhail cũng cấm các con gái liên lạc với mẹ.
Trong hồ sơ thẩm vấn của cảnh sát, Angelina đã mô tả tình trạng khó khăn mà cô và các chị em của mình phải đối mặt. Cô nói: "Chị gái tôi và tôi đã quá mệt mỏi với một cuộc sống như vậy, nhưng chúng tôi sợ phải nhờ ai đó giúp đỡ vì ông ấy (ông Mikhail) có người quen ở khắp mọi nơi". Sau khi mẹ của họ bị buộc phải chạy trốn, 2 chị em sợ rằng bất cứ ai cố gắng giúp đỡ họ sẽ gặp rắc rối. "Nói với người thân của chúng tôi cũng không phải là một giải pháp cho vấn đề này, vì họ không tin chúng tôi".
Trong các tuyên bố của mình, Maria và Angelina đều kể lại một câu chuyện từ đầu năm 2016, khi ba chị em đang đi nghỉ cùng bố ở Adler, một khu nghỉ mát trên bờ Biển Đen, Nga. Sau khi Krestina chạy ra khỏi căn phòng nơi cô bị cha cưỡng bức, cô đã nuốt một nắm thuốc drotaverine, một loại thuốc chống co thắt, để tự tử và sau đó cô nhanh chóng được đưa đến bệnh viện.
Luật sư của Krestina, Alexey Liptser, nói rằng chính nỗi sợ rằng Krestina sẽ lại tự tử một lần nữa khiến 2 em của cô nghĩ đến việc giết chết cha mình.
Cả 3 chị em Maria, Angelina và Krestina Khachaturyan đến nay vẫn không hề biết gì về "cuộc chiến văn hóa" mà họ đã vô tình gây ra. Bị cấm sử dụng internet và liên lạc với nhau, không được liên lạc với các nhân chứng và báo chí, nên họ cũng không nhận thức được về tình trạng của mình - là người "châm ngòi" cho phong trào nữ quyền của Nga.
Hiện tại, Angelina và Krestina đang sống cùng người thân và Maria sống cùng mẹ. Ngay trước đêm giao thừa, giờ giới nghiêm vào ban đêm của họ đã được dỡ bỏ, nhưng các quy tắc khác vẫn có hiệu lực. Giờ đây, cả 3 chị em chỉ nhìn thấy nhau tại tòa án.
(Nguồn: The Guardian)