Đến nhà anh Nguyễn Thanh Tuấn – nhân vật chính trong vụ án “Giải cứu vợ mang thai, bị lãnh án 14 năm tù”, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi hay tin vợ Tuấn đã bỏ nhà đi nhiều tháng nay, không quay lại thăm con – ngay sau khi Tuấn phải nhận mức án tăng cao từ 12 năm lên thành 14 năm tại tòa án tối cao TP.HCM.
Bà Hương (mẹ ruột Tuấn) khóc nức nở trong suốt thời gian kể lại câu chuyện bi kịch của gia đình mình.
Chồng giận bỏ đi, con trai duy nhất vào tù, 2 đứa cháu không còn nữa, con dâu giờ cũng biệt tăm... bà chỉ còn một nỗi đau và một nỗi lo to lớn cận kề bên mình.
Bà Đào Thị Thu Hương (mẹ ruột Tuấn) nức nở khi được hỏi về con dâu: “Còn gì nữa đâu mà tìm nó. Mất hết rồi cô ơi. Gia đình tôi tan nát hết rồi...”. Sau một hồi được động viên, an ủi – bà Hương mời phóng viên về nhà nói chuyện và gửi hàng thịt heo cho một người bán hàng bên cạnh (bà vừa chuyển nghề bán thịt ở chợ nhỏ trong xóm để kiếm tiền nuôi cháu).
Vừa vào nhà, bà kêu Khang (6 tuổi, con lớn của anh Tuấn và chị Tuyền) ra chào khách rồi buồn bã lấy xuống một tấm ảnh trên cao – có hình một đứa trẻ nhỏ, và nói: “Con nó đây (cậu bé có mặt cùng anh Tuấn và chị Tuyền trong đêm xảy ra vụ án - PV), mới 3 tuổi thôi, chết sau khi bố nó ở tù 4 tháng. Vậy mà nó đâu có biết. Tôi giấu mãi, sợ nó biết sự thật sẽ bất mãn cuộc sống mà sinh bệnh rồi chết trong tù, không còn về với tôi, với thằng Khang nữa...” - bà bật khóc – nỗi đau dường như đang chất chứa, chỉ chờ vỡ òa khi được nhắc đến.
Cháu Nguyễn Phúc Bảo đã không còn kịp để đón ba về.
Khang khá hồn nhiên nhưng có vẻ rất tình cảm. Thằng bé đến ôm lưng bà từ phía sau rồi nói những câu gì đó chỉ hai bà cháu nghe thấy. Cậu bé nhìn bà nội đầy tình cảm rồi bất ngờ chỉ tay vào tấm ảnh em trai, đầy hồn nhiên và nói: “Bảo này, Bảo này, em con đó. Em con nó chưa biết nói đâu nhưng không ở đây với con nữa”.
Cháu Nguyễn Tấn Khang chỉ còn chỗ dựa duy nhất là bà nội.
Bà Hương cho biết, sau khi con đi tù, bà đem con dâu về nhà sống cùng để cùng nhau lo cho các cháu. Cả bà và con dâu đều xuất thân từ dân lao động nghèo khổ, không biết chữ nên làm gì cũng khó (ngày xưa anh Tuấn là trụ cột gia đình). Bà nói mãi con dâu mới học ký tên để có thể tự ký được tên mình khi lãnh lương để có thể xin làm công nhân cho khu công nghiệp gần nhà. Còn bà từ nghề phụ nấu cơm cũng đã chuyển sang buôn bán thịt heo ở chợ, mong sao kiếm thêm được nhiều tiền để lo cho cháu và đi thăm nuôi con trai trong trại.
Vậy mà tai ương không buông tha gia đình bà, Tuấn bị bắt vào tù được 4 tháng, chị Tuyền đưa 2 con đi khám bệnh ở bệnh viện tỉnh vì hai đứa bị bệnh. Trên đường đi xe buýt về, chị ghé qua trại bò sữa cho mấy đứa nhỏ nghỉ ngơi. Trong lúc đi mua cơm, vì không để ý, bé Bảo đã đi ra hồ nước và ngã chết ở đó từ bao giờ. Đến khi quay lại và phát hiện con không còn nữa, chị đi tìm thì mọi sự đã muộn màng.
Bà kể: “Trước đó 9 ngày, tôi còn đưa cháu lên thăm ba nó. Thằng Tuấn nói mẹ ráng lo cho các cháu giùm con, con ráng cải tạo tốt để về với gia đình và trả hiếu cho mẹ. Rồi nó dạy con nói (bé Bảo đang tập nói), vậy mà...
Hai vợ chồng cùng cháu Bảo trong ngày cưới (đến khi có 2 cháu, đôi vợ chồng nghèo mới đủ tiền làm đám tiệc ra mắt bà con).
Con dâu nó còn trẻ nên khó trách được. Hôm trước nó đi làm suốt 3 tuần không về thăm con, thằng Khang tối ngủ cứ giật mình rồi khóc vì nhớ ba, nhớ mẹ. Tôi xót quá có gọi nó về la nó, nó nói không muốn sống ở đây nữa, muốn về quê. Nhưng tôi gọi về đó, nhà nó cũng không biết nó ở đâu. Rồi cứ như vậy, nó đi mấy tháng nay rồi. Ông chồng sau của tôi cũng bỏ đi vì trách tôi bây giờ lo hết cho gia đình thằng Tuấn, nuôi con tù tội rồi nuôi cháu nhỏ, không quan tâm gia đình nên ổng giận đi luôn rồi... Giờ ai cũng bỏ đi, tôi đành một mình lo mọi việc. Chỉ mong sao mọi thứ tốt đẹp hơn bây giờ...
Bé Khang trong ngày vui của cha mẹ.
Cháu nội chết, con dâu bỏ đi biền biệt, tôi đâu dám kể với Tuấn. Đi thăm nó lần nào là phải nói dối nó lần đó. Nó nhớ vợ, nhớ con – cứ hỏi thăm hoài. Tôi sợ nó buồn, uất ức sinh bất mãn, sinh bệnh tật nên cứ cố giấu. Nhưng lần vừa rồi thằng Khang có nói hớ với ba nó nên tôi nghĩ phải sớm nói thật với nó thôi. Tôi đang nhờ người ta viết giùm lá thư để lần sau vô thăm, tôi đưa nó đọc. Mong nó sẽ đủ bản lĩnh chấp nhận sự thật này”.
Ngày xưa, nó từng bị án treo vì không biết mà tiêu thụ xe gian
Tôi thương con nhưng không bênh con mình mà nói bậy. Thằng Tuấn lúc trước đi với bạn bè, nó có được nhờ giới thiệu người mua xe máy của bạn nó để nhận 50 ngàn tiền công. Nhưng ai ngờ đó là xe gian, nó bị bắt phạt 10 triệu và chịu án treo 1 năm. Từ nhỏ đến lớn, nó chưa bao giờ đánh nhau hay gây sự với ai cả. Đừng nói là chém giết người như vậy. Chẳng ai đang bình yên, hạnh phúc mà lại đi đánh đổi cả gia đình mình chỉ vì những thứ đó nếu không bị ép vào đường cùng. Tan nát hết rồi một gia đình. Con tôi giờ nó còn gì nữa đâu? Chịu tù 14 năm, mắc nợ gần 200 triệu, hai đứa con chết oan ức, vợ cũng bỏ đi không về... Không biết nó bám víu vào điều gì để sống tiếp bây giờ nữa. Tôi lo lắm”.
Mong rằng sẽ có người giúp bà xin xem xét giảm tội cho con trai.
Bà đi bán thịt ngoài chợ, Khang mỗi ngày chơi ở nhà với các bạn hàng xóm.
“Hôm ra công an xã, tôi có gặp cậu Toàn (nam thanh niên gây sự đầu tiên, bị kết án tù 2 năm vì tội gây rối trật tự công cộng trong vụ án). Tôi có nói: “Con ơi, ăn nhậu rồi về nhà ngủ, chứ ra đường đánh võng lạng lách làm chi mà anh em gây sự đánh chém nhau như thế hả con ơi”, cậu thanh niên đó lớn tiếng chửi tôi giữa phòng. Chú công an ở đó thấy vậy mới đến chỉ vào con dâu tôi rồi nói với cậu ta: "Đánh người ta hư thai, mặt mũi sưng lên như vậy mà còn chửi được hả” rồi đuổi cậu ta vào phòng trong ngồi.
Tôi đã qua nhà anh trai của cậu thanh niên kia rồi. Quê cậu đó ở Nghệ An, mấy cậu tham gia vụ đánh nhau hôm đó cũng ở ngoài đó thì phải. Tôi không biết Nghệ An ở đâu, nghe nói ngoài Bắc, xa lắm nên không về đó thắp nhang được. Tôi đi mượn được 15 triệu nên đem qua nhà đền bù, nói lời xin lỗi nhưng họ không đồng ý. Họ mắng nhiếc tôi đủ điều và không chịu tha cho thằng Tuấn”.
Trong nước mắt, bà chia sẻ tiếp: “Cái thân tôi bệnh tật liên miên, mà đâu dám mua thuốc uống. Đi làm, đi bán được đồng nào là muốn để dành mua thức ăn cho con trong tù đồng nấy. Ở nhà hai bà cháu ăn uống tiết kiệm lắm, mỗi tháng thằng Khang đi học hết hơn 1 triệu. Còn bao nhiêu tiền dành dụm được là để dành đi thăm ba nó.
"Mong thằng Tuấn sau khi biết sự thật sẽ đủ bản lĩnh vượt qua...".
Không có ba mẹ và các em bên cạnh, Khang không ngủ được và luôn khóc mỗi khi đêm về.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, cho câu chuyện buồn của anh Tuấn, cho đứa cháu trai duy nhất còn sót lại – bà buồn bã nhìn xa xăm, nước mắt dâng trào và nói: “Chợ dạo này ế, tôi chỉ lo không bán được, không có tiền lo cho cha con nó. Tôi nhìn vậy chứ bệnh ở trong người dữ lắm. Tôi mong thằng Tuấn về mau để còn nuôi dạy thằng Khang, lỡ tôi có chuyện gì cũng thấy an tâm vì cháu nó không cù bơ cù bất. Về chuyện Tuấn, giờ tôi ít học, không biết luật nên cũng chẳng biết sao. Nhưng nếu có cô chú nào hiểu luật, có thể hướng dẫn giúp tôi đi xin xem xét cho con mình thì tôi xin nhờ các cô chú. Nhà neo đơn lại gặp chuyện, tôi thật chẳng biết trông vào ai... Xin cô chú thương thằng Khang thì giúp ba nó về với nó. Tôi già rồi, chẳng biết sống thêm bao nhiêu ngày. Sợ không đợi được con”.
Để xác minh sự việc, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với một công an viên của xã Hiệp Phước (nơi gia đình anh Tuấn cư ngụ) và phó chủ tịch xã Phước Thiền (nơi xảy ra vụ án), cả hai đều xác nhận vợ anh Tuấn đã bỏ nhà đi suốt nhiều tháng nay khỏi nơi cư trú, không lý do.
Mọi thông tin liên lạc, giúp đỡ cho gia đình bà Hương xin gửi về:
Bà Đào Thị Thu Hương
Ấp 1 – xã Hiệp Phước – huyện Nhơn Trạch – Đồng Nai.
Điện thoại: 0934 102 930