Ngày 14/12, bà Vũ Thị Đ. (SN 1961, ở thôn Thiên Lộc, xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) đã tử vong sau khi bị các con gái đổ xăng châm lửa đốt nhà hồi cuối tháng 10. Trước đó không lâu, ngày 18/11 và 26/11, hai con gái bà Đ. là chị Đỗ Thị Định, 40 tuổi và Đỗ Thị Điểm, 34 tuổi, cũng tử vong sau nhiều ngày được chạy chữa tại Viện bỏng quốc gia.
Đỗ Thị Đưa, 32 tuổi, con gái út, bị thương nhẹ nhất, vẫn đang được chăm sóc ở bệnh viện.
Chưa ai bị khởi tố
Liên quan đến vụ việc này, ngày 4/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án để điều tra tội Giết người, theo điều 123 Bộ luật Hình sự. Nhưng, chưa khởi tố bị can.
Theo dõi vụ việc này từ đầu, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng văn phòng Luật Kết nối, đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, với trường hợp người con gái còn lại, cơ quan điều tra cần làm rõ việc đổ xăng để đốt nhà mẹ đẻ có sự bàn bạc phân công thống nhất của người con gái đó với hai người con còn lại hay không.
Trong trường hợp có căn cứ cho thấy cả 3 người con gái cùng bàn bạc, thống nhất với nhau về việc mua xăng để đốt nhà mẹ đẻ, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra và dẫn đến hậu quả chết người thì người con gái còn lại này sẽ bị xử lý về Tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Ngoài ra, người con gái còn lại sẽ phải đối mặt với hình phạt tù có thời hạn của Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Mức hình phạt cụ thể đối với hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản sẽ phụ thuộc vào mức độ thiệt hại về tài sản, tính chất của hành vi và nhân thân của bị can.
Theo luật sư Hùng, trường hợp kết tội về nhiều tội danh thì Tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc nếu hình phạt cao nhất trong các tội danh bị kết tội là tử hình thì hình phạt chung sẽ là tử hình. Nếu hình phạt cao nhất là tù chung thân thì hình phạt chung sẽ là tù chung thân. Nếu hình phạt của hai tội danh đều là phạt tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất sẽ không quá 30 năm.
Việc quyết định hình phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào quy định của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
“Đối tượng là chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, không thành khẩn ăn năn thì sẽ có hình phạt nghiêm khắc. Còn đối với đối tượng phạm tội với vai trò giúp sức, thứ yếu, nhận thức được hành vi của mình, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt chỉ có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự” - luật sư Hùng phân tích.
Nếu cô con gái còn lại ngăn cản hành vi sẽ không bị xử lý hình sự
Cũng theo vị luật sư này, nếu người con gái còn lại có mặt trên hiện trường không có ý định thực hiện hành vi đốt nhà, đã ngăn cản đối tượng thực hiện hành vi đốt nhà thì người này sẽ không bị xử lý hình sự.
Như vậy, cho dù vụ việc được đưa ra xử lý và có kết quả thế nào thì sự việc này là một lời cảnh tỉnh về sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng của một bộ phận người dân trong xã hội hiện nay, không những không thực hiện tròn bổn phận của một người con mà còn đang tâm hủy hoại tài sản, xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng của người sinh thành ra mình, coi nặng giá trị vật chất và coi nhẹ tình nghĩa gia đình./.