Bị cáo Phú tại hiện trường vụ án. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)

Bị cáo Phú tại hiện trường vụ án. (Ảnh trong bài: Trần Tiến)

Nạn nhân “liên tục đi vào các nhà vệ sinh nam”

Cơ quan CSĐT quận Tân Phú (TP HCM) hiện đang điều tra lại vụ án “cố ý gây thương tích” tại nhà vệ sinh nam công cộng ở tầng trệt khu K siêu thị Aeon Mall xảy ra vào ngày 4/4/2022. Bị can trong vụ án là Phạm Thiên Phú (SN 1995, là thầy giáo dạy đàn piano trong tòa nhà). Nạn nhân trong vụ án là người đàn ông SN 1978.

Kết luận điều tra 22/KLĐT ngày 8/2/2023 cho thấy kết quả trích xuất dữ liệu camera tại siêu thị thể hiện, từ 18h ngày 4/4/2022, nạn nhân “liên tục đi vào các nhà vệ sinh nam tại siêu thị, sau đó di chuyển bằng thang máy đến các tầng tiếp theo để vào các nhà vệ sinh nam khác nhau. Đến 18h10, nạn nhân vào nhà vệ sinh nam ở tầng trệt khu K lần thứ nhất, sau đó đi ra, đến 18h15 vào nhà vệ sinh trên lần thứ hai”.

Lúc này, bị can Phú đến tòa nhà dạy nhạc, trước khi vào lớp thì đi vào nhà vệ sinh, gặp nạn nhân đang đứng ở phía bồn vệ sinh bên tay phải hướng từ ngoài vào trong. Khi đang “giải quyết nỗi buồn”, bị can nghi ngờ có điều gì đó bất thường, nên ngước sang bên phải và thấy người đàn ông vừa gặp đã bên cạnh mình “đứng nhón chân, ngoái cổ sang trái nhìn vào Phú, tay trái kéo quần mình đang mặc xuống, tay phải tự kích thích”, KLĐT nêu rõ.

KLĐT ghi, thấy vậy, bị can Phú lập tức lùi lại, dùng cùi chỏ tay phải đánh mạnh 1 cái trúng vùng lưng nạn nhân, nói “nhìn gì hả?”. Nạn nhân mất thăng bằng, ngã về phía trước làm phần trán bên phải đập vào bức tường trước mặt. Theo phản lực của cú ngã và do bị choáng nên nạn nhân tiếp tục ngã ngửa tự do ra phía sau, phần gáy đập xuống nền nhà.

Phú thấy nạn nhân nằm bất động, nên hốt hoảng nhờ người có mặt trong nhà vệ sinh chạy ra ngoài kêu hỗ trợ. Phú đồng thời cùng mọi người băng bó, đưa nạn nhân đi cấp cứu. Sau khi được điều trị, kết luận giám định cho thấy nạn nhân bị “tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể do các thương tích là 56%”.

Ngày 28/4/2022, bị can Phú bồi thường cho nạn nhân 100 triệu đồng. KLĐT ghi rõ bị can Phú khai “nguyên nhân xảy ra sự việc do Phú tức giận vì nạn nhân có hành vi nhìn Phú đang đi vệ sinh rồi tự kích thích mình”.

Kết quả thực nghiệm điều tra phù hợp lời khai bị can và những người làm chứng.

VKS xác định “cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ”

Phiên sơ thẩm ngày 4/1/2024, Phú bị truy tố về tội Cố ý gây thương tích theo điểm a khoản 2 Điều 134 BLHS. Luật sư (LS) phía bị cáo đề nghị tòa xem xét thêm các tình tiết Phú có nhân thân tốt, nghề nghiệp ổn định, nơi cư trú rõ ràng, thời gian tại ngoại luôn tuân thủ pháp luật, phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh… cần cho hưởng mức án nhẹ nhất.

LS phía bị hại có ý kiến, quá trình điều tra xét xử, bị cáo đã thể hiện rất nhiều thiện chí trong việc bồi thường, thái độ ăn năn, mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Cấp sơ thẩm xác định bị cáo không có tình tiết tăng nặng, có 2 tình tiết giảm nhẹ là: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường cho bị hại, khắc phục một phần hậu quả. HĐXX tuyên phạt Phú 3 năm tù giam.

Bị cáo Phú kháng cáo, xin được hưởng án treo. Tại phiên phúc thẩm ngày 6/5/2024, đại diện VKSND TP HCM nhận định, “bị cáo thực hiện hành vi phạm tội là xuất phát từ lỗi của nạn nhân gây ra, do bị cáo bị kích động nên mới thực hiện hành vi phạm tội, do đó cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra””.

Vụ án hành động kỳ quặc trong nhà vệ sinh siêu thị: Phân tích pháp lý - Ảnh 2.

Bị cáo Phú: “Lẽ ra tôi nên bỏ đi, thì lại nóng giận có hành vi thái quá”.

Bản án phúc thẩm ghi, tại phiên tòa, VKSND TP HCM nêu rõ “cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 3 năm tù là có phần nghiêm khắc, xét thấy bị cáo có 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại BLHS, có đầy đủ các điều kiện để cho hưởng án treo theo Điều 65 BLHS, nên cần chấp nhận kháng cáo của bị cáo, cho hưởng án treo”.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm lại có quan điểm cho rằng “hành vi của bị cáo Phú thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” là tình tiết quy định tại điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS. Việc cấp sơ thẩm truy tố xét xử theo điểm a khoản 2 Điều 134 là có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, nhưng không thuộc trường hợp cấp phúc thẩm sửa bản án”. Vì vậy, cấp phúc thẩm hủy toàn bộ án sơ thẩm; trả hồ sơ để điều tra, truy tố, xét xử theo thủ tục chung.

Nhận định về vụ án, LS Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn LS TP HCM) cho rằng, các chứng cứ hồ sơ trong sự việc này đã khá chi tiết, rõ ràng và đặc biệt cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cần tham khảo, lưu ý vấn đề quan điểm của VKSND nêu rõ về việc bị can Phú có 3 tình tiết giảm nhẹ; để điều tra, truy tố, xét xử lại đảm bảo đúng quy định pháp luật; đồng thời có các đề nghị, phán quyết nhân văn, khoan hồng, tạo điều kiện cho người vi phạm có thể sửa sai.

Về phía bị can Phú, nói: “Trong vụ án này, ở khía cạnh xã hội, tôi cho rằng mình là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. Lẽ ra tôi nên bỏ đi, thì lại nóng giận có hành vi thái quá. Tôi mong muốn cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ hình phạt, để tôi có cơ hội phấn đấu, làm lại cuộc đời. Từ khi vụ việc trên xảy ra đến nay đã gần 3 năm, bản thân tôi và gia đình chịu nhiều tai tiếng và áp lực của dư luận, tôi bị mất việc làm, bị khủng hoảng trầm trọng về tinh thần…”.

Nhận định về vụ án, LS Phạm Thị Bạch Tuyết (Đoàn LS TP HCM) nói: “Bị cáo Phú chỉ có hành vi dùng cùi chỏ tay phải đánh vào phần lưng phía trên bị hại, không có hành vi côn đồ hay dùng hung khí nguy hiểm. Phần lưng không phải là vùng trọng yếu trên cơ thể, có thể do tư thế đứng, tuổi tác và nền tảng sức khỏe của bị hại mà gây nên vết thương có tỷ lệ thương tật là 56%, điều này nằm ngoài ý chí của bị cáo. Khi thấy bị hại ngã xuống, bị cáo ngay lập tức tri hô tìm người giúp sức đưa nạn nhân đi cấp cứu, sau đó cũng đã bồi thường cho gia đình nạn nhân 100 triệu đồng. Như vậy, tôi cho rằng cần áp dụng mức án treo với bị cáo”.

“Trong vụ án này, tôi cho rằng cần phải làm rõ một số vấn đề sau: Hành vi của bị cáo có xuất phát từ lỗi của bị hại hay không? Nếu xác định bị cáo không có thêm bất kỳ hành vi nào tác động vào bị hại thì phải xem xét đến ý chí bị cáo là không muốn gây ra thương tổn cho bị hại, bị cáo chỉ vô tình gây ra thương tổn này. Ngoài ra, cũng cần làm rõ nền tảng sức khỏe trước đó của bị hại như thế nào? Có ảnh hưởng đến tỷ lệ tổn thương cơ thể là 56% hay không?”.