Trước đó nhiều năm, cha của Jae Yong - cố chủ tịch Samsung, ông Lee Kun Hee cũng dính hàng loạt bê bối tài chính "khủng". Ông không bị kết án tù giam, nhưng phải thụ án tù treo 3 năm.
Cặp cha con ảnh hưởng nhất đến kinh tế Hàn Quốc
Lee Kun Hee (9/1/1942 - 25/10/2020) là đại tài phiệt kiêm chủ tịch đời thứ 2 của Tập đoàn Samsung. Ông kế nhiệm cha, Lee Byung Chul (12/2/1910 - 19/11/1987) sau khi vị chủ tịch đời thứ nhất này qua đời, và lập tức bắt tay vào cuộc "đại cải cách".
Lee Kun Hee (9/1/1942 - 25/10/2020)
Trong thời gian "trị vì" Đế chế Samsung, Byung Chul đề cao phương châm "số lượng hơn chất lượng". Nhưng Kun Hee, ông phản đối phương pháp sản xuất và kinh doanh này, yêu cầu toàn thể công nhân viên tập đoàn cải cách triệt để. Ông khiến cả Hàn Quốc nhớ đến vì câu tuyên ngôn cực đoan: "Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con". Chỉ cần phát hiện có bất cứ mặt hàng nào bị lỗi hay kém chất lượng, Kun Hee tức khắc thu hồi và tiêu hủy sạch.
Nhờ Kun Hee, Samsung bước lên tầm cao mới. Họ không chỉ là tập đoàn lớn mạnh nhất Hàn Quốc, mà còn vang danh toàn cầu.
Lee Jae Yong (23/6/1968) là trưởng nam đồng thời là con trai duy nhất trong 4 người con của Kun Hee. Từ nhỏ, ông đã được giáo dục để kế nhiệm chức vị của cha trong tập đoàn. Thời đi học, Jae Yong nổi tiếng xuất sắc nhất. Chí ít, ông cũng thông thạo 3 ngôn ngữ: Hàn, Anh và Nhật Bản.
Lee Jae Yong (23/6/1968)
Jae Yong bắt đầu làm việc trong Samsung từ năm 1991, ở tuổi 23. Ông đi từ vị trí lãnh đạo cấp thấp là trưởng phòng Kế hoạch và Chiến lược, dần lên chức phó chủ tịch. Mới 46 tuổi, Jae Yong đã được Tạp chí Forbes xếp vào danh sách "35 người quyền lực nhất thế giới". Vào ngày 25/10/2020, Kun Hee qua đời và Jae Yong chính thức nhậm chức nhà lãnh đạo cao nhất của tập đoàn.
Mặc dù mãi đến tận năm 2020 mới mang chức Chủ tịch Samsung, Jae Yong sớm nắm giữ quyền điều hành từ năm 2014. Ông nổi danh là nhà lãnh đạo lịch thiệp, ít nói nhưng cũng vô cùng quyết đoán, lạnh lùng.
"Khách" thường xuyên của tòa án tối cao
Ngoại trừ biệt danh "xứ sở kim chi", Hàn Quốc còn được biết đến với cái tên "đất nước của chaebol". Lịch sử của các tập đoàn tài phiệt ở đây gắn liền với lịch sử tái thiết, phát triển đất nước.
Tiền thân của các tập đoàn đời đầu ở Hàn Quốc là công ty Nhật, do doanh nhân Nhật Bản xây dựng và điều hành trong thời thuộc Nhật (1910 - 1945). Sau khi Nhật đại bại trong Thế chiến II (1939 - 1945), các doanh nhân này phải rút chạy về nước, bỏ trống vị trí lãnh đạo. Một số người Hàn đã nhân cơ hội tiếp quản.
Các tập đoàn tài phiệt gắn liền với lịch sử kinh tế Hàn Quốc (Ảnh minh họa)
Năm 1953, Triều Tiên chính thức bị chia cắt thành Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc. Tổng thống Lee Sung Man (18/4/1875 - 19/7/1965) dẫn dắt Hàn Quốc. Vào năm 1961, Park Chung Hee (1917 - 1979) thay thế vị trí của Sung Man. Ông xác định, chỉ có đẩy mạnh công - thương mới là lối đi tắt nhanh nhất cho nền kinh tế.
Chớp lấy sự quan tâm và ưu đãi của chính phủ, các công ty như Samsung, Hyundai, Daewoo… phát triển rầm rộ. Chỉ sau 20 năm, họ đã biến Hàn Quốc thành cường quốc kinh tế và trở thành "hệ thống quyền lực thứ 2".
Quyền lực của Chủ tịch Samsung là rất lớn
Hệ thống quyền lực thứ 2 có mối quan hệ khó nói với "hệ thống quyền lực thứ 1" (tức chính phủ). Nó cần sức mạnh chính trị, nhưng lại cố khống chế tầm ảnh hưởng và giải quyết bằng cách đút lót tài chính. Đối tượng được họ nhắm tới là các chính trị gia, đặc biệt là thân tín của tổng thống.
Từ đầu thập niên 2000, Samsung đã liên tục dính các nghi án hối lộ. Vào năm 2005, Tòa án Hàn Quốc từng gửi giấy triệu tập cho Kun Hee. Tuy nhiên thay vì Kun Hee, 2 giám đốc điều hành bị kết tội và lĩnh án treo.
Vào năm 2007, luật sư cấp cao của Samsung là Kim Yong Chul gây chấn động toàn Hàn Quốc. Ông thừa nhận tội hối lộ, nhưng không "chết một mình" mà phanh phui toàn bộ văn phòng luật sư của tập đoàn, chỉ đích danh kẻ chủ mưu là Chủ tịch Kun Hee.
Kim Yong Chul, vị luật sư "tố cáo nội bộ" của Samsung
Đầu năm 2008, Kun Hee bị tố hàng loạt tội danh, trong đó nghiêm trọng nhất là lập "quỹ đen" chuyên dùng hối lộ tòa án và các nhân vật chính trị lớn. Giữa năm, ông tiếp tục dính nghi án trốn thuế, gian lận tài chính. Trong phiên tòa xét xử cuối cùng được tổ chức vào tháng 7/2008, các công tố viên đòi xử Kun Hee 7 năm tù giam cùng phạt hành chính 350 tỷ won. Song khi kết thúc, vị chủ tịch này chỉ bị phạt 110 tỷ won và 3 năm tù treo.
Lee Jae Yong: Đã ra tù còn bị "mời" quay lại chịu án tiếp
Bất chấp bê bối của chủ tịch, Tập đoàn Samsung ngày càng lớn mạnh. Vào năm 2012, tập đoàn chiếm hẳn 20% GDP của Hàn Quốc. Quyền lực của Kun Hee cũng ngày càng mở rộng.
Năm 2014, Kun Hee đổ bệnh nặng và không thể tham gia lãnh đạo tập đoàn. Jae Yong vẫn duy trì chức vị phó chủ tịch, nhưng đã nắm giữ toàn quyền điều hành Samsung.
Trước phóng viên và công chúng Hàn Quốc, Jae Yong mang hình ảnh nhà lãnh đạo lịch thiệp
Năm 2015, Jae Yong quyết định sát nhập 2 công ty con là Cheil Industries và Samsung C&T. Ông cần sự hậu thuẫn của chính quyền Park Geun Hye (1952) đương nhiệm, nên đút lót cho bà một khoản "khủng" là 30 tỷ won.
Năm 2017, Geun Hye bị phát hiện và kết tội tham nhũng, phế truất khỏi chức vị. Jae Yong cũng không tránh khỏi liên can, bị kết án hối lộ và phạt tù giam 5 năm. Ông kháng cáo, được giảm một nửa thời gian. Thế nhưng chỉ sau 1 năm "bóc lịch", Jae Yong đã được trả tự do, hưởng án treo.
Sau 2 năm tự do, Jae Yong lại phải quay về nhà giam
Có điều, may mắn của Jae Yong không kéo dài như ông mong đợi. Vào năm 2019, Tòa án Cấp cao Seoul lật lại các vi phạm của Jae Yong. Sau 2 năm điều tra và xét xử, họ tuyên bố phạt ông 2,5 năm tù giam.
Ngày 18/1/2021, Jae Yong chính thức trở lại nhà tù. Công chúng Hàn Quốc bày tỏ sự hoan nghênh và tin tưởng đối với Tòa án Cấp cao Seoul, cho rằng đây là phán quyết nghiêm minh nhất.
Chỉ là tại Hàn Quốc, tham nhũng và hối lộ rất "chuyện thường nhật" trong giới chaebol. Tuy Jae Yong đã bị "mời" vào tù lại, nhưng nhiều người vẫn lo ngại "chưa đủ để làm gương và thanh lọc thế giới tài phiệt".