Với 3 tội danh "Tham ô tài sản", "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng", bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị TAND TP HCM tuyên mức hình phạt chung là tử hình. Tòa cũng buộc bị cáo có trách nhiệm khắc phục thiệt hại 673.848 tỉ đồng.

Bất động sản khắp nơi

Hồ sơ vụ án thể hiện quá trình làm rõ vụ án, cơ quan chức năng đã phong tỏa 1.896 tỉ đồng, 8,4 triệu USD của bị cáo Lan và những người liên quan; tạm giữ 1.266 bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận công trình xây dựng, danh sách 269 nhà đất cho thuê...

Có trên 1.230 bất động sản liên quan trực tiếp đến bị cáo Trương Mỹ Lan bị kê biên, ngoài ra, kê biên 8 bất động sản của Công ty Âu Lạc Quảng Ninh tại Quảng Ninh liên quan đến thỏa thuận hợp tác của bị cáo với Tập đoàn Tuần Châu. Việc kê biên cũng được áp dụng với hơn 857,5 triệu cổ phần của bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ bị cáo tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), 1 du thuyền, 2 tàu cùng 19 ô tô của 2 bị cáo Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu gái bị cáo Lan)...

Theo bản án sơ thẩm, từ năm 2012 đến tháng 10-2022, bị cáo Lan thâu tóm, nắm giữ trên thực tế số lượng cổ phần gần như tuyệt đối của SCB (từ 85% đến 91,5% cổ phần). Qua đó, trở thành nhân vật quyền lực, nắm vai trò chỉ đạo, điều hành mà thực chất là thao túng toàn bộ hoạt động của SCB nhằm phục vụ cho các mục đích khác nhau của bản thân.

Bản án nhận định cựu chủ tịch Vạn Thịnh Phát cùng nhiều đồng phạm với những vị trí, vai trò riêng thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Vụ án Vạn Thịnh Phát và khối tài sản khổng lồ- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tiền khắc phục cực lớn

Trong phần tuyên án, về trách nhiệm dân sự, việc xử lý vật chứng, xử lý tài sản kê biên, phong tỏa trong vụ án, HĐXX tuyên buộc bị cáo Trương Mỹ Lan bồi hoàn cho SCB dư nợ của 1.243 khoản tương đương số tiền trên 673.800 tỉ đồng.

HĐXX buộc bị cáo Dương Tấn Trước, cựu Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt, bồi hoàn cho SCB 692,7 tỉ đồng. Buộc bị cáo Nguyễn Thanh Tùng và Công ty Dầu khí Đông Phương bồi hoàn 443,6 tỉ đồng cho ngân hàng này. Tòa cũng buộc bị cáo Dương Tấn Trước nộp lại hơn 2.200 tỉ đồng, số tiền này sẽ được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án. Bị cáo Nguyễn Cao Trí, Chủ tịch Tập đoàn Capella, phải nộp lại 1.000 tỉ đồng, số tiền này cũng được khấu trừ vào nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan.

SCB được giao tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.122 mã tài sản đang được thế chấp để bảo đảm cho 1.243 khoản vay, hợp đồng tín dụng còn nghĩa vụ nợ trong vụ án. Theo HĐXX, trong trường hợp SCB xử lý tài sản theo hợp đồng thế chấp để thu hồi nợ thì sau khi xử lý xong các khoản nợ được bảo đảm bằng những tài sản tương ứng, phần giá trị tài sản còn lại cần phối hợp với C03 - Bộ Công an để xác định tài sản nào thuộc sở hữu của bị cáo Trương Mỹ Lan thì dùng để bảo đảm nghĩa vụ bồi hoàn của bị cáo trong vụ án.

Ngoài ra, HĐXX tuyên buộc Công ty Quốc Cường Gia Lai hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã nhận từ bị cáo Trương Mỹ Lan là 2.882,8 tỉ đồng để bảo đảm thi hành án cho bị cáo trong toàn bộ vụ án; buộc Công ty Hồng Phát nộp lại số tiền 2.355 tỉ đồng cũng vì mục đích trên.

Buộc Công ty Phú An, bà Phan Thị Phương Thảo nộp lại số tiền 145,26 tỉ đồng, 1.000 lượng vàng SJC; tương tự là buộc Công ty CP T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc nộp lại số tiền 6.095 tỉ đồng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của cựu chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát… cũng là những nội dung quan trọng trong phần tuyên án của HĐXX. 

Sẵn sàng cho thi hành án

Ngày 12-4, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, đã thông tin bước đầu liên quan thi hành án trong vụ án Vạn Thịnh Phát. Theo đó, ngay trong giai đoạn cơ quan điều tra, truy tố, Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo các cơ quan thi hành án tiến hành kiểm tra thủ tục pháp lý đối với tài sản, vật chứng để bảo đảm thi hành án về sau.

Vụ án Vạn Thịnh Phát và khối tài sản khổng lồ- Ảnh 2.

Ngay khi bản án có hiệu lực, các bị cáo trong vụ án phải thực hiện những nội dung tòa tuyên

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự nhấn mạnh vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án lớn, được dư luận đặc biệt quan tâm, có nhiều bị hại. Với tính chất đó, tổng cục đã chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự TP HCM xây dựng kế hoạch chi tiết, bố trí nguồn lực, cử cán bộ chuẩn bị cho công tác thi hành án. "Ngay khi bản án có hiệu lực, với sự chuẩn bị từ sớm, cơ quan thi hành án sẽ tổ chức thi hành theo đúng quy định pháp luật" - ông Nguyễn Thắng Lợi cho hay.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc thu hồi các tài sản bị tuồn ra nước ngoài, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết thực hiện qua kênh hỗ trợ tư pháp. Cụ thể là theo các hiệp định hỗ trợ tư pháp hoặc trên cơ sở có đi có lại giữa các nước.

M.Chiến