Anh rể trần tình sau khi bị tố - những lời lẽ vô cảm và thiếu tử tế
"Bố mẹ vợ của tôi cũng gửi lời xin lỗi đến tôi, tôi cũng rất tiếc khi mọi việc lại bị nhiều người hiểu nhầm, nhiều người chỉ nghe thông tin một chiều mà đã "ném đá" tôi, khiến cho tôi rất thất vọng.
Hiện tại, Thùy D. đã về Ninh Bình, năm vừa rồi, lớp của em ấy có 38 học sinh, thì bạn ấy đứng cuối lớp với hạnh kiểm khá. Gia đình tôi cũng đang họp bàn về chuyện ồn ào này. Thậm chí, vợ tôi cũng bất bình vì những lời tố cáo của em cô ấy trên mạng xã hội..."
Đây là nguyên văn tôi copy lại không thêm bớt một câu từ lời trần tình của người anh rể bị em vợ tố bạo hành. Bạn nghĩ gì về người anh rể này qua những lời đó?
Nếu như anh ta không nói như thế này thì có lẽ tôi sẽ tin rằng đây chỉ là sự hiểu nhầm kiểu cô bé 15 tuổi muốn gây sự chú ý như cái cách mà nhiều đứa trẻ hay tự làm đau mình nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người.
Mà cho dẫu cho cô bé có "tự đấm mình đến bật máu môi" để tạo sự chú ý thì trách nhiệm của một người anh rể hay 2 người chị và bố mẹ cô bé cũng đáng phải truy cứu. Xin nhớ cho rằng việc bạo hành trẻ em còn bao gồm cả việc bạo hành tinh thần và bỏ bê chứ không chỉ là "cho ăn đấm mới là bạo hành".
Cô bé 15 tuổi tố bị anh rể bạo hành trong nhiều năm.
Dù anh đúng đến đâu đi nữa nhưng khi anh "dạy bảo" em vợ mình, một đứa trẻ 15 tuổi, thì làm ơn, hãy bằng sự lắng nghe, quan tâm chứ không thể bằng bất cứ một hình thức bạo lực nào cho dẫu đó là bạo lực tinh thần.
Có thể khi chúng ta quá nóng giận chúng ta sẽ có những câu nói gây tổn thương người khác nhưng đó cũng là điều không được phép và khi "tỉnh lại" thì phải biết xin lỗi. Lẽ thường là phải vậy.
Thùy D. đăng ảnh chụp vết thương do bị bạo hành
Đau lòng thay những cách yêu thương bằng bạo lực
Giữa hàng trăm ngàn ý kiến đang chia rẽ thành nhiều phe khiến cho chân tướng sự việc thế nào chưa ngã ngũ được thì thứ tôi thấy đang là sự đau lòng. Đau lòng khi chuyện gia đình một lần nữa được mang lên mạng đấu tố nhau như những người dưng nước lã.
Là vợ chồng còn có thể ly hôn nhau được nhưng chị em ruột thì làm sao có thể phân bè ta- địch? Tôi không biết khi người chị đưa lên mạng xã hội những lời trách móc em mình như thế liệu có còn một chút nào gọi là "máu mủ ruột mềm" chăng?
Sao nó giống như cái câu "khác máu tanh lòng" đến thế? Sao nó giống như "người dưng nước lã" đến thế? Tôi không biết ai đúng ai sai trong câu chuyện này vì tôi vốn không quan tâm đến chân tướng của sự việc.
Tôi chỉ quan tâm đến việc cô bé ấy mới 15 tuổi, cái tuổi mà pháp luật Việt Nam vẫn coi là trẻ em. Tôi chỉ quan tâm đến những lời chia sẻ của bạn bè cô bé - những đứa trẻ 15 tuổi thấy gì nói vậy.
Tôi chỉ quan tâm đến việc cả nhà cô bé đang quây lại lên án cô bé trên mạng xã hội chứ không phải "đóng cửa bảo nhau" như các cụ dạy. Trời ơi, sao những thứ tôi thấy đều đau lòng đến vậy?
Đau lòng nữa khi thấy cái cách người ta dùng bạo lực để dạy dỗ nhau theo kiểu yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi. Tôi kinh sợ cái cách "yêu" ấy!
Bạo hành chưa và không bao giờ là cách dạy dỗ trẻ em văn minh
Quan điểm của tôi vẫn trước sau như một: Bạo hành trẻ em dù với bất cứ lý do gì cũng là SAI. Không thể lấy bất cứ lý do gì để bạo hành trẻ em cả.
Chúng ta không thể sửa cái Sai bằng cách làm Sai. Tuyệt đối không! Tuyệt đối không có chuyện dùng roi vọt hay quát mắng, thóa mạ với trẻ em được coi là một "cách dạy dỗ".
Chúng ta có đến 18 cơ quan - tổ chức chịu trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc trẻ em nhưng trước khi họ có mặt, xin hãy có mặt trước vì "nước xa không cứu được lửa gần". Để không chỉ trường hợp cô bé 15 tuổi này, hàng ngàn trẻ em đang "được dạy dỗ" bằng bạo lực sẽ không còn đơn độc!
* Bài viết thể thiện quan điểm của tác giả