Đây là kết luận được trả lời sau những nội dung tố cáo của bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, trú tại phường Vĩ Dạ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế - mẹ của Bác sĩ Lê Quang Huy Phương - Nguyên Trưởng Đơn vị chăm sóc da, Khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế.

Trong vụ án này, bị cáo là bác sĩ Lê Quang Huy Phương, còn Dương Huỳnh Thu Th. là điều dưỡng viên hợp đồng cùng đơn vị với Phương.

Bà Lan tố cáo ông Nguyễn Hoài An, Giám đốc Trung tâm Pháp Y tỉnh 5 nội dung, đặc biệt nhấn mạnh đến 2 kết luận giám định có kết quả lệch nhau khiến cho con trai bà bị oan sai bản án sơ thẩm tuyên phạt 6 năm 8 tháng tù về các tội: "Cố ý gây thương tích"; "Hiếp dâm" và "Giữ người trái pháp luật" đối với Phương.

Các nội dung tố cáo đều đúng một phần

Theo Kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, Kết quả xác minh các nội dung của tố cáo của bà Lan đều đúng một phần.

Đáng chú ý, Bản Kết luận giám định pháp Y về tình dục số 409-19/TD, bà Lan cho rằng giám định không đầy đủ, không theo quy trình giám định pháp y ban hành kèm theo Thông tư của Bộ Y tế.

Cụ thể: Giám định khi không có Bản sao hợp pháp tất cả hồ sơ bệnh án liên quan đến thương tích cần giám định? Sử dụng biểu mẫu kết luận giám định không đúng quy định của Bộ Y tế.

Theo ý kiến của các chuyên gia Pháp Y (Viện Pháp Y Quốc gia), thì: "Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 quy định về danh mục hồ sơ giám định nhưng không có nghĩa bắt buộc phải có đầy đủ danh mục hồ sơ tại thời điểm trưng cầu giám định, mà hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định có thể được cơ quan trưng cầu hoàn thiện, bổ sung trong quá trình giám định theo yêu cầu của giám định viên".

Tuy nhiên kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, nếu lúc trưng cầu có thể vì lý do nào đó chưa đầy đủ hồ sơ bệnh án liên quan, thì trong quá trình giám định, cơ quan giám định phải yêu cầu cơ quan trưng cầu hoàn thiện, bổ sung. Nếu không tham khảo hồ sơ bệnh án liên quan sẽ dẫn đến việc không đánh giá đúng tính chất, mức độ của thương tích ban đầu, biến chứng, tiến triển của thương tích trong quá trình điều trị, ảnh hưởng của thương tích đối với sức khỏe, công việc của đối tượng giám định.

"Cũng không loại trừ khả năng đối tượng giám định tự gây thêm thương tích để buộc tội nghi can, hoặc thương tích do tai nạn, thương tích có trước hoặc có sau thời điểm gây án... Việc không yêu cầu, không thu thập đầy đủ bản sao hợp pháp hồ sơ bệnh án liên quan để thực hiện giám định là chưa tuân thủ trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013", kết luận nêu.

Vụ bác sĩ bị tố hiếp dâm nữ đồng nghiệp ở Huế: Sở Y tế kết luận nội dung tố cáo - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Quang Huy Phương tại tòa

Về vấn đề định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại dựa trên những thương tích bầm tím, xây xước da nông mà những thương tích này chắc chắn không để lại sẹo, (trong khi Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế không có bất cứ quy định nào về tỷ lệ tổn thương cơ thể do đa tổn thương phần mềm gây bầm tụ máu, dập cơ). Chỉ giám định đối với các vết bầm tím ở mặt, cổ, ngực, lưng, hai tay, hai chân chưa điều trị ổn định, còn lại tách thương tích bầm tím phần mềm mắt phải, xuất huyết kết mạc mắt ra để giám định sau.

Sở Y tế đánh giá, việc giám định viên chưa thực hiện giám định đối với tổn thương vùng mắt vào thời điểm này là hợp lý. Tuy nhiên, đối với các tổn thương phần mềm khác trên cơ thể, lúc này bệnh nhân Th. đang nằm viện để điều trị, thương tích chưa ổn định, nên đúng ra giám định viên cũng không nên vội vàng thực hiện giám định (cũng chưa thu thập đầy đủ hồ sơ bệnh án) vì sẽ không có cơ sở để đánh giá các thương tích bầm tụ máu, dập cơ của người được giám định ở mức độ nào, có để lại sẹo xơ cứng hay không, có ảnh hưởng đến thẩm mỹ, chức năng vận động… hay không?

Hơn nữa, theo hình ảnh (bản ảnh) các vết thương ở các vùng trên cơ thể chủ yếu là sưng nề, bầm tím, khả năng để lại sẹo không cao, có các vùng thương tích đã chuyển sang màu vàng không còn vết bầm tím (vùng tay trái, sau vai trái), những vùng này gần như chắc chắn không để lại sẹo.

Do đó, việc giám định viên áp dụng mục VIII. Vết thương chưa thành sẹo (tính như sẹo vết thương phần mềm) và áp dụng mục I.1. Sẹo vết thương phần mềm là không khách quan khi định tỷ lệ phần trăm thương tích?

Riêng đối với vùng ngực, lời khai của bà Dương Huỳnh Thu Th. tại bệnh án Bệnh viện TW Huế ghi nhận lúc 16h ngày 17/9/2019: "bụng mềm, ngực không đau (khai không bị đánh vào bụng, ngực)". Như vậy, liệu vết thương vùng ngực tại thời điểm giám định có phải do bị can đánh hay vết thương này mới có sau này?

Phản hồi về tố cáo của bà Lan cho rằng, Bản Kết luận giám định pháp Y về tổn thương cơ thể đối với nữ y tá khi hồ sơ giám định không đầy đủ, không đúng quy định của pháp luật.

Kết luận nêu, trong quá trình giám định, việc giám định viên không có đầy đủ hồ sơ bệnh án liên quan để nghiên cứu, sẽ không biết được diễn biến quá trình điều trị, tiến triển của thương tích trong từng thời điểm, sẽ dẫn đến việc đánh giá thiếu khách quan về tỷ lệ tổn thương cơ thể của đối tượng giám định.

Vụ bác sĩ bị tố hiếp dâm nữ đồng nghiệp ở Huế: Sở Y tế kết luận nội dung tố cáo - Ảnh 2.

2 kết luận giám định có tỷ lệ thương tật khác nhau

Giám định tỷ lệ thương tích từ 9% lên 31 % chưa tuân thủ đúng trình tự

Về vấn đề định tỷ lệ tổn thương cơ thể 31% đối với 2 mắt của bị hại không có căn cứ vì các kết quả khám mắt loại trừ nguyên nhân vẫn đục nhẹ dịch kính cả 2 mắt do bị đánh; BS Phương không phải chịu trách nhiệm về tổn thương mắt trái nếu có của cô Th., vì các kết quả khám mắt thể hiện chưa thấy bất thường ở mắt trái.

Sở Y tế nhận xét và đánh giá, việc định tỷ lệ tổn thương 02 mắt là 31%, trên cơ sở kết quả khám mắt (vẫn đục dịch kính nhẹ, thị lực 02 mắt đều 3/10) là có cơ sở, phù hợp với Bảng tỷ lệ tổn thương cơ thể do giảm thị lực vì tổn thương thực thể cơ quan thị giác (kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện giám định, giám định viên chỉ căn cứ vào kết quả khám mắt tại Bệnh viện Mắt Huế (ngày 30/9/2019 và ngày 17/10/2019), mà không nghiên cứu tài liệu, hồ sơ bệnh án quá trình điều trị của bệnh nhân từ khi vào viện đến khi ra viện tại Bệnh viện Trung ương Huế… để đánh giá một cách khách quan, toàn diện trước khi kết luận và định tỷ lệ tổn thương mắt của bệnh nhân. Cũng không loại trừ khả năng tổn thương mắt ở các lần khám sau này không phải do nghi can gây ra.

Hơn nữa, theo BS Phạm Minh Trường – Giám đốc Bệnh viện Mắt Huế thì "Mặc dù vẩn đục dịch kính trên hình ảnh siêu âm là tồn tại khách quan và có rất nhiều nguyên nhân gây vẩn đục dịch kính (như: Cao huyết áp, viêm màng bồ đào, bệnh lý về võng mạc, về mạch máu, chấn thương, viêm nhiễm, bẩm sinh…), vẩn đục dịch kính có thể làm giảm thị lực hoặc không làm giảm thị lực, thông thường vẩn đục vừa và nặng có thể làm giảm thị lực, còn vẩn đục nhẹ thì có thể không ảnh hưởng đến thị lực…, còn việc kiểm tra thị lực để định tỷ lệ (3/10, 4/10…) hầu như chủ yếu là do chủ quan của người được kiểm tra tự đọc và người đánh giá ghi nhận kết quả".

Thực tế cho thấy ngày 05/11/2019, Kết luận thị lực cả 2 mắt giảm đều nhau còn 3/10, tỷ lệ tổn thương 02 mắt là 31%. Tuy nhiên, theo tài liệu do người tố cáo cung cấp thì sau đó khoảng 18 ngày, bà Th. dự thi tay nghề điều dưỡng tại Bệnh viên Trung ương Huế, không đeo kính nhưng vẫn làm bài thi dài 12 trang giấy A4 với số điểm 9,25. 

Hàng ngày bà Th. vẫn đi bộ qua đường, đi xe máy từ nhà đến Bệnh viện và ngược lại với quãng đường khoảng 9 - 10km bình thường, vẫn làm việc, vẫn tiêm đường mạch máu (tĩnh mạch) cho bệnh nhân bình thường, không đeo kính nhưng cũng không gặp bất cứ trở ngại gì… Vì vậy, thị lực 02 mắt của bà Th. đều 3/10 liệu đã thực sự chính xác, khách quan và cần phải được các cơ quan chuyên môn nhìn nhận, đánh giá thận trọng hơn.

Mặt khác, vào thời điểm giám định bổ sung ngày 10/10/2019 và ký Bản Kết luận giám định pháp Y về tổn thương cơ thể số 444-19/TgT, ngày 05/11/2019. Lúc này các tổn thương phần mềm ở các vùng khác trên thân thể (mặt, cổ, ngực, lưng, hai tay, hai chân) gây bầm tụ máu, dập cơ… đã khá ổn định sau khi điều trị và ra viện một thời gian, lúc này giám định viên có thể đánh giá một cách khác quan hơn về tình trạng sẹo của các tổn thương phần mềm nếu có của bệnh nhân (trên cơ sở hồ sơ bệnh án và giám định trực tiếp trên bệnh nhân) để định tỷ lệ thương tích được chính xác hơn, nhưng giám định viên vẫn lấy lại tỷ lệ 9% của lần giám định trước để tổng hợp cùng tỷ lệ giám định bổ sung vùng mắt 31% và đưa ra tỷ lệ tổn thương cơ thể chung 37% là chưa thực sự khách quan, thiếu tính thuyết phục.

Như vậy, hồ sơ, tài liệu do cơ quan trưng cầu thu thập, cung cấp và bàn giao, cũng như việc sử dụng các hồ sơ, tài liệu trong quá trình thực hiện giám định của cơ quan giám định chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục quy định.

Kết luận

Đoàn xác minh tố cáo của Sở Y tế Thừa Thiên Huế cho hay, Bản Kết luận giám định pháp Y về tình dục số 409-19/TD, ngày 25/9/2019 không khách quan, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy trình giám định Pháp Y ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế.

Và, Bản kết luận giám định bổ sung (giám định ngày 10/10/2019, ký kết luận ngày 05/11/2019) không khách quan, chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy trình giám định Pháp Y ban hành kèm theo Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 của Bộ Y tế.

Chưa đủ cơ sở để khẳng định giám định viên cố ý thực hiện giám định trái pháp luật.

Giám đốc Trung tâm Pháp Y tỉnh đã nghỉ hưu

Tại kết luận của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế có kiến nghị:

Đối với Trung tâm Pháp Y tỉnh:

Do ông Nguyễn Hoài An đã nghỉ hưu theo chế độ. Yêu cầu các cá nhân liên quan trong việc thực hiện và ban hành 02 bản kết luận nêu trên tiến hành kiểm điểm, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, để tránh sai sót ở những lần giám định sau này.

Chấn chỉnh công tác giám định tại Trung tâm Pháp Y tỉnh, để đảm bảo thực hiện khách quan, tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. 

Báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế trước ngày 30/9/2021.

Bộ Y tế:

Đề nghị các Vụ, Cục, Viện trực thuộc Bộ khi tham mưu ban hành các Thông tư, quy định hướng dẫn… cần rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để các cơ quan chuyên môn ở địa phương, các đơn vị trực thuộc thuận lợi trong việc áp dụng và tổ chức thực hiện; tránh việc hiểu và vận dụng không đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là các văn bản quy phạm mang tính pháp lý về lĩnh vực tư pháp.

Cơ quan tiến hành tố tụng:

Do 02 bản kết luận nêu trên chưa thực sự khách quan và chưa tuân thủ đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng (Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Công an tỉnh), đề nghị cơ quan có thẩm quyền trưng cầu thực hiện giám định lại thương tích đối với bà Dương Huỳnh Thu Th., nhằm đảm bảo tính khách quan của vụ án.