Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng cần làm rõ hai yếu tố sau đây:
Theo vị luật sư, thứ nhất, cần làm rõ về cơ sở trông giữ trẻ có phải tự phát hay không. Trong trường hợp nếu cơ sở giữ trẻ không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động và thu phí. Đây là hành vi vi phạm, cá nhân tổ chức điểm trông giữ trẻ tự phát vi phạm có thể bị xử lý theo quy định pháp luật tuỳ vào tính chất mức độ hành vi vi phạm.
Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 3 và khoản 5 Điều 5 Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Việc tự ý mở nhóm trẻ để nhận giữ trẻ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép có thể bị phạt tiền từ 7 đến 10 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học.
Thứ hai, cần nói đến hành vi của L. T. T. V. (sinh năm 2008). Trước tiên V. là trẻ chưa thành niên, luật pháp Việt Nam có những quy định đặc biệt trong việc xử lý vụ án liên quan đến người vị thành niên.
Cụ thể, hệ thống pháp luật dành cho người vị thành niên tại Việt Nam không tách biệt hoàn toàn khỏi người lớn nhưng có những điều khoản đặc thù nhằm mục đích giáo dục và giúp họ sửa chữa lỗi lầm (chi tiết quy định tại chương XII BLHS về xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội).
Bên cạnh đó, không phải bất cứ trường hợp nào có hậu quả chết người, đối tượng vi phạm cũng phải chịu tội giết người. Dưới góc độ pháp lý, khi chưa chứng minh được đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, thì chưa thể kết luận tội phạm gì.
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật
Luật sư nhận định, trong 4 yếu tố cấu thành tội giết người, về mặt chủ quan, đối tượng giết người thực hiện hành vi vi phạm bằng lỗi cố ý với mục đích nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Từ những thông tin được cung cấp có thể đặt ra giả thuyết trong trường hợp V. không có ý chí nhằm tước đoạt mạng sống nạn nhân. V. là trẻ thành niên, không kiểm soát tốt hành vi của mình, đã thực hiện gây thương tích với nạn nhân để nạn nhân không khóc nữa, tránh làm ảnh hưởng đến những đứa trẻ khác.
Khi thấy nạn nhân không khóc, không dậy nữa, V. đã hoảng loạn và ngay lập tức cùng gia đình đưa nạn nhân đi tới viện. Nếu là tội cố ý giết người thì tội phạm sẽ bỏ mặc hậu quả vì mục đích của tội giết người là nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Thế nhưng ở đây V. không bỏ mặc mà ngay lập tức đưa nạn nhân tới viện.
"Tuy nhiên đây là giả thuyết được đặt ra, việc kết luận về hành vi, áp dụng khung hình phạt đối với V. còn phụ thuộc vào kết quả điều tra, xét xử của của cơ quan có thẩm quyền. Theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng trường hợp của V. là có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người theo quy định tại khoản 4, Điều 134 BLHS với khung hình phạt điều luật này quy định từ 07 năm đến 14 năm tù giam (cho người từ 18 tuổi trở lên) chứ không phải tội giết người"- Luật sư Bình cho biết.
Luật sư cho biết thêm, đối với bố mẹ của V. là bà T.T.H và chồng cùng làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay, trách nhiệm hình sự thuộc về V. và theo luật quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Căn nhà nơi bé trai 8 tháng tuổi được cha mẹ gửi cả ngày lẫn đêm
Trước đó, vào khoảng 17 giờ ngày 30/3, bà T.T.T.H (SN 1989, ngụ tỉnh Kiên Giang) đã đến Công an phường Thới Hòa trình báo cháu N.H.T (SN 2023) tử vong tại nhà thuê của bà này trên đường DJ4 (khu phố 3B, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát), chưa rõ nguyên nhân.
Theo công an, bà T.T.T.H sinh sống cùng chồng và con ruột tên L.T.T.V (SN 2008), làm nghề giữ trẻ thuê từ khoảng giữa năm 2023 đến nay.
Từ ngày 23/3, bà H. có thỏa thuận với vợ chồng chị N.H.K.N (SN 2003, ngụ tỉnh Hậu Giang) về việc giữ thuê 2 cháu N.H.T và N.H.N (SN 2020), là 2 con của vợ chồng chị N. Thời gian giữ cả ngày lẫn đêm tại nhà thuê của bà H., với giá tiền giữ thuê là 4,5 triệu đồng/tháng.
Ngày 25/3, bà H. bảo cháu V. qua giữ bé T. tại phòng ngủ. Trong lúc V. giữ thì bé T. khóc, lúc này V. dùng tay và cây gỗ đánh vào vùng bụng, lưng và tay bé trai này. Tiếp đó, khoảng 14 giờ ngày 30/3, bà H. ẵm bé T. lên phòng rồi giao cho V. giữ, đồng thời dặn cho bé T. ăn, uống và ngủ. Đến khoảng 16 giờ, khi bé T. đang ngủ ở võng, trong phòng ngủ trên lầu (có máy lạnh) bỗng nhiên thức dậy và khóc nên V. đã đi đến và bế bé trên tay, cùng lúc này có một bé khác cũng đang khóc, nên V. đã ném bé T. xuống nền nhà để qua ẵm bé này.
Thấy bé T. không chịu nín, V. bực tức dùng chân đá mạnh 2 cái bên hông của bé và dùng tay trái đánh mạnh vào vai phải của bé T. Đến lúc này, bé T. mới dừng khóc, V. qua dỗ bé khác.
Sau đó, V. thấy bé T. úp mặt vào gối, dùng hai chân đẩy ra giữa nền nhà và nằm im, khoảng 5 phút sau thì thấy bé T. không cử động nữa. Lúc này, V. bế bé T. chạy xuống tầng trệt báo cho ba mẹ mình biết.
V. nói với bà H. là T. chơi xong rồi ngủ, sau đó kêu không dậy. Bà H. đã đưa bé T. đi cấp cứu tại Trung tâm y tế thị xã Bến Cát. Tuy nhiên, bé T. được xác định là đã tử vong ngoại viện.
Ngày 31/3, V. đến Công an thị xã Bến Cát đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi của mình. V. khai do bực tức vì bé T. khóc nên đã dùng chân, tay và cây gỗ đánh, đá vào vùng bụng, hông, lưng của bé.