Liên quan đến sự việc cháu bé 10 tuổi không may bị rơi xuống hố trụ bê tông sâu 35m ở Đồng Tháp, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cho biết về góc độ khoa học, khi rơi vào hố sâu sẽ có nhiều nguyên nhân gây tử vong.

Đầu tiên, nếu thiếu oxy sẽ gây ngạt. Bên cạnh đó, dưới lòng đất, hố sâu không thông khí sẽ có khí độc. Nếu hít phải cũng có nguy cơ. Do đó, cần phải đảm bảo nguồn oxy cho bé thì mới có hy vọng. "Nguyên tắc là oxy sẽ bay lên. Vì vậy, cần phải đổ thêm nước với lượng vừa phải" – bác sĩ Phương cho hay.

Vụ bé trai rơi xuống hố trụ bê tông ở Đồng Tháp: Sự sống cực kỳ thấp trong hố hẹp sâu - Ảnh 1.

Hiện trường lực lượng cứu hộ tiếp cận cứu cháu bé

Theo bác sĩ Phương, ngoài những yếu tố trên còn có nguy cơ sụt, lún bởi trụ bê tông rỗng, xung quanh là đất. Nếu có lực tác động lên càng nhiều sẽ càng lún sâu.

"Tùy theo độ sâu, càng sâu thì mức độ nguy hiểm càng cao. Với độ sâu 35m là rất khó, không chỉ vậy, đường kính 25cm là quá nhỏ nên việc cứu hộ sẽ rất khó khăn. Bên cạnh đó, xung quanh trụ là đất nên còn có nguy cơ đất mềm, lún sâu. Nếu một trường hợp rơi vào hố sâu, sau 24 giờ thì nguy cơ rất cao, càng lâu chừng nào khả năng nguy hiểm càng cao chừng nấy" – bác sĩ Phương chia sẻ.

Về cơ chế thở, bác sĩ Phương cho biết đối với trẻ 10 tuổi cũng giống như người lớn, không khác biệt nhiều. Tuy nhiên, việc trẻ ở dưới hố sâu quá lâu cộng thêm thời gian quá dài sự sống sẽ cực kỳ thấp.

Trước đó, khoảng 11 giờ 30 ngày 31-12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25 cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m). Tuy nhiên, sau 2 ngày tìm kiếm, đến nay, lực lượng cứu hộ vẫn chưa tìm thấy bé.