Nữ chủ mưu vụ lừa đảo bị bắt ở London

Theo hãng tin tài chính FX168 (Thượng Hải, Trung Quốc), Qian Zhimin, quốc tịch Trung Quốc, được xác định là nghi phạm chính trong vụ án huy động vốn bất hợp pháp trị giá 430 tỷ NDT (khoảng 60 tỷ USD) xảy ra cách đây 7 năm tại Thiên Tân, Trung Quốc. Vụ án này đã khiến 126.000 nhà đầu tư Trung Quốc rơi vào cảnh trắng tay. Qian đã xuất hiện tại tòa án London và bác bỏ cáo buộc rửa tiền thông qua Bitcoin.

Vụ cảnh sát thu giữ 61.000 Bitcoin ở biệt thự nữ nhân viên nghèo: Nghi phạm lừa đảo 126.000 nhà đầu tư nói gì?- Ảnh 1.

Nghi phạm Qian bị bắt giữ vào tháng 4 và bị cáo buộc 2 tội danh liên quan đến rửa tiền. Viện Kiểm sát Hình sự cáo buộc bà ta đã nắm giữ và chuyển nhượng một lượng lớn tiền điện tử bất hợp pháp vào ngày 23/4 hoặc trước đó.

Luật sư của Qian khẳng định: "Thân chủ của tôi phủ nhận mọi cáo buộc phạm tội và sẽ tích cực bào chữa cho mình trước tòa."

Cùng bị truy tố trong vụ án này còn có một người đàn ông tên là Seng Hok Ling. Ông này cũng đã phủ nhận cáo buộc tham gia rửa tiền khi biết rõ hoặc nghi ngờ số tiền đó có nguồn gốc bất hợp pháp.

Phiên tòa xét xử vụ án dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/9/2025 tại Tòa án Hình sự Southwark.

Trước đó, FX168 đã có loạt bài viết về vụ án rửa tiền của bà Qian Zhimin.

Cảnh sát Anh đã triệt phá vụ án rửa tiền Bitcoin lớn nhất thế giới, thu giữ hơn 61.000 Bitcoin, số tiền này được cho là do Jian Wen, một phụ nữ người Anh gốc Hoa, đã hỗ trợ Qian Zhimin xử lý.

Trước đây, Jian Wen là nhân viên bán đồ ăn mang về tại Leeds, cuộc sống không ổn định. Mọi chuyện thay đổi khi cô gặp Qian Zhimin, kẻ cầm đầu đường dây rửa tiền. Qian, với hộ chiếu giả, đến Anh sau khi chuyển đổi lợi nhuận từ một vụ lừa đảo ở Trung Quốc thành tiền điện tử từ năm 2014 đến 2017.

Qian, dùng tên Zhang Yadi, hợp tác với Jian Wen để rửa tiền lừa đảo thành tiền mặt và tài sản giá trị. Jian Wen chuyển từ căn hộ ở Leeds đến biệt thự ở Bắc London, tự xưng là doanh nhân thành đạt và đại diện cho Zhang Yadi.

Cảnh sát sau đó khám xét biệt thự của Jian Wen và thu giữ hơn 60.000 Bitcoin. Wen gặp khó khăn khi chứng minh nguồn gốc tiền mua bất động sản. Vụ khám xét kết thúc chuỗi ngày sống xa hoa của Jian Wen, đánh dấu một trong những vụ thu giữ tiền điện tử lớn nhất thế giới.

Châu Âu tăng cường siết chặt quản lý tiền điện tử

Châu Âu đang đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát thị trường tiền điện tử.

Trang Finance Magnates đưa tin, Cơ quan Quản lý Tài chính Anh (FCA) đã lên tiếng khẳng định cách tiếp cận bị cho là "quá nghiêm ngặt" của mình đối với việc đăng ký các công ty tiền điện tử là cần thiết. FCA cho rằng, việc thiết lập các tiêu chuẩn khắt khe là rất quan trọng để xây dựng một ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số bền vững và đáng tin cậy.

Tuyên bố của ông Val Smith, Giám đốc bộ phận Thanh toán và Tài sản Kỹ thuật số của FCA, được đưa ra để đáp trả những lời chỉ trích cho rằng các yêu cầu ngặt nghèo của cơ quan quản lý có thể kìm hãm sự đổi mới trong lĩnh vực tiền điện tử.

Ông Smith cảnh báo: "Việc đổi mới quá nhanh dựa trên nền tảng không an toàn, không được kiểm soát và không đáng tin cậy chẳng khác nào xây nhà trên cát - rất dễ sụp đổ. Ngược lại, chúng tôi mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính phủ, ngành và các cơ quan pháp lý khác để phát triển ngành công nghiệp tiền điện tử dựa trên nền tảng vững chắc và đáng tin cậy."

FCA đang bị giám sát vì số lượng công ty tiền điện tử được cấp phép hoạt động theo Quy định Chống Rửa tiền (MLR) của Anh còn khá khiêm tốn. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng các tiêu chuẩn của FCA có thể quá cao, gây bất lợi cho vị thế của Anh với tư cách là trung tâm tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Smith đã bác bỏ những quan điểm này. Ông nhấn mạnh rằng FCA chưa bao giờ trực tiếp từ chối bất kỳ đơn đăng ký nào và luôn coi trọng các rủi ro liên quan đến tội phạm tài chính. Ông cũng đề cập đến những lo ngại về các hoạt động khủng bố, tội phạm có tổ chức, trốn tránh lệnh trừng phạt và buôn người.

Vào ngày 12/10, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã công bố một tài liệu cho rằng những người nắm giữ Bitcoin lâu năm đang thu lợi nhuận dựa trên sự thiệt hại của những người mới tham gia thị trường. Tài liệu này kết luận rằng cần phải có các biện pháp kiểm soát đối với Bitcoin để ngăn chặn giá của nó tăng cao hơn nữa, hoặc thậm chí là cấm hoàn toàn loại tiền điện tử này.

Ông Jürgen Schaaf, Cố vấn Quản lý Cấp cao của ECB, đã tham gia vào cuộc tranh luận chống lại Bitcoin trong một bài đăng trên Twitter. Ông cho biết: "Những người không nắm giữ Bitcoin nên nhận thức rằng sự tăng giá của nó được thúc đẩy bởi sự phân phối lại tài sản dựa trên sự thiệt hại của họ" . Ông nói thêm: "Chúng ta có lý do chính đáng để thúc đẩy việc ban hành các chính sách nhằm hạn chế sự tăng trưởng của Bitcoin, thậm chí là loại bỏ nó" .