Khoảng 20h, tàu cá Hoàng Phúc có 16 thuyền viên khi đi đến khu vực phao số 5 luồng sông Soài Rạp (TP HCM tiếp giáp Tiền Giang) bất ngờ chìm. Một sà lan chạy ngang phát hiện sự việc đã vớt được 11 người.

Đến 1g30 ngày 31-10, có 2 trong số 11 nạn nhân trong vụ tàu Hoàng Phúc được cứu sống và đưa về Đồn Biên Phòng Long Hòa, huyện Cần Giờ đó là anh Hoàng Văn Biên và anh Trần Minh Sang. Các thuyền viên khác được đưa về Vũng Tàu.

“Chỉ 2 phút là tàu đã lật”

Hai ngày trước đó, tàu Hoàng Phúc 18 xuất bến được khoảng 200 hải lý nhưng gặp sóng to gió lớn đã quay lại neo sông Soài Rạp đoạn ở phao số 5 cho đến khi xảy ra tai nạn.

Anh Trần Minh Sang (30 tuổi quê Khánh Hòa) tóc tai vẫn ướt mèm, vẻ mặt chưa hết bàng hoàng cho biết: “Khoảng 20h, mọi người vừa ăn cơm xong nên rủ nhau lên boong tàu trò chuyện, có người vào phòng. Đâu được nửa tiếng thì thấy tàu nghiêng nghiêng đồng thời có con sóng rất lớn đánh vào mạn tàu”.

thuyen-vien
Thuyền viên thoát nạn kể lại giây phút đối mặt với "tử thần".

Tàu nghiêng qua mạn bên phải, mọi người chạy ra khỏi phòng hô lớn chìm tàu. Tất cả thuyền viên chạy về phía bên mạn trái tìm đường thoát thân. Lúc này, anh Sang cùng các thuyền viên khác hoảng lạn đến mức không kịp lấy áo phao vì tàu lật rất nhanh. “Trên tàu có áo phao nhưng không ai kịp lấy vì rơi xuống nước nhanh quá. Lúc này mọi người cố gắng bơi về nơi có ánh sáng để tìm sự sống. Tôi cùng một người nữa rơi ở đuôi tàu. Khoảng gần 1 tiếng chới với ở dòng nước thì tôi được một sà lan đi chung quăng dây phao cứu”, anh Sang nhớ lại.

Anh Trần Minh Sang đã đi trên tàu Hoàng Phúc được 2 tháng. Một nạn nhân khác ở đồn Long Hòa là anh Hoàng Văn Biên (29 tuổi, quê Hà Tĩnh) cũng chưa hết thất thần vì tai nạn bất ngờ.

Vụ chìm tàu trên sông Soài Rạp: “Sóng rất lớn khiến, chỉ chưa đầy 2 phút là tàu lật úp”
Anh Hoàng Văn Biên vẫn chưa hết bần thần.

“Mới nghỉ ngơi có 30 phút thì cơn sóng to ập đến khiến tàu bị xàng qua nghiêng về mạn. Thấy tàu nghiêng thì anh em chạy sang mạn ngược lại. Tôi cứ nghĩ tàu nghiêng từ từ nào ngờ ụp cái đã lật, nước tràn xối xả vào hầm cabin, hất tôi xuống nước. Tôi và 8 người khác cố bơi về phía sà lan đi cùng”, anh Biên kể về giây phút định mệnh.

Khi được sà lan gần đó cứu, anh tiếp tục xuống một tàu khác tìm những thuyền viên mất tích nhưng do trời tối nên việc tìm kiếm trở nên vô vọng. Anh Biên nhớ rõ tên những người mất tích gồm anh Tường quê Hà Tĩnh, anh Hải quê Kiên Giang, anh Tấn quê Hà Tĩnh, anh Sang quê Thanh Hóa và anh Quảng quê Nình Bình. Được biết, người thuyền trưởng tên Sơn vẫn còn sống, được đưa về Vũng Tàu.

Hai thuyền viên thừa nhận, các anh em trên tàu cũng chưa có nhiều kinh nghiệm đi ở vùng biển có nhiều luồng lạch như Soài Rạp nên khi xảy ra tai nạn, mọi người còn lúng túng.

Nỗ lực cứu người mất tích

Tại đồn Long Hòa, đại tá Lê Ngọc Hùng (Tham mưu trưởng, bộ đội biên phòng TP.HCM) cho biết, đã nhận được điện cứu nạn lúc 20 giờ 50 phút. Ngay sau đó, ông triển khai ngay cho đồn Biên phòng Long Hòa, Hải đội 2. Các lực lượng gồm Kiểm ngư, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Bộ đội biên phòng… tổ chức tìm kiếm.

Ngoài ra các ngư dân cũng được huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn những người còn mất tích. Đồng thời lực lượng chuyên nghiệp của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng sẽ tiếp cận tàu bị chìm xem còn người mắc kẹt lại trong tàu hay không. 

Theo ông Hùng, hiện vẫn chưa xác định được số lượng thuyền viên trên tàu là 15 hay 16 người nhưng có 11 người được các tàu cá, sà lan cứu, trong đó có 2 người được đưa về đồn biên phòng Long Hòa (Cần Giờ), còn 9 người khác được đưa về Vũng Tàu.

“Khó khăn trước mắt là sóng to gió lớn, tìm kiếm rất khó khăn ảnh hưởng đến anh em trong lúc tìm kiếm”, đại tá Hùng cho hay.

Vị trí tàu chìm gần phao số 0, luồng Soài Rạp, về phía Vũng Tàu. Sông Soài Rạp là phân lưu của hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Sông bắt đầu từ đoạn xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, theo hướng Nam đổ ra biển Đông tại cửa Soài Rạp. Đây là ranh giới tự nhiên giữa các huyện Cần Giờ và Nhà Bè, giữa Cần Giờ và Cần Giuộc (Long An), giữa Cần Giờ và Gò Công Đông (Tiền Giang).