Đến nay, hơn nửa năm trôi qua sau câu chuyện chồng có nhân tình, những chấn thương đang dần hồi phục. Sau những biến cố với người chồng, chị đã dọn sang ở hẳn bên nhà mẹ ruột. Cả 3 người con cũng không còn ở trong căn chòi bên nhà ông bà nội mà sang ở với mẹ.
Chật vật nuôi ba người con
Hiện tại, chị Thu đang sống cùng với các chị em tại căn nhà của mẹ ruột.
Căn nhà chật chội nay có thêm bốn mẹ con lại càng đông đúc. Mấy mẹ con chị chỉ
có thể trả cái nệm nằm dưới sàn nhà trong phòng riêng của mẹ ruột chị Thu, đã
ngoài 80 tuổi. Đầu tháng 5, chị nhận cú sốc khi mẹ ruột mất do bệnh tiểu đường.
“Nếu mấy chị em mà biết sơ cứu thì bà đã không nguy kịch, chứ bình thường bà vẫn
minh mẫn lắm”, chị khẽ nói.
May mắn tai qua nạn khỏi sau khi bị chính chiếc xe do chồng lái gây tai
nạn, chị đã cạo trọc đầu xem như trả ơn đời. Bây giờ, mái tóc đang mọc dầy trở
lại, như chính cuộc sống chị đang thay đổi từng ngày. “Bây giờ mình phải làm lại
cuộc đời mới, nguồn động lực để tôi sống chính là nuôi ba đứa con ăn học, trưởng
thành”, chị chia sẻ.
Dù vậy, với một phụ nữ vẫn đang mang thương tật, không còn nhà cửa, lại
nợ nần nên việc gồng gánh nuôi con đối với chị Thu đầy chật vật. Cuối năm 2015 khi vừa mới khỏe
lại, chị gom góp ít vốn, mua cái xe hàng, sắm ít ghế nhựa để bán bánh tráng trộn,
nước giải khát cho học trò. Dù vậy, chị gần như lấy công làm lời vì bán… ế.
Vài tháng trở lại đây, người phụ nữ này lại chuyển sang bán bánh mì. Sáng
chị dậy sớm từ 4h sáng chuẩn bị bánh mì, heo quay, pa tê, rau… và bán đến 9 –
10h tối thì ngưng. “Tôi vẫn chỉ có thể làm những việc nhẹ nhàng nên chọn cách
bán hàng là tiện nhất. Cũng đỡ cái là nhà có mặt tiền nên có chỗ mà bán. Mà khu
này lại ở trong chợ nên giờ mình bán cái gì thì chợ cũng có, khó mà đông khách
được. Như bánh mì thì ngay chỗ mình bán là hai tiệm khác cũng có bán nên ế lắm”,
chị rầu rĩ giải thích.
Mỗi ngày thu nhập chừng 100 ngàn gần như không đủ để chị lo cho con ăn học.
Chị Thu tâm sự, nhờ có gia đình cưu mang, anh em mỗi tháng ủng hộ dăm ba trăm
ngàn nên “con bé có tiền đóng học phí, bé út được đi học mẫu giáo”, chị nói. Thấy
hoàn cảnh chị khó khăn, các giáo viên dạy cô con cả (học lớp 7) của chị Thu cũng
không lấy tiền học phụ đạo.
“Thương nhất con bé cả, sau giờ học vẫn phụ mẹ bán bánh mì, lo việc nấu
nướng. Cách đây có 1 năm, mỗi khi vào lớp là tôi cho nó 30 ngàn ăn sáng, tiêu vặt
mà giờ chỉ còn có 10 ngàn, có khi cũng chẳng có đồng nào", người mẹ chia sẻ.
Chồng là người dưng nhưng vẫn là ba của
các con
Nói về người chồng cũ của mình, bản thân chị Thu, sau bao năm chung sống
vẫn tin rằng anh là một người vốn tử tế. Những ngày còn chung một mái nhà, chị
còn cảm thấy tự hào khi có người chồng tốt tính. Chỉ đến khi có nhân tình, chồng
chị mới thay đổi mà đỉnh điểm mâu thuẫn là khi chị phát hiện chồng lái xe chở
người đàn bà khác. Bản năng khiến chị đuổi theo và bị chính chiếc xe do chồng
lái gây tai nạn.
Đến giờ, tòa án vẫn chưa xử cho hai người ly dị, dù vậy chị cũng đã coi
chồng như là người dưng khác họ. Dù vậy, với những tài sản riêng còn để bên nhà
chồng, chị vẫn cố đòi lại bằng được. Hồi trước Tết Nguyên đán 2016, chị có vài lần
sang nhà chồng để đòi đồ đạc riêng, một ít nữ trang của mình.
“Có lần, nhà anh ta còn lấy keo sắt nhỏ vào ổ khóa để tôi khỏi vào được. Khi ấy, giữa hai bên cãi nhau to, cuối cùng tôi vẫn không thể lấy được đồ mình. Kể từ đó, tôi không còn muốn lấy làm gì nữa, không suy nghĩ nhiều nữa. Mỗi tuần, tôi đều sắp xếp thời gian đi lễ chùa cho tâm tư thoải mái”, chị Thu chia sẻ.
Dù vậy, chị vẫn nhắc các con nên tự sắp xếp về bên nhà ba của mình. Theo
chị, dù không còn là chồng nhưng anh ta vẫn giữ vai trò người cha. “Tôi hay nhắc
bé lớn rảnh thì qua nhà bố chơi nhưng nó bảo vẫn còn giận nên không khi nào ghé.
Con hai đứa nhỏ thì ông cậu cũng chở qua nhà ông bà nội, đến chiều lại đón về,
dịp Tết, cũng đưa sang bên ấy chúc tết. Các con còn nhỏ, tôi không muốn chúng
vì cha mẹ mâu thuẫn mà thiếu thốn tình thương”, chị Thu tâm sự.
Không quan tâm việc đòi bồi thường
Trước đó, dưới sự giúp đỡ của Hội bảo vệ quyền trẻ em, chị Thu đã gửi lá
đơn đến Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP.HCM, Chủ tịch Hội phụ nữ TP.HCM, Ban Giám
đốc sở Công an TP.HCM đề nghị giải quyết vụ việc chồng lái ô tô gây đa chấn
thương chọ vợ. Sau đó, chị đã đi giám định thương tật với kết quả 69% thương tật
vĩnh viễn.
Tuy nhiên, từ đó đến nay, vụ việc này vẫn “án binh bất động”. Luật sư Trần
Thị Ngọc Nữ (đoàn Luật sư TP.HCM, Ủy viên thường vụ Hội bảo vệ quyền trẻ em)
cho biết: “Chúng tôi vừa gửi lại văn bản yêu cầu sớm truy tố vụ án trên đến
Phòng LĐTBXH H.Hóc Môn. Mấy hôm nữa, Hội bảo vệ quyền trẻ em sẽ tiếp tục gửi
đơn lần 2 cho Thành ủy, công an thành phố nữa để sớm truy tố vụ án này”, luật
sư Nữ cho hay.
“Tòa án cũng chưa giải quyết cho chúng tôi ly hôn. Tôi đòi bên chồng cũ
bồi thường 150 triệu tiền thuốc men, nuôi con với tổn thương tinh thần nhưng họ
chỉ đồng ý trả 50 triệu. Nhưng giờ tôi
cũng không còn quan tâm đến việc đòi bồi thường nữa, cứ để cho pháp luật xử lý
thôi, giờ chỉ cố gắng làm việc nuôi con”, chị Thu bộc bạch.